TTO – Sau 10 năm khởi nghiệp với dòng gốm sắc xanh vừa quen vừa lạ, bao phen lên thác xuống ghềnh, sản phẩm của Hoàng Việt Hải để lại dấu ấn cho người yêu gốm Việt ở Sài Gòn.
Ở tuổi 30, Hoàng Việt Hải đã có 10 năm lăn lộn xây dựng thương hiệu gốm riêng – Ảnh: KIM DUNG
Cung cấp gốm Việt cho hơn 100 nhà hàng
Khoảng 5 năm trở lại đây, gốm Nhật tràn ngập khu đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội và các tỉnh thành khác. Nhiều doanh nghiệp nhỏ bán gốm Việt cũng lao đao.
Hoàng Việt Hải (sinh năm 1986) chia sẻ: “Tôi khởi nghiệp chỉ chú trọng phát triển dòng gốm Việt, cho người Việt”.
Đó là sự mạo hiểm lớn, vì trước đây sự cạnh tranh đến từ một đế chế gốm Trung Quốc đã lừng lẫy hàng ngàn năm, và gần đây là gốm Nhật – người khổng lồ đáng nể của châu Á. Nhiều doanh nghiệp gốm Việt khác cũng phải chọn cách xuất khẩu gốm hay làm gốm thuê cho nước ngoài để tồn tại.
Sự liều lĩnh của Hải bắt nguồn từ khi anh bừng tỉnh, vẻ đẹp riêng biệt của gốm Việt. Ngách nhỏ trong thị trường gốm mà Hải chọn vẫn lọt vào mắt xanh của một bộ phận người tiêu dùng.
Sau 10 năm, đến nay có hơn 100 nhà hàng chọn gốm Yên Lam, từ chén, bát, đĩa cho đến bình hoa, đồ trang trí. Nhiều gia đình cũng chọn mua bát đĩa, chén gốm, bình gốm, vại muối dưa gốm vì vẻ đẹp độc đáo. Hải có khách hàng lớn là các nhà hàng có tiếng.
Một mẫu gốm của Yên Lam – Ảnh: KIM DUNG
Cạnh tranh từ gốm Trung Quốc, gốm Nhật
Sản phẩm đột phá của Hải bắt đầu từ đèn xông tinh dầu. Thời điểm đó đèn xông tinh dầu không có sẵn trên thị trường. Mẫu đèn công ty Hải đưa ra có kiểu dáng đặc biệt. Các doanh nghiệp sản xuất tinh dầu tìm đến và đặt hàng rất nhiều.
Đùng một cái, đèn xông tinh dầu Trung Quốc xuất hiện, giá chỉ bằng một nửa, và rất nhiều người đã chọn đồ của Trung Quốc mặc dù thiết kế cũng không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, kinh doanh thì phải chấp nhận cạnh tranh, Hải tiếp tục thiết kế nhiều mẫu gốm độc đáo khác với gốm: bình trà, lọ hoa, đồ kê điện thoại… Sự khác biệt và dấu ấn riêng đã giúp cho gốm Yên Lam tiếp tục đứng vững.
Hải nhớ lại hồi còn nhỏ, trước năm 2000, con đường Nguyễn Chí Thanh ở quận 5 (TP.HCM) từng là con đường gốm Việt, bán đủ thứ gốm Bát Tràng, Hải Dương, Lái Thiêu, Biên Hòa… Gia đình Hải cũng có một cửa hàng bán gốm ở đó.
Ảnh: KIM DUNG
Sau năm 2000, các gia đình kinh doanh gốm ở Nguyễn Chí Thanh dần chuyển qua bán gốm Trung Quốc. Những chuyến xe tải sang tận Quảng Châu để “đánh” hàng về. Đồ gốm Việt mất dần trên con đường này, trở thành nơi chuyên bán đồ thờ cúng.
Sau này khi bước vào nghề kinh doanh gốm, Hải quay lại đường Nguyễn Chí Thanh để mở cửa hàng gốm Việt, nhưng thất bại.
Cách đây khoảng 5 năm, gốm Nhật xuất hiện như một làn gió mới cuốn hút người Việt say mê gốm. Và một lần nữa, các doanh nghiệp bán gốm Việt nhỏ lẻ lao đao.
Phải chấp nhận cho cơn sóng dữ dội qua đi, gốm Việt của Hải vẫn lặng lẽ đi theo con đường riêng, thiết kế mẫu gia dụng độc đáo và mới lạ, bên cạnh kế thừa vẻ đẹp của gốm truyền thống. Các loại bình hoa, bộ trà, khay mứt tết, hũ muối dưa, bình gốm Biên Hòa… đều mang lại dấu ấn riêng và có một bộ phận khách hàng khó tính chấp nhận.
Vẻ đẹp của gốm Việt
Hải cho biết, gốm Trung Hoa đi sâu vào chi tiết tỉ mỉ, tinh xảo, hoa văn nhiều, chú trọng màu sắc. Trong khi đó gốm Việt thiên về màu sắc tự nhiên, không quá rực rỡ, trước đây dùng chủ yếu là màu từ tự nhiên, nay có cả màu hóa học nhưng rất tiết chế để tông vẫn trầm chứ không rực rỡ.
Ảnh: KIM DUNG
Hoa sen gốm Nam bộ thô mộc, dày dặn, không quá cầu toàn, gợi nhiều hơn là đặc tả, chấp nhận sự vụng về nhưng chứa đựng cái hồn của người làm sản phẩm.
Gốm Nhật có sự tương đồng với gốm Việt về cách thể hiện thiên nhiên, cây cỏ, thuận theo tự nhiên, không bị cái tôi chi phối quá nhiều, tuy nhiên khác nhau về mô típ đề tài. Người Nhật đi theo chủ nghĩa hoàn hảo, sản phẩm được ép vào khuôn.
Hải yêu gốm Việt và triết lý ẩn chứa trong đó. Trong rất nhiều màu của gốm Việt, Hải chọn màu lam.
Hải cho biết, ngay từ đầu đến với việc kinh doanh gốm truyền thống, anh đã không nghĩ làm giàu, vì đi làm nghề khác có lẽ giàu hơn.
Tuy nhiên, sự giàu có ở đây được Hải định nghĩa là làm việc mà mình thực sự yêu thích, giúp những người đồng hành của mình có thu nhập tốt. Khi đó, với anh là giàu có. Quan trọng hơn, sự giàu có nhất anh làm được là giữ lại vẻ đẹp vĩnh hằng của gốm Việt.