4 vụ lừa đảo online nổi bật tuần qua, làm gì để không dính bẫy?

Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tổng hợp các tin tức nổi bật về lừa đảo trực tuyến trong tuần qua (10/6 – 16/6/2024).

TIN MỚI

Cùng nhìn lại các tin tức nổi bật về lừa đảo trực tuyến trong tuần qua (10/6 – 16/6/2024) với series “Điểm tin tuần” của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông.

4 vụ lừa đảo online nổi bật tuần qua, làm gì để không dính bẫy?- Ảnh 1.

Công an TP. Hà Nội thông tin vừa tiếp nhận trình báo của một người phụ nữ tên N (trú tại TP. Hà Nội), về việc bị lừa mất số tiền gần 1,4 tỷ đồng sau khi tham gia dự án có tên “Vinpearl”.

Theo lời kể của nạn nhân, bà N cho hay quen biết một đối tượng trên mạng xã hội Facebook. Người này thường xuyên trò chuyện tình cảm và tạo lòng tin với bà N. Sau đó đối tượng dẫn dụ bà N cùng đầu tư vào dự án có tên “Vinpearl” (giả mạo dự án của tập đoàn Vingroup) và mở tài khoản theo đường link https://vinpearl1.vingroupsvn.com/. Tin tưởng, bà N đã làm theo hướng dẫn của đối tượng và chuyển tiền đến các tài khoản do đối tượng cung cấp. Tổng số tiền bà N đã là gần 1,4 tỷ đồng.

Khi đầu tư có lãi và bà N muốn rút tiền ra thì đối tượng yêu cầu phải nạp thêm 10% số tiền hiện có trong tài khoản. Nghi ngờ mình bị lừa, bà N đã đến cơ quan Công an trình báo.

Đây là một hình thức lừa đảo bắt đầu bằng việc xây dựng một mối quan hệ tình cảm để lấy lòng tin nạn nhân, sau đó mời đầu tư hứa hẹn lợi nhuận cao để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Để ngăn chặn tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân tuyệt đối cẩn trọng trước những đối tượng kết bạn làm quen trên mạng xã hội. Cần xác minh danh tính của đối tượng bằng cách tìm hiểu về họ, yêu cầu thông tin địa chỉ, số điện thoại liên hệ hoặc thậm chí gặp gỡ trực tiếp nếu có thể. Không nên vội vàng làm theo những yêu cầu, hướng dẫn của đối tượng.

Cảnh giác với những yêu cầu gửi tiền, đầu tư hoặc tham gia các giao dịch tài chính không rõ nguồn gốc. Người dân không nên vội vàng làm theo những yêu cầu, hướng dẫn của đối tượng. Tuyệt đối không nên chia sẻ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng dưới mọi hình thức.

Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan Công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.

4 vụ lừa đảo online nổi bật tuần qua, làm gì để không dính bẫy?- Ảnh 2.

Ngày 12/6, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Công an huyện Yên Định vừa điều tra, bắt giữ nhóm đối tượng chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dưới hình thức cho số lô, số đề.

Tại cơ quan công an, các đối tượng bao gồm: Phạm Quốc Khánh (SN 2002), Võ Văn Diệp (SN 1993), Võ Văn Tân (SN 1993) đều trú phường Hương Văn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, khai nhận do cần tiêu tiền xài cá nhân nên đã lên mạng tìm cách thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức cho số lô, số đề.

Cụ thể, các đối tượng tạo lập nhiều tài khoản Facebook ảo có tên “Hoàng Mạnh Tuấn”, “Lê Thị Kim Khoa”, “Phan Gia Vũ”, “Lê Thanh Hưng”… đăng tải các bài viết giả danh nhân viên, lãnh đạo Công ty xổ số kiến thiết miền Bắc có khả năng biết trước và can thiệp được kết quả quay thưởng xổ số nên có thể cho số lô, số đề chính xác 100%.

Tang vật thu giữ gồm 4 máy tính, 14 điện thoại di động, 3 máy in màu, 30 sim và phôi sim, 15 tài khoản ngân hàng các loại, 30 biển tên giả danh nhân viên, lãnh đạo công ty xổ số, 50 biên bản cho số, 2 con dấu cùng nhiều tang vật khác có liên quan.

