4 chữ nguy hiểm trong đầu tư chứng khoán và 4 yếu tố chính để chọn mua cổ phiếu

John Templeton – nhà đầu tư vĩ đại của thế kỷ 20 đã rút ra những yếu tố này.

TIN MỚI

4 chữ nguy hiểm nhất trong đầu tư chứng khoán

Trong hành trình đầu tư chứng khoán, hẳn không có ai dám tự tin rằng mình chưa bao giờ mắc sai lầm. Sai lầm ở cấp độ nhẹ là không đạt được hiệu quả đầu tư như mong muốn. Còn cấp độ nặng, không gì khác là thua lỗ, mất tiền.

Những sai lầm đó thường gắn với những suy nghĩ như sau: “Cổ phiếu đó đã giảm nhiều rồi, không thể giảm sâu thêm nữa”, “Cổ phiếu đó giá vài nghìn đồng, có lỗ cũng chẳng đáng là bao”, “Lỗ cũng nhiều rồi, cắt lỗ thì tiếc, thôi để thành khoản đầu tư … dài hạn” hay “Chưa bán cổ phiếu đi tức là chỉ đang lỗ ảo thôi, bán đi thì sẽ thành lỗ thật”.

Còn vô số những lời “biện minh” khác cho việc nhà đầu tư không dám dừng lại khi thị trường đã chứng minh rằng họ chọn sai cổ phiếu.

Nhưng nguy hiểm hơn cả là sau nhiều lần sai lầm như vậy, nhà đầu tư vẫn lựa chọn mua một cổ phiếu nào đó với quan điểm rằng “lần này sẽ khác”.

Đó chính là 4 chữ nguy hiểm nhất đối với các nhà đầu tư.

John Templeton đã rút ra kết luận như vậy khi chứng kiến những người bước chân vào thị trường chứng khoán với một sự chuẩn bị sơ sài về kiến thức, tâm lý và khả năng đánh giá thông tin, nhưng lại vô cùng tự tin và liều lĩnh. Họ cho rằng mình có thể hình dung ra xu thế diễn biến của cổ phiếu hoặc tin rằng có thể phát hiện ra xu thế trong một mô hình dự báo tương lai.

Thực tế đã cho thấy, biến động của cổ phiếu có phần mang tính ngẫu nhiên. Không có cách nào có thể dự đoán được diễn biến giá cổ phiếu trong tương lai dựa trên biến động trong quá khứ của nó. Bất kỳ xu thế biến động nào của thị trường đã bị phát hiện ra sẽ không thể kéo dài bởi, quá nhiều người muốn tận dụng nó.

John Templeton nhắc nhở: “Hãy đi theo xu hướng thị trường và lịch sử. Đừng suy đoán rằng lần này mọi thứ sẽ khác.”

Xu hướng thị trường được tạo nên bởi dòng tiền của đám đông. Một thông tin nào đó đủ hiệu quả để có thể tạo ra hiệu ứng đám đông, khiến cho “Đám đông” cùng nghĩ như nhau thì giá cũng sẽ chuyển biến theo hướng thông tin đó.

4 yếu tố chính để chọn mua cổ phiếu

Với John Templeton, có thể có hàng trăm yếu tố được xem xét trong quá trình định giá, nhưng phần lớn chúng đều mang tính đặc trưng của ngành với có 4 yếu tố luôn hiện hữu. Đó là:

1. Chỉ số P/E so sánh với những công ty tương tự

2. Lợi nhuận hoạt động biên (operating profit margins) có đang tăng không

3. Giá trị thanh lý, tức là giá bán khi thanh lý

4. Tốc độ tăng trưởng trung bình của lợi nhuận, và tính nhất quán của sự tăng trưởng. Tránh những công ty mà lợi nhuận sụt 2 năm liên tiếp. Và cũng né tránh những công ty mà phát triển quá nhanh.

Kinh nghiệm này đã được áp dụng vô cùng thành công trong phi vụ tại Nhật Bản nổi tiếng lịch sử của Templeton.

Vào cuối thập niên 1960, Templeton bắt đầu đầu tư lớn vào Nhật Bản sau khi ông phát hiện ra rằng vẫn còn khá nhiều món hời ở Sàn Giao dịch chứng khoán Tokyo. Lúc đó, Nhật Bản được cả thế giới biết đến như điểm quy tụ của các loại hàng hóa “thứ phẩm, rẻ tiền”, thế nhưng cổ phiếu Nhật Bản thậm chí còn rẻ hơn, còn những công ty lớn mà các nhà đầu tư không để mắt đến thì đang được bán trung bình ở mức cao gấp 3 lần giá gốc. Trong khi đó, cổ phiếu Mỹ đang giao dịch ở cao gấp 15 lần.

Nhưng Templeton không chỉ muốn giá hời mà ông muốn có những món hời chất lượng cao. Ông liền lùng sục thị trường Nhật Bản để tìm những công ty được quản lý tốt với sản phẩm có tiềm năng tiêu thụ mạnh và mức tăng trưởng dự báo tối thiểu 15% mỗi năm.

Ông đã mua cổ phiếu của các công ty như Hitachi, Nissan, Matsushita và Sumitomo. Ngày nay, đây là những cái tên quen thuộc với cả thế giới nhưng hồi đó hầu như không một ai ở bên ngoài Nhật Bản biết đến. Ông dồn tiền vào thị trường Tokyo nhiều đến nỗi vào thời điểm ông hoàn tất việc mua cổ phiếu, tổng cộng ông đã đầu tư trên 50% các tài sản trong quỹ của mình vào những món hời “Made in Japan”.

Giá các loại cổ phiếu ở thị trường Tokyo lên đến đỉnh điểm vào đêm giao thừa năm 1989. Có những cổ phiếu được bán với mức lãi cao gấp 75 lần. Nhưng Templeton đã rút ra từ trước đó rất lâu. Sau này, ông tự thừa nhận là ông đã bán quá sớm. Ông hoàn toàn rút khỏi thị trường Nhật Bản vào năm 1986 khi cổ phiếu chỉ mới ở mức lãi gấp… 30 lần.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin