Khi tập không đúng, không phù hợp với sức khỏe, cơ thể ngay lập tức phải gánh chịu tác hại, đặc biệt có thể khiến đường huyết tăng vọt, rất nguy hiểm với người bệnh tiểu đường.
Tập thể dục là một trong những hoạt động cần thiết để tạo nên lối sống lành mạnh, một cơ thể dẻo dai. Điều này cũng đặc biệt đúng với người bệnh tiểu đường. Việc tập luyện đều đặn giúp cho người bệnh kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn, tăng khả năng hoạt động của insulin. Từ đó, quá trình điều trị bệnh tiểu đường cũng trở nên hiệu quả hơn, bệnh nhân tránh được những biến chứng nguy hiểm như suy tim, suy thận…
Tuy nhiên, nếu tập không đúng, không phù hợp với sức khỏe thì lợi bất cập hại, gia tăng các nguy cơ như: Đau ngực do gắng sức; huyết áp quá cao hay quá thấp; tăng hoặc hạ đường huyết quá mức; làm các tổn thương đáy mắt nghiêm trọng hơn, có khả năng xuất huyết võng mạc; làm tăng tiểu đạm; loét chân, tổn thương gân, xương và khớp…
Để tránh những nguy cơ này, đồng thời đạt được hiệu quả trị bệnh tốt nhất, chuyên gia khuyên người bệnh tiểu đường nên tuân thủ những quy tắc khi tập thể dục sau đây.
3 việc người bệnh tiểu đường không nên làm sau khi tập thể dục
1. Vừa tập thể dục xong thì tuyệt đối không nằm hoặc ngồi
Với người mắc bệnh tiểu đường, khi cơ thể vừa tập thể dục xong, các cơ quan đang hoạt động ở tốc độ cao mà đột ngột ngồi ngay hoặc nằm xuống có thể khiến máu bị tụ lại. Điều này gây cản trở việc hồi phục năng lượng của cơ thể. Vì thế, có thể xuất hiện các triệu chứng như đau nhức cơ bắp, giảm mạnh lượng máu về tim, ảnh hưởng khả năng hấp thụ insulin gây ra tình trạng gây tăng vọt hoặc giảm đột ngột, chóng mặt và thậm chí ngất xỉu.
Sau khi tập thể dục xong, mọi người dù mệt đến mấy thì vẫn nên đi lại chậm rãi khoảng 5 phút, đến khi hơi thở bình ổn mới có thể ngồi xuống nghỉ ngơi.
2. Sau khi tập thể dục, tránh ăn ngay
Mặc dù cơ thể luôn cần cung cấp nhiều chất dinh dưỡng sau quá trình tập luyện để tự phục hồi, tuy nhiên, nên đợi khoảng 30 phút rồi mới ăn uống. Bởi khi đó, hệ tiêu hóa mới sẵn sàng hoạt động trở lại. Nếu bạn vội vàng ăn ngay sau khi vận động mạnh, các cơ quan tiêu hóa sẽ phải chịu gánh nặng tương đối lớn.
Điều này cũng gia tăng nguy cơ đường huyết tăng vọt, gây bất lợi cho việc điều trị bệnh của người bị tiểu đường. Vì trong quá trình hoạt động thể dục, đường huyết của cơ thể bị hạ bớt. Việc ăn ngay khi tập thể dục xong sẽ khiến đường huyết tăng cao rất nhanh. Sự tăng giảm đột ngột này khiến lượng đường trong máu không được ổn định, sẽ khiến cho bệnh tình thêm trầm trọng.
3. Nên tránh đồ uống lạnh ngay sau khi tập thể dục
Người bệnh thường đổ nhiều mồ hôi, gây cảm giác khô miệng và mất nước sau quá trình tập thể dục. Vì thế, sau khi tập, vừa nóng vừa khát, nhiều người sẽ thích uống ngay một cốc nước lạnh. Tuy nhiên, ở người bị bệnh tiểu đường, thói quen này có thể gây ra tình trạng bị co thắt dạ dày hoặc tiêu chảy và các bệnh đường ruột. Điều này cũng ảnh hưởng khả năng hoạt động của insulin, gây tăng vọt hoặc giảm đột ngột, cũng như không tốt cho sức khỏe tổng thể.
Vậy người bị tiểu đường nên lưu ý gì khi tập thể dục?
Để có chế độ tập luyện thích hợp, thông thường người bệnh đái tháo đường nên phối hợp các kiểu tập nặng – nhẹ khác nhau, có cường độ tăng dần để cơ thể từ từ thích nghi. Cần tập đều đặn và thường xuyên. Trong trường hợp người bệnh đái tháo đường đã có biến chứng, có bệnh lý kèm theo… họ cần có sự tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tập để đảm bảo sức khỏe.
Lưu ý rằng, vì nguy cơ tăng hoặc hạ đường huyết đột ngột, không nên tập ngay sau bữa ăn chính hay tập quá xa bữa. Nên mang theo máy đo huyết áp, cùng với đường, kẹo hay thức ăn để bổ sung kịp thời, ngừa trường hợp hạ đường huyết rồi ngất xỉu…
Nếu tập ngoài trời, nên tránh thời điểm quá nóng hoặc quá lạnh vì nhiệt độ có thể làm gia tăng quá trình tăng hoặc giảm đường huyết cũng như huyết áp.
Không chỉ riêng người bị tiểu đường mà hầu hết mọi người đều cần có giai đoạn khởi động để làm nóng cơ thể trong khoảng 20 – 30 phút. Lúc này, có thể tập các động tác nhẹ hay tập giãn cơ tại chỗ trước khi bắt đầu tập chính. Sau buổi tập cần có giai đoạn thư giãn (làm nguội), chủ yếu là tập các động tác nhẹ hay tập giãn cơ tại chỗ trong khoảng 5 – 10 phút.
Biến chứng tiểu đường có rất nhiều biến chứng, trong đó có tổn thương thần kinh và lưu thông máu kém thường gặp nhất. Những vấn đề này làm cho bàn chân dễ bị loét và tiến triển xấu đi nhanh chóng, thậm chí là cắt cụt chi. Vì thế, khi tập luyện, nên lưu ý tới sức khỏe của chân. Chẳng hạn như không tập đi trên nền đá cứng; Chọn giầy mềm, không trơn trượt; Sau khi tập luyện, nên kiểm tra bàn chân…
Một số bài tập đơn giản mà hiệu quả với người bị tiểu đường
1. Đi bộ
Đi bộ là cách thức đơn giản giúp kiểm soát đường huyết, đồng thời đem tới hiệu quả rèn luyện thể chất và hít thở không khí trong lành, có tác dụng giảm trạng thái căng thẳng. Người bệnh nên đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày sẽ giúp cải thiện sức khỏe tổng thể.
2. Leo cầu thang
Leo cầu thang không chỉ tăng cường hoạt động của tim – phổi, giúp đốt cháy năng lượng, mà còn có lợi cho những người bị đái tháo đường tuýp 2. Khi tập, cần lưu ý về thời lượng và cường độ. Bạn chỉ nên lên xuống cầu thang trong vòng 3 phút, cách giờ ăn khoảng 2 – 3 giờ, như vậy sẽ giúp tiêu thụ lượng đường trong máu hiệu quả. Hoạt động thể chất này có thể thực hiện một cách đơn giản ở bất cứ đâu, miễn là có cầu thang. Khi tập, cần tránh khu vực trơn trượt.
3. Tập yoga
Yoga là một hoạt động thể lực giúp giúp cân bằng cơ thể, đem tới nền tảng mạnh mẽ và linh hoạt hơn cho mọi người. Đặc biệt, khi tập, các chuyển động, tư thế của yoga giúp bạn tập trung vào hơi thở, từ đó góp phần giảm căng thẳng, đồng thời giúp giữ mức đường huyết ổn định.