Chủ yếu các quỹ có được lượng tài sản dồi dào từ dầu mỏ, thông qua hoạt động xuất khẩu dầu.
Quỹ đầu tư quốc gia hay quỹ đầu tư chính phủ (Sovereign Wealth Funds – SWF) là khái niệm dùng để chỉ một quỹ đầu tư nhà nước với những tài sản có giá trị như cổ phiếu, trái phiếu, tài sản, kim loại quý… Khi thu ngân sách dư thừa, một quốc gia có thể đem số tiền dư thừa đó đi đầu tư để thu về lợi nhuận.
Tính đến tháng 3/2015, các quỹ đầu tư quốc gia trên toàn thế giới có tổng tài sản trị giá 7.100 tỷ USD, theo Viện nghiên cứu quỹ đầu tư quốc gia (SWFI), tăng hơn gấp đôi so với mức 3.400 tỷ USD của đầu năm 2008. Đầu tư vào nhiều loại tài sản đa dạng, các quỹ đều hướng tới mục tiêu duy nhất là tối đa hóa lợi nhuận trong dài hạn.
Chủ yếu các quỹ có được lượng tài sản dồi dào từ dầu mỏ, thông qua hoạt động xuất khẩu dầu. Các ví dụ tiêu biểu là những nước có trữ lượng dầu mỏ dồi dào như Na Uy, Kuwait và Saudi Arabia. Những quỹ này được thiết kế để đóng vai trò như một “tấm đệm” chống đỡ biến động của giá dầu. Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, giá dầu lao dốc không phanh đã ảnh hưởng không nhỏ đến các quỹ này.
CNBC đưa ra danh sách những quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới, xếp theo tổng tài sản và số liệu cập nhật đến tháng 6/2015.
10. China’s National Social Security Fund
Trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới chỉ có 1 quỹ đầu tư quốc gia, Trung Quốc có tới 4. Một trong số đó là Quỹ an sinh xã hội quốc gia vốn được thành lập với mục tiêu đối phó với tình trạng già hóa dân số, hỗ trợ cho các khoản chi an sinh xã hội trong thời kỳ già hóa dân số lên đến đỉnh điểm. Quỹ này đang quản lý 236 tỷ USD tài sản.
Trung Quốc đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực từ tình trạng dân số già hóa, trong bối cảnh chính sách một con (được áp dụng từ những năm 1970) khiến tỷ lệ sinh giảm mạnh.
9. Qatar Investment Authority
Quỹ đầu tư quốc gia của Qatar được thành lập năm 2005. Qatar là một trong những nước xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới, do đó có thặng dư ngân sách rất lớn. Qatar National Bank ước tính với tốc độ khai thác như 138 năm nữa Qatar mới cạn kiệt trữ lượng khí đốt.
Hiện quỹ này đang quản lý 256 tỷ USD và tuyên bố “đã xây dựng được danh mục đầu tư toàn cầu với nhiều loại tài sản và đầu tư vào nhiều khu vực khác nhau trên thế giới”.
8. GIC – quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore
Được thành lập từ năm 1981, GIC là một trong những quỹ lâu đời nhất trong danh sách này. Hiện quỹ đang quản lý 344 tỷ USD tài sản.
Theo thông tin đăng trên website của GIC, quỹ được lập ra để “bảo vệ và tăng cường dự trữ ngoại hối cho tương lai của Singapore”. Quỹ đang đầu tư ở hơn 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
7. Hong Kong Exchange Fund
Một quỹ khác của Trung Quốc là Hong Kong Exchange Fund, quỹ đang được quản lý bởi cơ quan điều hành tiền tệ Hồng Kông. Quỹ được sử sụng để hỗ trợ đồng HKD và đang quản lý 400,2 tỷ USD tài sản.
Quỹ này chủ yếu đầu tư vào trái phiếu và cổ phiếu của các nước thuộc OECD.
6. SAFE Investment Company của Hồng Kông
Ra đời năm 1997, đây là chi nhánh của quỹ quản lý ngoại hối Trung Quốc. Với 547 tỷ USD tài sản, mục tiêu chính của quỹ là quản lý lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ của Trung Quốc.
