Trung Quốc lên kế hoạch cho siêu vệ tinh thứ hai, G60 Starlink với 12.000 vệ tinh nhằm cạnh tranh với chương trình SpaceX của Mỹ.
12.000 vệ tinh được phóng lên quỹ đạo
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc xây dựng siêu vệ tinh thứ 2 để cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng nhằm cạnh tranh với Starlink của SpaceX.
G60 Starlink được chính quyền thành phố Thượng Hải hỗ trợ, sẽ bao gồm hơn 12.000 vệ tinh trên quỹ đạo trái đất tầm thấp.
Cam kết này phản ánh quy mô của Mạng lưới Quốc gia (hay còn được gọi là Guo Wang) – một dự án chùm vệ tinh riêng biệt của Trung Quốc và thường được mệnh danh là “lời đáp trả” của nước này đối với Starlink. Hiện dự án đang được thực hiện bởi công ty Guo Wang.
Theo trang Eurasian, G60 Starlink trong giai đoạn đầu chủ yếu tập trung vào phát triển cụm vệ tinh internet thay vì lên những kế hoạch về siêu chòm sao.
Cụm vệ tinh là một hệ thống gồm nhiều vệ tinh hỗ trợ nhau trong một vùng không gian xác định để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Cơ sở sản xuất vệ tinh mới thành lập thuộc dự án có thể sản xuất 300 vệ tinh mỗi năm.
Dự án được gấp rút thực hiện
SCMP cho biết, theo trang web chính thức của quận Songjiang, Thượng Hải, tháng trước, một phái đoàn do ông Cheng Xiangmin – bí thư quận dẫn đầu đã tới kiểm tra một trung tâm sản xuất mới ở phía Tây Thượng Hải. Đây là nơi dành riêng cho việc sản xuất hàng loạt vệ tinh G60.
Trang web này cũng cho biết, phái đoàn đã gặp đại diện các đối tác công nghiệp của dự án bao gồm Shanghai Alliance Investment và Shanghai Spacecom Satellite Technology, để tìm hiểu về tiến độ của các bên.
Đại diện của Shanghai Alliance Investment cho biết: “Chúng tôi đặc biệt chú ý đến mục tiêu và tiến độ xây dựng của dự án G60 Starlink và đã nỗ lực triển khai đầu tư, giúp thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này”.
Theo trang web, tất cả các bên đã đồng ý làm việc cùng nhau để giải quyết các vấn đề chính và đẩy nhanh tiến độ dự án.
Vào tháng 7, ông Cheng phát biểu trong một cuộc họp báo rằng các vệ tinh thử nghiệm đã được phóng và kết nối trong không gian, và gần 1.300 vệ tinh sẽ được đưa vào quỹ đạo trong giai đoạn đầu của dự án.
Dự án này là một phần trong sáng kiến Hành lang Đổi mới Khoa học và Công nghệ G60 do chính quyền Songjiang đề xuất năm 2016 nhằm triển khai các doanh nghiệp đổi mới công nghệ và các ngành sản xuất tiên tiến dọc theo đường cao tốc G60, kết nối Thượng Hải và thành phố Côn Minh dài hơn 2.360 km.
Các chi tiết kỹ thuật và tiến trình của dự án chưa được công bố. Cũng không rõ Trung Quốc làm thế nào để đưa một số lượng lớn vệ tinh trên quỹ đạo theo một cách tiết kiệm chi phí như vậy khi nước này thiếu tên lửa động cơ mạnh và có thể tái sử dụng như Falcon 9 của SpaceX.
Sự thống trị của SpaceX
Theo các nhà quan sát, sự thống trị của SpaceX trong lĩnh vực dịch vụ Internet trên không gian phụ thuộc vào việc đây là công ty duy nhất trên thế giới có thể phóng các vệ tinh một cách đáng tin cậy và nhất quán ở quy mô lớn nhằm xây dựng siêu chòm sao trong quỹ đạo trái đất tầm thấp.
Kể từ năm 2018, SpaceX đã thực hiện 109 cuộc phóng vệ tinh để đưa hơn 4.800 vệ tinh Starlink vào quỹ đạo. Số vệ tinh của SpaceX đã chiếm hơn 50% tổng số vệ tinh đang hoạt động. Kế hoạch của tỷ phú Elon Musk là có tới 42.000 vệ tinh trên quỹ đạo trong những năm tới.
Các đối thủ của Starlink bao gồm OneWeb, nhà cung cấp dịch vụ internet vệ tinh lớn thứ hai thế giới với hơn 600 vệ tinh trên quỹ đạo và Project Kuiper của Blue Origin, cũng như chòm sao IRIS² của Liên minh Châu Âu.
Tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Starlink của SpaceX đã làm dấy lên lo ngại ở Trung Quốc rằng công ty này có thể khai thác Starlink cho mục đích giám sát và có khả năng phá vỡ các sáng kiến không gian của Trung Quốc. Hiện không có bằng chứng nào cho thấy vệ tinh Starlink mang thiết bị do thám.
Đầu năm nay, các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng các vệ tinh của nước này có thể được tiếp cận được những quỹ đạo mà Starlink của SpaceX chưa tới được. Bằng cách này, Bắc Kinh có thể nắm bắt được các cơ hội và lợi thế chiến lược ở các độ cao quỹ đạo khác nhau.