Có rất nhiều cách để bạn vừa quản lý chi tiêu tốt nhưng cũng tận hưởng được sự tiện lợi của hình thức thanh toán không tiền mặt.
Trong nhiều thập kỷ, tiền mặt là hình thức thanh toán phổ biến nhất, áp dụng dễ dàng cho mọi đối tượng người tiêu dùng. Tuy nhiên, do sự phát triển của thời đại công nghệ, hình thức thanh toán không tiền mặt đã dần chiếm lấy “ngôi vương” nhờ tính thuận tiện. Tất cả những gì bạn cần khi ra ngoài đường đôi khi chỉ là một chiếc thẻ hay điện thoại là đủ để thanh toán mọi khoản chi phí.
Cũng vì sự tiện lợi của thanh toán không tiền mặt, nhiều người cho rằng chúng có thể khiến ta tiêu nhiều tiền hơn so với phương pháp thanh toán truyền thống. Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính từ Forbes, bạn có thể vừa tận hưởng sự thuận tiện của thanh toán không tiền mặt vừa kiểm soát tốt chi tiêu nhờ những cách sau.
1. Ghi chép chi tiêu cẩn thận
Dù có sử dụng tiền mặt để thanh toán hay không, bạn đều nên ghi chép chi tiết cẩn thận từng khoản chi tiêu mỗi tháng. Đây là bước đầu tiên giúp kiểm soát tốt dòng tiền ra vào tài khoản của mình mỗi tháng.
Theo chuyên gia tài chính từ Forbes, việc ghi chép chi tiêu thậm chí có thể thuận tiện hơn nếu bạn dùng hình thức thanh toán không tiền mặt như chuyển khoản, ví điện tử hay thẻ tín dụng. Bởi mọi giao dịch đều có thông báo tin nhắn và được ghi chép lại, do đó bạn dễ dàng hệ thống bản thân dùng bao nhiêu tiền, cho mục đích gì. Bên cạnh đó, nếu liên kết thẻ tín dụng với ứng dụng quản lý tiền, mọi chi tiêu đều sẽ được thống kê tự động, giúp bạn nắm rõ những khoản chi một cách minh bạch và rõ ràng nhất.
2. Tận dụng tính ưu đãi của thanh toán bằng thẻ
Thực tế, bạn sẽ chẳng bao giờ nhận được bất kỳ ưu đãi nào khi thanh toán bằng tiền mặt, nhưng thanh toán bằng thẻ lại khác. Hiện nay, khắp nơi đều áp dụng nhiều chính sách ưu đãi để thu hút khách hàng, hướng đến một xã hội không tiền mặt.
Chẳng hạn, bạn sẽ nhận được khuyến mại, mã giảm giá, tích điểm… nếu thanh toán bằng hình thức này. Một số ngân hàng còn đang áp dụng chương trình ưu đãi hoàn tiền cho người tiêu dùng khi thanh toán bằng thẻ ngân hàng.
3. Sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng để kiểm soát chi tiêu
Với những người hay “vung tay quá trán”, việc chia thu nhập thành từng khoản nhỏ, phục vụ mục đích riêng rất quan trọng. Thói quen này giúp bạn nhận ra sự mất cân bằng trong các khoản chi phí để tạo động lực thắt chặt chi tiêu.
Chẳng hạn, bạn chia thu nhập thành 3 khoản là tiền sinh hoạt, tiền tiết kiệm và tiền đầu tư. Khi bạn bỏ riêng tiền tiết kiệm và tiền đầu tư, bạn sẽ biết điều chỉnh các khoản chi tiêu để chỉ dành tiền sinh hoạt trong một mức giới hạn tài chính nhất định.
Có thể thấy, việc có cái nhìn tổng quan về tình hình tài chính, sau đó chia nhỏ tiền lương giúp bạn đạt kỷ luật trong quyết định tài chính cá nhân. Cách đơn giản nhất là bạn có thể dùng nhiều tài khoản ngân hàng để phân chia nhỏ từng khoản tiền. Sau đó, tận dụng phương thức theo dõi lịch sử thu – chi ở ứng dụng giao dịch điện tử để quản lý số tiền bản thân có.
Theo Bussiness Insider, việc có nhiều tài khoản ngân hàng giúp bạn kiểm soát chi tiêu tốt hơn, tuy nhiên dùng đồng thời nhiều thẻ tín dụng có thể không mang lại hiệu quả tích cực như thế. Chuyên gia tài chính khuyến cáo mỗi người chỉ nên sử dụng tối đa 2 thẻ tín dụng. Nếu số lượng thẻ tín dụng vượt quá, bạn khó kiểm soát số nợ bản thân cần phải trả khi dùng loại thẻ ghi nợ này.
Ngoài ra, dùng quá nhiều thẻ tín dụng ảnh hưởng đến điểm uy tín của bạn, vì hồ sơ thông tin cá nhân đều được ngân hàng lưu trữ lại khi bạn đăng ký mở thẻ. Nếu bạn nợ tiền nhiều thẻ tín dụng cùng lúc, có thể sẽ gây bất lợi cho việc vay tiền tại các ngân hàng sau này.
4. Dùng thẻ tín dụng thông minh
Thẻ tín dụng thường được bị gán nhãn xấu là “thẻ ghi nợ”, khiến nhiều người e ngại dùng chúng trong cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, thẻ tín dụng có nhiều ưu đãi dành cho khách hàng như giảm giá mặt hàng, tặng điểm thưởng… cho một số sản phẩm nhất định. Bên cạnh đó, bạn có thể quẹt tiền từ thẻ tín dụng khi chi trả cho một đồ cần thiết mà không cần vay nợ từ những người xung quanh. Với những khoản vay ngắn hạn, quẹt thẻ tín dụng là lựa chọn tốt bởi chúng có lãi suất thấp hơn hơn đáng kể so với các khoản vay từ ngân hàng.
Tuy nhiên, sự tiện lợi từ việc dùng thẻ tín dụng cũng có thể khiến bạn chi tiêu quá mức. Để tránh hình thành nợ xấu trên thẻ tín dụng, bạn cần lưu ý những điểm sau:
– Hợp nhất chi tiêu thẻ tín dụng trên ứng dụng quản lý tài chính: Hiện nay tại nhiều quốc gia, việc hợp nhất chi tiêu trên 1-2 thẻ tín dụng với ứng dụng của điện thoại có thể giúp bạn tích luỹ điểm, từ đó nhận mức ưu đãi giảm giá sản phẩm.
– Giảm giới hạn thẻ tín dụng: Nếu bạn không tin tưởng bản thân là người kiểm soát tốt tiền bạc, hãy yêu cầu nhà phát hành thẻ tín dụng giới hạn mức tín dụng của bạn thấp hơn, chẳng hạn như 1 tháng tiền lương.
– Trả tiền nợ đúng hạn: Với người dùng thẻ tín dụng, một vấn đề đáng bận tâm là chuẩn bị đủ tiền trả nợ tín dụng, nếu bạn không muốn đóng phí phạt do trả tiền quá hạn. Dù trước khi đến hạn, ứng dụng sẽ thông báo cho bạn nhưng không phải ai cũng chú ý và xoay xở kịp. Do đó, chuẩn bị trước tiền trả nợ càng sớm càng tốt là cách giúp bạn đảm bảo không mất tiền quá nhiều.