Quỹ này chủ yếu đầu tư vào các công ty niêm yết ở nước ngoài, nắm cổ phần của các ngân hàng lớn ở Úc, New Zealand và cả các tập đoàn lớn ở châu Âu như Fiat Chrysler, ARM Holdings và Telecom Italia.
5. Kuwait Investment Authority (KIA)
KIA là quỹ đầu tư quốc gia lâu đời nhất thế giới, được thành lập từ năm 1953 và đến nay đã nắm trong tay 592 tỷ USD.
Mục tiêu dài hạn của KIA là cung cấp “một nguồn thu thay thế cho dầu mỏ, để các thế hệ tương lai của Kuwait có thể tự tin đối mặt với những bất trắc”. Ban lãnh đạo KIA tuyên bố họ đưa ra các quyết định đầu tư “hoàn toàn dựa trên tính toán kinh tế chứ không phụ thuộc vào lợi ích chính trị hoặc ngoại giao của Chính phủ Kuwait”.
4. China Investment Corporation (CIC)
CIC là “lá cờ đầu” của 4 quỹ đầu tư quốc gia ở Trung Quốc, chịu trách nhiệm quản lý một phần kho dự trữ ngoại hối.
Ra đời năm 2007, mục tiêu ban đầu của quỹ là “đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của Trung Quốc và tối đa hóa lợi nhuận của cổ đông trên cơ sở rủi ro ở mức có thể chấp nhận được”. Tuy nhiên có nhiều thông tin cho rằng quỹ này ra đời xuất phát từ một vụ mâu thuẫn giữa Bộ Tài chính và NHTW Trung Quốc.
CIC đang quản lý 746,7 tỷ USD và đầu tư vào rất nhiều nơi. Mới đây nhất, quỹ mua cổ phần ở sân bay London Heathrow, công ty nước Thames Water và cả trụ sở của Deutsche Bank ở London.
3. SAMA Foreign Holdings
Đất nước giàu dầu mỏ Saudi Arabia đầu tư những đồng đôla dầu mỏ dư thừa vào quỹ SAMA Foreign Holdings đang được quản lý bởi NHTW nước này. Nguồn thu chính của SAMA là dầu mỏ, nhưng quỹ này cũng quản lý cả một số quỹ lương hưu của Saudi.
Quỹ SAMA rất kín tiếng về chiến lược đầu tư cũng như danh mục tài sản, nhưng theo SWFI quỹ này đang nắm trong tay 757,2 tỷ USD và chủ yếu đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi, thu nhập cố định và cổ phiếu.
2. Abu Dhabi Investment Authority (ADIA)
ADIA được thành lập năm 1976 và có thu nhập chính đến từ xuất khẩu dầu mỏ. Đây là quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất ở khu vực Trung Đông, với tài sản trị giá 773 tỷ USD.
Giống như nước láng giềng Saudi Arabia, ADIA cũng mua cổ phần ở một sân bay của Anh và đầu tư vào nhiều công ty nước ngoài. Năm ngoái, quỹ mua 50% cổ phần ở 3 khách sạn Hồng Kông trong thương vụ có giá trị lên đến 2,4 tỷ USD.
Theo thông tin được chính ADIA công bố, quỹ đang đầu tư vào 24 loại tài sản và tính theo USD thì lợi suất thu về (theo năm) trong 30 năm qua lên tới 8,4%.
1. Quỹ hưu trí của Chính phủ Na Uy
Quốc gia thuộc vùng Scandinavi sở hữu quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới với 882 tỷ USD tài sản. Được tài trợ bởi nguồn thu từ dầu mỏ, từ năm 1998 đến 2014, quỹ có lợi suất thường niên đạt 3,8% sau khi đã trừ chi phí quản lý và lạm phát.
Giống như các quỹ đầu tư quốc gia khác, quỹ của Na Uy đã tăng lượng vốn đầu tư vào bất động sản trong mấy năm trở lại đây. Năm 2014, 576 triệu USD được rót vào thị trường bất động sản cao cấp ở London và New York.
Ngoài bất động sản, quỹ này đầu tư vào 9.000 công ty và có khoản đầu tư ở 75 quốc gia khác nhau.