Chỉ khi dám làm những điều khác đi bạn mới có thể đạt được những kết quả mình chưa từng có. Dấn thân và thử thách chính mình, thành công chỉ đến với những ai có động lực thử những điều mới mẻ.
Vùng an toàn là biến thể tâm lý kì lạ. Tóm lại, trong mỗi chúng ta đều có một giới hạn tâm lý. Miễn là chúng ta hành động trong phạm vi giới hạn đó, nói cách khác là ở bên trong vùng đó, chúng ta sẽ cảm thấy an toàn, thoải mái. Khi vượt ra ngoài giới hạn, chúng ta thấy không thoải mái.
Hãy nghĩ tới việc thức dậy và đánh răng. Bạn có cảm thấy khó khăn không? Hành động này đã ăn sâu vào thói quen mỗi sáng của từng người nên bạn sẽ không hề nghĩ tới hay cố nhớ là mình phải làm việc đó.
Giờ thì tưởng tượng phải thuyết trình 30 phút trước ban điều hành công ty nhé. Có phải lòng bàn tay bạn bắt đầu ướt mồ hôi không? Trong ví dụ trước đó, chúng ta nằm trong vùng an toàn của mình, còn ở ví dụ này lại nằm ngoài vùng an toàn. Câu hỏi đưa ra là làm thế nào để mở rộng vùng an toàn, để những hành động như nói trước đám đông cũng dễ dàng như đánh răng.
Tôi đã tập mở rộng vùng an toàn của mình trong nhiều năm nay và tôi có thể đưa ra cách giúp bạn bước ra khỏi vùng an toàn để tận hưởng được niềm vui khi thành công đến.
Trước đó, tôi sẽ cho bạn đọc một số câu châm ngôn để hiểu vì sao cần mở rộng vùng an toàn của mình. Nhưng tất cả đều phụ thuộc vào bạn.
– Những người thành công sẽ làm những việc mà người không thành công không dám làm.
– Người thành công là người đứng ở ranh giới của vùng an toàn. Họ tự nguyện tiếp đón những vị khách khó tính, đương đầu với dự án khó nhằn, đứng đầu một tổ chức mà không ai muốn nhận. Họ có lo lắng và nghi ngờ khả năng của mình chứ, nhưng họ vẫn làm. Vì họ cảm nhận được mình sẽ thành công.
– Người thành công là người bắt đầu cảm thấy an toàn khi có cảm giác không an toàn. Họ là những người kiên định đứng ở rìa của vùng an toàn, vì vậy mà họ dần quen. Rồi thì việc đảm nhiệm những thử thách khó khăn dần trở thành bản năng tự nhiên của họ.
Hãy bước ra khỏi vùng an toàn. Bạn chỉ có thể phát triển nếu bạn sẵn sàng chấp nhận thử thách, cảm giác mới lạ và không an toàn khi làm một điều mới mẻ.
Thành công và việc bước ra khỏi vùng an toàn thực sự rất giống nhau. Thành công sẽ đến với những ai có động lực thử những điều mới lạ.
Làm thế nào để phát triển thiên hướng hành động và bước ra khỏi vùng an toàn? Hãy thử 4 việc dưới đây.
1. Vẫn làm những việc quen thuộc, nhưng làm theo một cách khác
Hãy chọn một con đường khác để đi làm. Thử một nơi khác để ăn trưa (hoặc ít nhất là một món ăn khác). Sử dụng một loại máy tập khác trong phòng gym. Thử chạy bộ trên một con đường khác. Hãy làm những thói quen theo một cách khác.
2. Vẫn làm những việc quen thuộc, nhưng làm nhiều hơn bình thường
Bạn thường thức dậy vào 5h30 mỗi sáng và chạy bộ một dặm? Điều này là rất tốt. Nhưng hãy thử dậy lúc 5h15 và chạy một dặm rưỡi xem. Thay đổi như vậy có là quá nhiều không? Không đâu. Dành ra 2 tuần cố gắng thức dậy lúc 5h15 và thêm vài phút để quen dần. Rồi bắt đầu chạy bộ một dặm rưỡi sau 2 tuần dậy sớm hơn 15p so với thông thường xem sao.
3. Kéo căng giới hạn bản thân; tự thách thức chính mình
Nhưng đừng đi quá xa so với vùng an toàn của bạn khiến bạn mất hi vọng và động lực. Nếu bạn chưa từng tập thể dục bao giờ, đừng cố dành 3 tiếng ở phòng gym trong ngày đầu tiên đi tập. Không có thách thức nào khó khăn hơn thách thức cải thiện bản thân. Hãy “chậm mà chắc”. Không ai nói rằng bạn phải đi xa cả dặm khỏi vùng an toàn. Hãy đi từng chút một và đi xa dần.
4. Hãy ăn mừng chiến thắng của bản thân
Tự chúc mừng mình khi đạt được một thành công nhỏ.
Nếu bạn bắt đầu tập được thói quen này và thường xuyên thực hiện, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy mình đang bước ra khỏi vùng an toàn. Bạn đang thử những điều mới mẻ khiến bản thân sợ hãi nhưng lại cho bạn cảm giác vui vẻ, phấn khích.
Richard Branson đã nói rằng nếu mục tiêu của chúng ta không khiến chúng ta thấy sợ hãi thì chúng chưa đủ lớn đâu. Việc bạn tạo ra mục tiêu lớn cũng là đã bước ra khỏi vùng an toàn, khám phá sự hoang dã của vùng không an toàn đầy mạo hiểm. Bạn sẽ sớm tuyên bố vùng đất đó là của bạn và cảm thấy thoải mái với nó thôi.
Có thể bạn sẽ thắc mắc rằng rồi tôi nên làm gì? Khi mà đã cảm thấy an toàn khi làm những việc từng cảm thấy không an toàn? Câu trả lời rất đơn giản: Hãy tiếp tục đi.