Dưới đây là 4 dấu hiệu cho biết bạn có thể đang phải đối mặt với ung thư tuyến giáp.
Một con số thống kê sẽ khiến nhiều người giật mình. Đó là trong những năm gần đây, số người được chẩn đoán bị ung thư tuyến giáp cao gấp 2 lần so với con số của những năm 1970. Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh cao hơn nam giới.
Tuy nhiên, bạn cũng không nên hoảng loạn vì ung thư giáp có tỷ lệ điều trị khỏi bệnh lên đến hơn 90%, cao nhất trong tất cả các loại ung thư.
Thế nhưng, mọi người phải nên nhớ rằng khi bệnh được phát hiện và điều trị ở giai đoạn đầu mới có thể được chữa khỏi hoàn toàn.
Ung thư tuyến giáp có thể xảy ra với bất cứ độ tuổi nào, tuy nhiên phổ biến nhất ở những đối tượng đang bước sang tuổi 30 và người lớn tuổi. Khoảng 2% bệnh nhân là trẻ em và thanh thiếu niên.
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy nguyên nhân chính thức gây bệnh nhưng họ tin rằng bức xạ ở đầu và cổ là một trong những yếu tố cấu thành ung thư tuyến giáp. Ngoài ra, chế độ ăn uống iốt thấp cũng gây ung thư này.
Dưới đây là 4 dấu hiệu cho biết bạn có thể đang phải đối mặt với ung thư tuyến giáp.
1. Khối u ở cổ
Tuyến giáp nằm ngay ở trước cổ vì thế bạn rất dễ dàng phát hiện sự bất thường ở bộ phận này. Nếu thấy một khối u ở trước cổ hoặc dưới yết hầu trong vài tuần mà không biến mất, bạn nên theo dõi sự hoạt động của nó.
Thông thường, khối u lành tính sẽ di chuyển lên xuống khi nuốt, trong khi đó hầu hết các khối u ác tính không di chuyển khi nuốt.
Nhưng để chắc chắn, bạn nên đi kiểm tra nếu thấy xuất hiện một khối u ở cổ.
2. Khó nuốt
Thực quản cũng nằm ngay dưới khí quản, vì vậy khối u tuyến giáp cũng có thể chèn ép trực tiếp hoặc gián tiếp lên thực quản khiến người bệnh cảm thấy khó nuốt hoặc đau nghẹn khi nuốt.
3. Thay đổi giọng nói
Hộp thanh âm nằm ngay ở dưới tuyến giáp. Vì thế, những thay đổi ở tuyến giáp có thể khiến bạn bị khàn giọng.
4. Khó nói, khó thở
Triệu chứng khó nói, khó thở sẽ xảy ra khi căn bệnh ung thư đã phát triển ở giai đoạn nguy hiểm. Khối u tuyến giáp phình to có thể chèn ép lên khí quản làm cho người bệnh bị khó thở.
Điều trị:
Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh được phát hiện mà bác sĩ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp như hóa xạ trị hoặc phẫu thuật.
Với những khối u quá lớn, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật loại bỏ ngay, nhưng không cần thiết phải cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp tránh làm mất các hormone tuyến giáp cũng như gây nguy cơ bị tổn thương ở tuyến cận giáp.
* Theo Prevention