Năm 16 tuổi, Nguyễn Quốc kiếm được hơn 100 triệu đồng chỉ sau nửa năm tham gia đầu tư chứng khoán.
Cơ duyên đưa Nguyễn Quốc (sinh năm 2004, tại TP HCM) đến với thị trường chứng khoán bắt đầu từ đam mê lúc nhỏ. Cậu cho biết, từ lâu đã thích tìm hiểu về kinh tế, thích tự mình buôn bán kinh doanh. Cho đến năm lớp 10, một người cậu giới thiệu cho Quốc về thị trường chứng khoán. Chàng trai sinh năm 2004 thử tìm hiểu và cảm thấy lĩnh vực này rất thú vị và nhiều điểm hay. Sau đó, người cậu trên giúp Quốc tạo tài khoản chứng khoán và mọi chuyện bắt đầu từ đó.
Lần đầu tiên tham gia chứng khoán, Quốc cảm thấy rất may mắn vì thị trường đang ủng hộ các nhà đầu tư, tức “mua cổ phiếu nào hầu như đều có lợi nhuận”. Tháng 6/2020, với nguồn vốn gồm số tiền bán đi những món đồ không cần thiết và không sử dụng nữa, tiền lì xì cũng như lợi nhuận buôn bán online, Quốc đã mua 9 mã cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, bán lẻ, dầu khí…
Nhà đầu tư trẻ này dựa trên phân tích cơ bản về doanh nghiệp để chọn ra danh mục ban đầu. Các mã cổ phiếu đều thuộc nhóm bluechip, đa số là các doanh nghiệp có vị thế cao trong từng ngành và chiến lược mở rộng kinh doanh tiềm năng.
“Có mã, tôi mua vì thích tầm nhìn của ban lãnh đạo và uy tín của thương hiệu. Có mã, tôi mua vì sử dụng dịch vụ bên họ cảm thấy hài lòng. Tôi cũng mua cổ phiếu của một doanh nghiệp vì cảm thấy họ đang kinh doanh sản phẩm mà người dân nào cũng cần sử dụng”, nhà đầu tư trẻ chia sẻ thêm.
Cứ như thế, Quốc nắm giữ nhóm cổ phiếu này liên tiếp đến cuối năm. Sau khi bán ra, chàng trai lúc bấy giờ mới 16 tuổi đã thu về tiền lãi hơn 100 triệu đồng với mức lợi nhuận trung bình 27% trong 6 tháng. Từ đó, cậu bắt đầu vòng đầu tư mới.
Để tham gia thị trường nghiêm túc, trước đó Quốc đã tìm hiểu nhiều kiến thức về chứng khoán. Chàng trai trẻ cho biết, kiến thức có được hầu hết đến từ việc đọc sách, tự học và cả thực hành.
Ban đầu, cậu đọc sách rất nhiều gồm những quyển như “Ngày đòi nợ”, “Nhà đầu tư thông minh”, “Chiến tranh tiền tệ”… Với những khái niệm khó hiểu, cậu sẽ tra cứu trên Google và ghi chép lại tỉ mỉ và khoa học trong quyển sổ riêng. Trong quá trình tìm hiểu kiến thức, Quốc cũng cố gắng tìm cách áp dụng chúng để lý giải những thực tế đang diễn ra trên thị trường. Ngoài ra, Quốc có quen biết một số sinh viên đang học về kinh tế. Cậu ngỏ lời mượn các tài liệu tham khảo và trao đổi thêm với họ về các kiến thức chuyên sâu để hiểu đúng hơn về thị trường.
“Tôi xem việc tìm hiểu kinh tế – tài chính như một môn học thực thụ trên lớp”, Quốc khẳng định và cho biết thêm, do còn phải đi học nên cậu sẽ tận dụng thời gian rảnh vào những giờ giải lao hoặc buổi tối để học về kinh tế – tài chính.
Thế nhưng, thất bại là điều khó tránh với mỗi nhà đầu tư vàQuốc cũng không ngoại lệ. Đầu tháng 4/2021, cậu mua vào 7.500 cổ phiếu MBB, 9.500 cổ phiếu SSI và 12.500 cổ phiếu STB. Gần một tháng sau, thị trường bắt đầu xuống sắc khi làn sóng dịch thứ tư lan rộng. Ban đầu, Quốc vẫn “gồng” và kỳ vọng sắc xanh sớm xuất hiện. Nhưng càng về sau, cảm xúc chi phối khiến nhà đầu tư trẻ không hành động theo kế hoạch đề ra. Thế là Quốc bán toàn bộ lượng cổ phiếu trên, chấp nhận lỗ hơn 70 triệu đồng.
“Khi đó do tâm lý sợ hãi bao trùm kèm với việc không thể quản lý được rủi ro khi đầu tư, tôi đã quyết định cắt lỗ ngay đáy”, Quốc chia sẻ. Sang tháng 5, các mã trên lần lượt hồi phục về giá nhà đầu tư trẻ đã mua và tăng liên tục. Cậu cảm thấy tiếc khi đã không giữ kỷ luật và quản lý được cảm xúc của mình. Với Quốc, đó là bài học rất lớn.
Sau hai năm tìm hiểu kiến thức về kinh tế – tài chính và nhiều lần giao dịch, Quốc dần mở rộng phong cách đầu tư và bắt đầu thử tập trung tìm kiếm lợi nhuận, thay vì chỉ bỏ tiền để tích lũy tài sản. Cậu đang chia nguồn vốn của mình thay 30% để “lướt sóng”, 70% còn lại sẽ đầu tư cho tương lai.
Quốc cho rằng, đầu tư ngắn hạn dễ tìm được lợi nhuận nhanh chóng. Tuy nhiên, theo quan sát của cậu, mức lợi nhuận trên cũng không thật sự nhiều vì không phải lúc nào cũng thắng trận. Các nhà đầu tư thường đặt ra mức cắt lỗ và chốt lời nhất định, sau thời gian dài giao dịch, hai khoản này dễ bù trừ lẫn nhau.
“Để đầu tư ngắn hạn, chúng ta cần kết hợp nhiều kỹ năng như phân tích kỹ thuật, phân tích tin tức thị trường, tin tức của doanh nghiệp trong ngắn hạn… Việc này rất nguy hiểm nếu chúng ta không có cách quản lý rủi ro tốt và vững vàng về tâm lý”, Quốc nhấn mạnh.
Ngoài đầu tư chứng khoán, Quốc còn là một fin-influencer (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội về lĩnh vực tài chính). Cậu nhận ra, nhiều người đang thiếu kiến thức về thị trường chứng khoán dẫn đến hiểu sai và dễ bị lừa vào các dự án đầu tư bất chính. Do đó, Quốc tạo kênh chia sẻ kiến thức để phần nào giúp mọi người bảo vệ túi tiền và tích sản an toàn, ổn định. Đến nay, kênh có hơn 121.500 người theo dõi.
Là một Gen Z, lời khuyên của Quốc cho các bạn đồng trang lứa là nên tiếp xúc với đầu tư sớm. Việc này theo Quốc là sẽ rèn luyện được thói quen rất quan trọng: kiểm soát được tài chính cá nhân của mình.
Hiện tại, số tiền bỏ ra và sinh lời từ đầu tư có thể không nhiều, nhưng Quốc cho rằng, khi đã rèn luyện được thói quen đó, sau khi học đại học xong và có công việc ổn định, thói quen này giúp nhiều người trẻ trích ra được số tiền đầu tư lớn hơn. Đến khi lập gia đình, đó sẽ là một số tiền lớn và giúp ích rất nhiều cho bản thân.
Tất Đạt