19 tuổi nhưng đã suy thận giai đoạn cuối 10 năm: Chỉ ‘quên’ 1 điều mà khiến thận xuống cấp nhanh chóng

Do không có sự kiêng khem theo chỉ định của bác sĩ, Giáp (hiện 19 tuổi) đã bị suy thận mạn giai đoạn cuối từ khi 9 tuổi.

TIN MỚI

Mới chỉ có 19 tuổi, Lại Văn Giáp (quê tại Ninh Bình) đã phải gắn cuộc sống của mình với chiếc máy lọc máu những 10 năm. Giáp cho biết khi phát hiện bệnh em còn quá bé và đã rất sợ.

Lúc 5 tuổi, Giáp bị viêm cầu thận phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Thời điểm đó Giáp đã được bác sĩ điều trị ổn định và cho ra viện có kèm theo đơn thuốc và hướng dẫn chế độ ăn kiêng khem. Sau đó, Giáp vẫn đi học được cùng các bạn. Cho tới cuối năm học lớp 4 (9 tuổi), Giáp bị tái viêm cầu thận.

“Em không ăn được, người cứ mềm nhũn ra. Bố mẹ đưa em tới Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình, bác sĩ đã viết giấy chuyển viện cho em đi cấp cứu ngay tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Lúc đó, em tưởng như mình sắp chết rồi, không còn sức lực để sống tiếp”, Giáp nói.

19 tuổi nhưng đã suy thận giai đoạn cuối 10 năm: Chỉ 'quên' 1 điều mà khiến thận xuống cấp nhanh chóng - Ảnh 1.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Giáp được bác sĩ chuẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối và phải lọc máu cấp cứu. Sau đó, bác sĩ tư vấn cho gia đình Giáp thực hiện lọc màng bụng sẽ ít phải đi lại, có thể thực hiện tại nhà.

Sau 3 năm lọc màng bụng, Giáp đã không thể tiếp tục thực hiện phương pháp này do màng bụng bị viêm. Sau đó, Giáp phải chuyển sang chạy lọc máu chu kỳ mỗi tuần 3 lần tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Giáp chia sẻ rằng lúc em ở viện về, bác sĩ có dặn bố mẹ phải kiêng cho em ăn mặn, chua, cay và ăn ít thịt… Tuy nhiên, khi về nhà do bố mẹ bận rộn, không ai giám sát chế độ ăn nên Giáp ăn uống tùy tiện.

Có lúc nằm nhìn máy lọc máu hoạt động thay thế chức năng cho thận, Giáp nghĩ chưa thông, em cảm thấy giận bố mẹ. Nhưng khi lớn lên, Giáp cũng hiểu được nỗi vất vả của bố mẹ khi phải lo cho một gia đình có 8 người con. 

“Hơn 15 tuổi, em đã phải sống một mình ở nhà trọ, rồi tự đi vào viện lọc máu nên em rất sợ. Gần như này nào em cũng khóc, khóc mệt thì lăn ra ngủ. Trong xóm trọ toàn người già, chỉ có mình em là đứa nhỏ nhất nhưng lại hay gây lộn nên hay bị mọi người la mắng”, Giáp chia sẻ.

Hiện tại, Giáp đang đi học nghề điện tử nhưng chỉ học được bằng một nửa người bình thường. Giáp thuê nhà ở một mình, hàng tháng bố mẹ gửi tiền cho đi học và chạy thận. Giáp cũng bật mí khi học xong nghề điện tử, em sẽ cố đi kiếm được thật nhiều tiền. 

“Em đặt ra mục tiêu trong 2,5 năm kiếm được 1 tỷ để có thể thay thận. Nhà em rất nghèo, đông anh em nên để thay thận thì phải tự mình kiếm tiền”, Giáp nói.

ThS.BSCKII Nguyễn Đăng Quốc, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Thanh Nhàn, cho hay đối với những bệnh nhân suy thận mạn hiện nay có 3 phương pháp điều trị: lọc máu bằng máy chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, ghép thận. Trong đó, phương pháp tối ưu nhất sẽ là ghép thận giúp đảm bảo chức năng nội tiết và ngoại tiết gần như bình thường.

Tuy nhiên, ghép thận vẫn đang gặp các vấn đề khó về nguồn hiến. Hiện nay, tỷ lệ hiến tạng của Việt Nam rất thấp, ghép thận nguồn cho chủ yếu là từ người thân (bố cho con hoặc mẹ cho con).

Ngoài ra, chi phí để thực hiện ca ghép thận hiện nay cũng không hề nhỏ đối với bệnh nhân suy thận mạn. Sau khi ghép xong, bệnh nhân sẽ phải có chi phí để duy trì thải ghép. Do vậy, không phải bệnh nhân nào cũng có thể điều trị thận mạn bằng cách ghép thận.

Mặc dù vậy, bác sĩ Quốc cho rằng hiện nay, chạy thận đã có rất nhiều tiến bộ, do đó nâng cao được chất lượng sống cho người bệnh.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin