Nếu vẫn duy trì 3 thói quen uống nước này hàng ngày thì tác động của chúng lên thận sẽ nguy hiểm không kém gì thói quen uống rượu bia.
Nước là nguồn gốc của sự sống, mức độ quan trọng đối với sức khỏe con người chỉ xếp thứ 2 sau oxy. Ở cơ thể người lớn, nước chiếm 60-70% trọng lượng, trong khi tỷ lệ này ở trẻ em lên đến 80%. Nếu cơ thể không được cung cấp đủ nước sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan, khiến cơ thể mệt mỏi, buồn ngủ, đau đầu , chóng mặt, táo bón, thay đổi tâm trạng, da nhăn nheo. Ngược lại, uống nước đúng cách sẽ thúc đẩy quá trình thải độc tố, tăng cường sức khỏe, giảm cân, phòng ngừa bệnh gút và giảm táo bón.
Đặc biệt, tình trạng mất nước hoặc uống nước sai cách có liên quan trực tiếp đến hoạt động của thận. Theo tờ Sohu, trong số các yếu tố gây bệnh thận , thói quen uống nước sai lầm là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất. Nếu vẫn duy trì 3 thói quen uống nước này hàng ngày thì tác động của chúng lên thận sẽ nguy hiểm không kém gì thói quen uống rượu bia.
1. Chỉ uống nước lọc khi khát
Theo Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, trung bình nam giới cần uống khoảng 3,7 lít nước/ngày, con số này với nữ giới là 2,7 lít. Trên thực tế, nhiều người không quan tâm đến việc cung cấp đủ nước cho cơ thể, lý do duy nhất để họ uống nước là vì cảm thấy “khát”.
Khát nước là một phản ứng sinh lý thường gặp. Khi chúng ta cảm thấy “khát” tức là lượng nước trong cơ thể đã mất cân bằng, một số tế bào rơi vào trạng thái mất nước. Lúc này, việc uống quá nhiều nước được coi là hình thức bổ sung nước “thụ động”, không có lợi cho sức khỏe. Nếu cơ thể liên tục ở tình trạng thiếu nước trong thời gian dài sẽ dẫn đến các bệnh nguy hiểm như sỏi thận , nhiễm trùng đường tiết niệu, ung thư hệ tiết niệu và nhiều vấn đề khác.
2. Ngủ dậy mà không uống nước lọc
Theo Alex Maliekal – bác sĩ tại bệnh viện St. Vincent Kuravilangad (Ấn Độ), uống nước sau khi thức dậy sẽ làm sạch hệ thống đường ruột và tăng cường hoạt động trao đổi chất, nhờ vậy cơ thể sẽ đốt cháy mỡ thừa hiệu quả hơn. Ngoài ra, uống nước lúc này sẽ giúp chống táo bón, ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), giúp giảm cân, tăng cường hệ miễn dịch, chống hôi miệng và tăng cường trí não…
Việc uống không đủ nước vào buổi sáng là nguyên nhân hàng đầu làm ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và khả năng bài tiết của thận. Bạn hãy bắt đầu ngày mới bằng 1 – 2 cốc nước ấm là tốt nhất.
3. Dùng các loại đồ uống khác thay thế nước lọc
Một quan niệm sai lầm là cơ thể chỉ cần cung cấp đủ “nước” mỗi ngày, không cần quan tâm đến thành phần hay giá trị dinh dưỡng mà đồ uống đó mang lại. Thực tế, các loại nước ngọt có ga, nước ép, cà phê… có mùi vị thơm ngon nhưng không tốt cho sức khỏe. Chúng thúc đẩy việc bài tiết canxi ra ngoài, dẫn đến hình thành sỏi thận.
Ngoài ra, các loại nước ngọt chứa nhiều đường có thể làm tăng nồng độ axit uric trong máu, gây bệnh gút, tiểu đường và huyết áp cao, từ đó gián tiếp ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thận. Trà và đồ uống chứa caffein có tác dụng kích thích hưng phấn ở hệ thần kinh trung ương, làm suy giảm chức năng của nhiều cơ quan, trong đó có thận.
Những thời điểm vàng nếu uống nước sẽ rất tốt cho cơ thể
– Sau khi ngủ dậy buổi sáng: Sau khi ngủ một đêm dài thì cơ thể đã mất đi một lượng nước nhất định, nên việc cung cấp nước cho cơ thể ngay lúc vừa dậy sẽ bù đắp được lượng nước đã mất. Đồng thời thúc đẩy cơ thể bài tiết hiệu quả hơn, thải độc và tăng cường lưu thông máu tốt hơn.
– Khoảng 1 tiếng sau khi ăn: Khoảng 1 tiếng sau khi ăn mới là thời điểm vàng để uống nước. Bởi sau khi ăn 1 tiếng thì độ nhớt trong máu sẽ tăng lên rất cao, lúc này uống nước sẽ giúp cho đường ruột hoạt động tốt hơn, lại làm giảm độ nhớt của máu kèm theo những lợi ích khác cho sức khỏe.
– Từ 9 đến 11 giờ sáng: Uống nước vào lúc này sẽ giúp chúng ta làm việc và học tập tốt hơn, trí óc minh mẫn hơn và thanh lọc cơ thể sau khi ăn sáng.