18 là độ tuổi đẹp nhất trong cuộc đời. Tuy nhiên, Tiểu Lang, sinh viên năm nhất của một trường đại học lại nhận chẩn đoán mắc ung thư dạ dày.
Tháng 11 năm ngoái (2023), Tiểu Lang (18 tuổi, Trung Quốc) bỗng gặp phải cơn đau bụng dữ dội, sau khi uống thuốc, cậu đã trở lại trường học. Tuy nhiên, uống thuốc xong thì tinh trạng của Tiểu Lang lại không thuyên giảm. Ngày hôm sau, cậu xuất hiện triệu chứng sốc do đau bụng.
Ngay khi đến bệnh viện, qua chụp CT và các xét nghiệm khác, bác sĩ cho rằng Tiểu Lang bị thủng đường tiêu hóa, cần thực hiện phẫu thuật. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phát hiện ra một tình trạng mới: Vết loét của Tiểu Lang ở thành trước phần cong lớn của dạ dày có hình dạng bất thường.
“Thành dạ dày bình thường mịn và có màu hồng, nhưng qua phương pháp nội soi, vết loét của bệnh nhân ở thành trước của phần cong lớn hơn của dạ dày có dạng cục, rất cứng và lỗ thủng nằm giữa các cục”.
Hầu hết các vết thủng đều ở hành tá tràng hoặc hang vị dạ dày. Tuy nhiên, vị trí thủng của Tiểu Lang không phải là vị trí thường thấy. Hình dạng của thành dạ dày cũng bất thường. Bác sĩ ngay lập tức thực hiện nội soi dạ dày khẩn cấp, kết quả kiểm tra cho thấy dạ dày của Tiểu Lang nhìn từ bên ngoài có vẻ cứng. “Khối u nguyên phát rất lớn khi nội soi, phù hợp với biểu hiện của bệnh ung thư dạ dày nguyên phát”.
Bác sĩ cũng lấy mô bệnh ra khỏi cơ thể bệnh nhân để xét nghiệm giải phẫu bệnh và cuối cùng chẩn đoán là ung thư dạ dày.
Tìm hiểu bệnh sử, cha của Tiểu Lang cho biết cậu thích ăn đủ loại đồ ăn trên phố ăn vặt từ khi còn nhỏ. Đến khi lớn lên như hiện nay, cậu thường xuyên thức khuya, ăn các đồ ăn liền và thức ăn nhanh khác.
May mắn là nhờ cơn đau bụng, Tiểu Lang phát hiện bệnh sớm, sau 1 thời gian hóa trị, cậu cũng dần hồi phục và đang được tiếp tục điều trị hậu phẫu tại bệnh viện.
Đây không phải trường hợp duy nhất, trước đó, một bệnh nhân cùng độ tuổi với Tiểu Lang cũng có sở thích ăn đồ ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn, không có thói quen ăn uống lành mạnh và có thời gian làm việc, nghỉ ngơi không đều đặn, cũng được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày.
Ung thư dạ dày đang là xu hướng phổ biến ở những người trẻ tuổi, điều này khiến các bác sĩ ngạc nhiên. So với ung thư dạ dày ở người lớn tuổi, ung thư dạ dày ở người trẻ phát triển nhanh hơn và có khả năng di căn xa hơn. Hầu hết bệnh nhân khi được phát hiện đều đã ở giai đoạn giữa và cuối của ung thư dạ dày.
Bác sĩ Lưu Thanh Hoa, Bệnh viện Nhân dân Số 2 Đức Dương (Trung Quốc) thẳng thắn nói rằng hầu hết bệnh nhân ung thư dạ dày đều mắc các bệnh tiền ung thư, chẳng hạn như viêm dạ dày teo mãn tính, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori… Thói quen ăn uống không lành mạnh như thức khuya, hút thuốc, uống rượu quá nhiều cũng có thể dẫn đến ung thư dạ dày. Chất ethanol trong rượu có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Ngoài ra còn có một số yếu tố di truyền, chẳng hạn như tiền sử gia đình có người thân trực hệ mắc bệnh ung thư, đặc biệt nếu người thân trực hệ mắc bệnh ung thư dạ dày thì nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày cao gấp 2 đến 3 lần so với những người khác.
Đối mặt với xu hướng ung thư dạ dày trẻ hơn, ông cho rằng mọi người, đặc biệt là người trẻ cần duy trì thói quen ăn uống đều đặn, giảm tiêu thụ thực phẩm nhiều muối, hun khói, ngâm và chiên, đồng thời tăng cường ăn đồ tươi, rau củ và trái cây. Đồng thời, cần duy trì lịch làm việc và nghỉ ngơi đều đặn, tránh thức khuya quá mức và mệt mỏi, tăng cường vận động thể chất, nâng cao thể lực và khả năng miễn dịch.
“Chỉ có thói quen sinh hoạt tốt và nghỉ ngơi làm việc mới có thể có khả năng miễn dịch tốt. Khả năng chống lại khối u của con người phụ thuộc vào khả năng miễn dịch. Cơ thể người bình thường có rất ít tế bào ung thư và hệ thống miễn dịch bình thường có thể tự động loại bỏ chúng”.
Nếu trong gia đình có bệnh nhân nhiễm Helicobacter pylori thì nên hình thành thói quen chia nhỏ phần ăn (tránh ăn chung), đồng thời các thành viên trong gia đình cũng nên đi kiểm tra kịp thời, nếu xảy ra nhiễm trùng thì nên làm theo lời khuyên của bác sĩ. Những người trên 40 tuổi được khuyến cáo nên nội soi dạ dày định kỳ hàng năm; những người bị nhiễm Helicobacter pylori và có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đường tiêu hóa nên bắt đầu khám ở độ tuổi sớm hơn.
Nguồn và ảnh: QQ, The Healthy