Dị ứng thời tiết chỉ điều trị khỏi từng đợt, không thể chữa khỏi vĩnh viễn. Điều quan trọng là cần chủ động phòng chống và bình tĩnh xử lý bệnh, tránh biến chứng nặng nề.
Hàng năm, khi trời trở lạnh nhiều người không chỉ phải đối mặt với nhiều căn bệnh về đường hô hấp mà còn phải “đau đầu” trong việc đối phó với tình trạng dị ứng thời tiết.
Dị ứng thời tiết thực chất là hiện tượng xảy ra đối với cơ thể chúng ta vào những thời gian chuyển mùa. Cũng do thay đổi nhiệt độ đột ngột nóng – lạnh, hoặc độ ẩm đã tác động đến hệ miễn dịch của cơ thể chúng ta. Rối loạn hệ miễn dịch trong cơ thể chính là nguyên nhân chính dẫn đến dị ứng thời tiết.
Theo BS Nguyễn Thành (Nguyên Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương), dị ứng thời tiết chỉ điều trị khỏi từng đợt, không thể chữa khỏi vĩnh viễn. Điều quan trọng là cần chủ động phòng chống và bình tĩnh xử lý bệnh, tránh biến chứng nặng nề.
2 tình trạng dị ứng thường gặp vào mùa lạnh
1. Nổi mề đay do lạnh
Với bệnh dị ứng nổi mề đay do lạnh thì nguyên nhân chủ yếu là do cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, cơ thể phải sản xuất thêm chất histamin và các hóa chất hệ thống miễn dịch khác vào da… từ đó gây mẩn đỏ, ngứa, sưng và phát ban trên da.
Dấu hiệu cơ bản có thể nhận biết bệnh mề đay do lạnh là các biểu hiện hơi đỏ, ngứa phát ban trên vùng diện tích da tiếp xúc với hơi lạnh; sưng tay khi tiếp xúc với vật lạnh, sưng môi khi ăn thực phẩm lạnh. Và trường hợp nặng có thể bệnh nhân sẽ bị sưng lưỡi, họng dẫn đến bị chặn đường thở.
2. Viêm mũi dị ứng
Thời tiết giao mùa và chuyển lạnh khi mùa đông đến với các đợt không khí lạnh khô hanh, cộng thêm môi trường ô nhiễm, nhiều khói, bụi là những nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng.
Biểu hiện dễ nhận thấy nhất của bệnh viêm mũi dị ứng thường là đau họng, khàn giọng, hắt hơi, chảy nước mũi (tùy mức độ viêm mà nước mũi sẽ ở trạng thái trong, đục hay vàng), ngứa mũi, đau nhức vùng mũi, nghẹt mũi, người mệt mỏi, có khi nhức đầu, ngứa mắt, chảy nước mắt…
Theo bác sĩ Nguyễn Lan Hương (Bệnh viện Ung Bướu Hưng Việt), khi bị viêm mũi, viêm xoang không nên lạm dụng thuốc kháng sinh. Viêm mũi dị ứng với dấu hiệu phổ biến là ngạt mũi, sổ mũi thì chỉ cần điều trị bằng thuốc dị ứng và thuốc xịt tại chỗ là sẽ ổn. Chỉ có những trường hợp bội nhiễm vi khuẩn, xuất hiện mủ thì mới cần phải uống kháng sinh.
Tuy nhiên nếu người bệnh tự ý đi mua thuốc mà không được khám, sẽ dẫn đến việc không nắm rõ tình trạng bệnh, cũng như dùng thuốc kháng sinh không cần thiết. Sai lầm này tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh kháng lại với kháng sinh, vô tình khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Bác sĩ khuyên khi có dấu hiệu chảy nước mũi, ngạt mũi, đau đầu, đau quanh hốc mắt, gò má… thì nên đến bệnh viện khám để được chẩn đoán đúng tình trạng viêm mũi và có hướng xử lý phù hợp, hiệu quả nhất.
7 việc cần làm ngay để tránh gặp phải biến chứng nguy hiểm
1. Giữ cho môi trường sống sạch sẽ, thoáng, thường xuyên giặt rèm cửa, hút bụi trong nhà (nếu có sử dụng thảm cần hút bụi 1-2 lần mỗi tuần).
2. Đối với những người có tiền sử viêm mũi dị ứng, tốt nhất không nên nuôi vật nuôi: mèo, chó… để tránh tiếp xúc với lông chó mèo, bởi đây chính là “thủ phạm” gây dị ứng.
3. Cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là trong những ngày giá rét. Sử dụng khẩu trang khi ra đường để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường, khói bụi.
4. Cần chú ý vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tắm rửa thường xuyên, để da được thông thoáng. Khi tắm, nên dùng nước ấm, tránh chà xát mạnh và tránh tắm quá lâu.
5. Khi tiếp xúc với vật nuôi cần rửa tay sạch bằng xà phòng diệt khuẩn.
6. Khi có biểu hiện mẩn ngứa, cần tuyệt đối không nên gãi hoặc chà xát vì điều này có thể khiến da bị tổn thương, dẫn đến bị nhiễm trùng hoặc viêm da…
7. Cần tăng cường dinh dưỡng, bổ sung vitamin cho cơ thể cũng là một cách giúp cơ thể tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật. Hạn chế ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng trong thời gian này như hải sản, lạc, dứa…