Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nói rằng 1,5 triệu tài khoản mở mới này có chất lượng tài khoản cao hơn so với trước về quy mô giao dịch và không dùng nhiều ký quỹ (vay margin).
Nhà đầu tư cá nhân dẫn dắt thị trường và con sóng lớn nhất thập kỷ
Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) trong tháng 12, nhà đầu tư trong nước mở mới 226.580 tài khoản chứng khoán, tăng hơn 6.000 tài khoản so với tháng trước. Lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới trong tháng 12 vừa qua là con số lớn nhất trong lịch sử 21 năm thành lập thị trường.
Tính chung năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán, lớn gấp rưỡi tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017; 2018; 2019 và 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trong một bài phát biểu về tổng kết thị trường năm 2021 nói rằng những kỳ tích mà chứng khoán Việt đạt được trong năm 2021 đó là những con số biết nói. Chưa bao giờ nhà đầu tư ồ ạt tham gia thị trường như bây giờ đưa thị trường phá hết đỉnh này đến đỉnh khác. Trong khi loạt các công ty chứng khoán margin khoá room margin của hàng loạt các mã cổ phiếu, nhà đầu tư mới sẵn sàng nộp “tiền thịt” mua cân khối ngoại, tự doanh và nhà đầu tư tổ chức miệt mài bán ròng.
Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho hay, từ nửa cuối năm 2020 và đầu năm 2021, nhiều ngân hàng trung ương các nước bắt đầu hạ lãi suất và đồng loạt đưa ra các gói hỗ trợ, kích thích nền kinh tế. Trong bối cảnh “bình thường mới” như vậy, làn sóng nhà đầu tư F0 đã hình thành.
Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán cho biết con số tài khoản mở mới đạt 1,5 triệu đơn vị. Song điều đáng lưu ý là chất lượng tài khoản mở mới cao hơn so với trước về quy mô giao dịch và không dùng nhiều ký quỹ (vay margin).
Thống kê từ FiinGroup cho thấy, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng bền bỉ trong 12 tháng năm 2021. Tính riêng giá trị mua ròng qua kênh khớp lệnh của nhóm này đã lên đến con số gần 93.079 tỷ đồng, tương ứng hơn 4 tỷ USD đối ứng lượng bán ròng từ khối ngoại, nhà đầu tư tổ chức trong nước, tự doanh.
Nhà đầu tư cá nhân mua ròng dẫn dắt thị trường
Mirae Asset cho biết, nhà đầu tư cá nhân trong nước duy trì trạng thái mua ròng trong suốt năm 2021. Số lượng tài khoản chứng khoán của cá nhân trong nước hơn 4 triệu tài khoản, đây được xem là động lực chính giúp tạo ra nhiều kỷ lục trong năm 2021. Trước sự trỗi dậy của nhà đầu tư cá nhân trong nước, giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị giao dịch của thị trường, giảm liên tục từ mức 11% hồi đầu năm xuống còn 5% trong tháng 12. Đáng chú ý, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước liên tục tăng từ mức 80% hồi đầu năm lên 89% trong tháng 12. Đây sẽ là động lực chính của thị trường năm 2022 trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm duy trì ở mức thấp và triển vọng thị trường chứng khoán lạc quan.
Nguồn; Mirae Asset
Năm 2021 không những đánh dấu một năm phá các kỷ lục (như số lượng tài khoản mở mới cao kỷ lục, giá trị giao dịch cao kỷ lục, chỉ số liên tục thiết lập các đỉnh cao mới), mà chỉ số VN-Index là một trong những thị trường mang lại suất sinh lời cao nhất trên thế giới, vượt trội hơn cả các thị trường phát triển (chỉ số MSCI các thị trường phát triển tăng 20%), Mỹ (chỉ số S&P 500 tăng 27%), Đài Loan (TWSE tăng 24%), và Ấn Độ (Sensex tăng 22%).
HNX-Index đạt mức tăng 133,35%, tốt nhất châu Á. VN-Index kết thúc với mức tăng trưởng 35,6% và 463/1724 cổ phiếu có mức tăng hơn 100% trong năm qua.
Chứng khoán thu hút gen Z, dự báo nhà đầu tư mới còn gia tăng mạnh những năm tới
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần FiinGroup nhận định năm 2022 tăng trưởng dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì thông qua không chỉ số tài khoản mở mới mà dòng tiền mới thực sự tham gia thị trường từ môi trường lãi suất hiện nay và hạn chế của các kênh đầu tư khác. Số dư tiền gửi của hơn 4 triệu tài khoản ở các công ty chứng khoán được dự báo ở mức khoảng 100.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021 (90.000 tỷ đồng vào 30/9/2021).
