Ung thư phổi là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhưng lại không có biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn đầu. Đa phần khi người bệnh phát hiện thì đã bỏ lỡ giai đoạn tốt nhất để điều trị.
Ông Tăng (43 tuổi, Trung Quốc) đã hút thuốc suốt 23 năm. Khoảng một năm trước, ông bắt đầu xuất hiện triệu chứng ho. Bệnh tình của ông ngày một nặng, còn kèm theo những cơn đau tức ngực. Một thời gian sau, ông Tăng mắc cúm A, điều này cũng khiến những cơn ho trở nên nghiêm trọng hơn. Lo lắng “trắng phổi” sau cúm, ông đã đến bệnh viện kiểm tra.
Sau khi biết tình trạng ho kéo dài của ông, bác sĩ đã yêu cầu ông tiến hành một số kiểm tra, xét nghiệm. Cuối cùng, thông qua chụp CT lồng ngực, PET-CT… chẩn đoán ông Tăng mắc ung thư phổi biểu mô tuyến, đã xuất hiện di căn ở hai phổi và xương. Kết luận của bác sĩ đưa ra khiến ông khỏi bàng hoàng vì không nghĩ hút thuốc có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng như vậy.
(Ảnh minh họa)
Trường hợp của ông Tăng không phải hiếm. Theo nghiên cứu lâm sàng, khoảng 70 – 80% bệnh nhân ung thư phổi khi được chẩn đoán đã ở giai đoạn cuối, bệnh nặng, mất đi cơ hội điều trị tốt nhất. Kể cả ở những nước phát triển, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân ung thư giai đoạn đầu cũng chỉ là 25%.
Rất khó tìm thấy những dấu vết của ung thư phổi bởi trong phế nang không có dây thần kinh cảm giác. Trong giai đoạn đầu phát triển của khối u, rất khó để những cảm giác khó chịu hay đau đớn truyền đến hệ thần kinh trung ương của chúng ta. Cho nên, ung thư phổi phải đến một giai đoạn nhất định, chúng ta mới cảm nhận được.
Đồng thời trong phổi cũng có nhiều hình thái tổn thương không đặc hiệu nên dù phát hiện sớm tổn thương qua chụp X-quang nhưng người bệnh cũng như bác sĩ vẫn rất dễ bỏ qua do nhầm sang các bệnh lý khác ở phổi.
Dù ung thư phổi giai đoạn đầu không có biểu hiện rõ ràng nhưng nếu chú ý, chúng ta vẫn có thể tìm ra những “dấu vết” của chúng để nhanh chóng có những biện pháp điều trị kịp thời, nắm bắt thời cơ điều trị tốt nhất.
4 dấu hiệu ung thư phổi giai đoạn đầu thường gặp
1. Sốt, ho kéo dài, ho ra máu:
Khi những tổn thương xâm lấn đến phổi, khí quản và các mạch máu sẽ xuất hiện những cơn ho khan bất thường, không có quy luật. Đây là biểu hiện của ung thư phổi giai đoạn đầu. Nếu thời gian ho kéo dài có thể xuất hiện tình trạng ho ra máu.
Ngoài ra, ung thư phổi cũng có thể là nguyên nhân gây ra những cơn sốt bất thường, dù dùng thuốc cũng không thể hạ sốt.
2. Khàn giọng, đau tức ngực, tay, vai và khó thở:
Nếu như buổi sáng tỉnh dậy cảm thấy tức ngực, thở gấp, chóng mặt… bạn nên cảnh giác vì đây có thể là dấu hiệu sớm của ung thư phổi. Nguyên nhân chủ yếu là do sự xâm lấn của khối u vào màng phổi và khoang ngực. Ban đầu có thể khá nhẹ nhưng sau đó nặng dần.
Ngoài ra, khoảng 50% bệnh nhân ung thư phổi xuất hiện những cơn đau ở vai lưng, cánh tay do sự xâm lấn vào các dây thần kinh, đốt xương. Đặc biệt là khi ho và thở gấp. Sự chèn ép của khối u lên dây thanh đới cũng khiến người bệnh bị khàn giọng.
3. Tình trạng phù xuất hiện:
Khi những tổn thương chèn vào tĩnh mạch sẽ khiến bệnh nhân bị phù nước ở phần chi trên, cổ và cả mặt. Tình trạng này khó có thể thuyên giảm sau thời gian nghỉ ngơi.
4. Di căn khối u:
Nếu khối u di căn đến não sẽ xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt, đau đầu, buồn nôn… Di căn gan có thể gây vàng da, giảm cảm giác thèm ăn, đau âm ỉ bụng trên.
Sự xuất hiện của ung thư phổi có liên quan mật thiết đến những thói quen, chi tiết nhỏ trong cuộc sống. Nếu muốn ngăn ngừa ung thư phổi, hãy lưu ý đến những điều sau.
4 lưu ý để phòng ngừa ung thư phổi
1. Tránh xa các yếu tố rủi ro
Hút thuốc, ô nhiễm không khí, khói bụi đều là những nguyên nhân gây ra ung thư phổi. Trong cuộc sống thường ngày cần tránh xa những yếu tố này. Người hút thuốc cần sớm bỏ, người không hút thuốc cần tránh hút thuốc lá thụ động. Những người thường xuyên phải nấu nướng cần chú ý bật máy hút mùi trong bếp, tránh hít phải quá nhiều khói dầu.
2. Không thường xuyên nóng giận
Có một mối quan hệ khá lớn giữa cảm xúc hằng ngày và ung thư. Cần học cách quản lý cảm xúc bản thân trong cuộc sống, giảm áp lực, bớt nóng giận, đừng để bản thân chìm trong cảm xúc tiêu cực thời gian dài.
3. Cải thiện khả năng miễn dịch
Chú ý duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và thói quen sống tích cực. Điều này có thể giúp cải thiện khả năng miễn dịch, phòng ngừa bệnh tật. Đồng thời nên tập thể dục đều đặn. Điều này rất hữu ích cho việc cải thiện khả năng miễn dịch.
4. Kiểm tra sức khỏe định kỳ, điều trị tích cực
Những người trong gia đình có người từng mắc bệnh cần sớm tiến hành kiểm tra sàng lọc. Bản thân người có mắc bệnh liên quan đến phổi ngoài việc tích cực điều trị cũng cần thường xuyên kiểm tra định kỳ để phát hiện sớm những bất thường có thể xảy ra.
Nguồn và ảnh: 163.com, newqq, sina