“Số dư tiền mới cũng được kỳ vọng sẽ gia tăng nhờ việc tiếp tục đại chúng hóa và đơn giản hóa việc đầu tư chứng khoán thu hút thế hệ Gen Z và giới ngoài ngành tài chính thông qua sự phát triển của các nền tảng công nghệ và tiện ích đầu tư đa kênh tiền gửi, tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ mở và sản phẩm bảo hiểm cũng như e-KYC trong thủ tục mở mới tài khoản”, ông Thuân nhận định.
CEO FiinGroup nhận định chứng khoán năm 2022 sẽ tiếp tục thu hút thế hệ Gen Z và giới ngoài ngành tài chính
Sự thật những người trẻ tham gia chứng khoán trong năm qua tăng đột biến khiến chứng khoán trở thành kênh đầu tư cực kỳ nóng. Gen Z (Generation Z – thế hệ Z) là cụm từ để nói đến nhóm người được sinh trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến 2012/2015.
Cũng như các Gen Y trước đây, genZ coi chứng khoán là kênh đầu tư trải nghiệm, học hỏi, trau dồi và cuối cùng là sinh lời lâu dài. Với công nghệ 4.0 hiện nay, bất cứ ai cũng có thể đầu tư chứng khoán với số tiền nhỏ nhất, trong khi mở tài khoản dễ dàng chỉ cần một vài phút mà không cần đến trụ sở của các công ty chứng khoán. Sự tiện lợi này đã tạo ra làn sóng nhà đầu tư mới tham gia thị trường khổng lồ và tạo ra con sóng lớn nhất thập kỷ.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích của Yuanta Việt Nam nhận định làn sóng tham gia ồ ạt của những nhà đầu tư cá nhân hiện nay vừa là điểm mạnh vừa là điểm yếu của thị trường. Điểm mạnh đó là các nhà đầu tư cá nhân mới, đặc biệt là thế hệ thứ 3 (gen Z) đầu tư chứng khoán được hưởng lợi từ sự kế thừa về kiến thức, kinh nghiệm và tài sản tích luỹ mà ông bà, bố mẹ để lại. Tầng lớp thế hệ thứ ba này được học hành bài bản, nhạy bén với công nghệ, có thu nhập và được kế thừa ra sản nên họ vào thị trường không phải con số 0. Tuy nhiên, tâm lý là thứ họ chưa được rèn luyện trên thị trường tài chính. Chỉ cần một vài biến động nhỏ tác động tới tâm lý nhà đầu tư, thị trường có thể xảy ra biến động mạnh biên độ 40-50 điểm ngay trong phiên.
Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng thế hệ thứ 3 (gen Z) đầu tư chứng khoán được hưởng lợi từ sự kế thừa về kiến thức, kinh nghiệm và tài sản tích luỹ mà ông bà, bố mẹ để lại.
Tại Talkshow Phố Tài chính mới đây, ông Trần Hải Hà – Tổng giám đốc Chứng khoán MB (MBS) cho rằng chưa bao giờ chứng khoán lại gần với chúng ta đến thế. Với sự hỗ trợ của công nghệ thì nhà đầu tư có thể mở tài khoản online, chuyển tiền online, có thể đặt lệnh qua nền tảng app và web của công ty chứng khoán. Vì vậy, dư địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán là vẫn còn.
“Tôi sẽ không nói chính xác về điểm số nhưng tôi cho rằng trong năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có điểm số đỉnh trong 22 năm. Thứ hai, rất nhiều doanh nghiệp sẽ có giá trị cổ phiếu cao nhất kể từ khi niêm yết; Thứ ba, chúng ta sẽ chứng kiến một lượng nhà đầu tư mở tài khoản lớn chưa từng thấy. Năm 2022 tiếp tục là một năm thắng lợi của các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán”, ông Hà chia sẻ.
Số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân hiện đạt hơn 4 triệu tài khoản, chỉ chiếm khoảng hơn 4% dân số, do đó, Mirae Asset cho rằng số lượng tài khoản mở mới bởi các cá nhân trong nước sẽ tiếp tục tăng mạnh trong các năm tới, một phần nhờ áp dụng eKYC, thuận tiện cho việc mở mới tài khoản trực tuyến.