Trước chiêu trò tinh vi trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước các dịch vụ trôi nổi trên mạng xã hội. Tuyệt đối không sử dụng bất kỳ hình thức dịch vụ nào khi chưa xác minh được danh tính và uy tín của đối tượng/ tổ chức đó. Không vội vàng thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng dưới mọi hình thức.

Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

4 vụ lừa đảo online nổi bật tuần qua, làm gì để không dính bẫy?- Ảnh 3.

Mới đây, chính quyền Ấn Độ đã cảnh báo về việc xuất hiện hình thức lừa đảo thông qua những tin nhắn mời gọi làm việc tại nhà, hứa hẹn người tham gia sẽ được trả mức lương vô cùng hấp dẫn.

Được biết, kẻ lừa đảo sẽ gửi những tin nhắn giả mạo các tập đoàn, công ty có tiếng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nội dung các tin nhắn chủ yếu bao gồm thông tin ngắn gọn về công việc, thời gian làm việc, tiền lương trả theo ngày và đính kèm một đường link đăng ký. Sau khi bấm vào đường link, nạn nhân sẽ được trực tiếp trao đổi với đối tượng thông qua ứng dụng WhatsApp.

Sau khi trao đổi các thông tin về công việc, đối tượng lừa đảo sẽ gửi một đường link, yêu cầu nạn nhân truy cập nhằm hoàn tất thủ tục đăng ký và trả một khoản phí nhỏ. Đường link này sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp các thông tin ngân hàng như số thẻ, ngày hết hạn, mã CVV,… Những thông tin này sẽ được đối tượng sử dụng để thực hiện giao dịch chuyển tiền sang ngân hàng của bọn chúng, số tiền chúng chuyển sẽ tùy thuộc vào số dư trong tài khoản của nạn nhân, sau đó sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp mã OTP. Nạn nhân sẽ tưởng rằng đây là giao dịch thanh toán khoản phí kể trên. Sau khi chiếm đoạt tiền thành công, các đối tượng sẽ chặn tin nhắn của nạn nhân, xóa hết các thông tin trên trang cá nhân.

Trước thực trạng lừa đảo như trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cảnh giác trước các tin nhắn lừa đảo với nội dung kể trên. Khi nhận được những tin nhắn thông qua các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook,… người dân cần báo cáo tài khoản đó. Không bấm vào bất cứ đường link nào mà đối tượng gửi, không cung cấp các thông tin cá nhân dưới bất kỳ hình thức nào. Không cài đặt bất kỳ ứng dụng nào từ đường link lạ, không bật chế độ “cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định” trên điện thoại thông minh. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lập tức trình báo lực lượng chức năng nhằm truy vết và ngăn chặn đối tượng lừa đảo.

4 vụ lừa đảo online nổi bật tuần qua, làm gì để không dính bẫy?- Ảnh 4.

Mới đây, quản lý của Arlington (Massachusetts, Hoa Kỳ) – ông Jim Feeney cho biết thị trấn đã phải chịu tổn thất về mặt tài chính sau khi mắc bẫy lừa đảo của một nhóm tin tặc mạo danh đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng. Được biết, thị trấn đã bị lừa chuyển tiền theo định kỳ hàng tháng nhằm phục vụ cho quá trình xây dựng trường học.

Ban đầu, nhóm tội phạm chiếm quyền kiểm soát tài khoản Email thuộc quyền sở hữu của các nhân viên làm việc trong bộ phận quản lý ngân sách của thị trấn. Với việc truy cập được vào hệ thống thư điện tử, nhóm đối tượng có thể nắm bắt được toàn bộ nội dung tin nhắn, xóa và tắt thông báo khi có tin nhắn mới. Nhờ đó mà chúng có thể dễ dàng mạo danh đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng mà thị trấn đang hợp tác, gửi tin nhắn cho đội ngũ nhân viên với yêu cầu thay đổi hình thức thanh toán từ trả bằng tiền mặt sang chuyển khoản trong thời hạn 4 tháng định kỳ.

Thiếu cảnh giác trước thủ đoạn tinh vi, phía thị trấn đã thực hiện chuyển tiền theo đúng thời hạn. Cho đến khi đơn vị cung cấp chính thống liên hệ và thông báo không nhận được bất cứ một khoản tiền nào trong suốt khoảng thời gian kể trên, ông Feeney cũng như đội ngũ nhân viên mới biết họ đã mắc bẫy lừa đảo. Được biết, nhóm đối tượng đã chiếm đoạt thành công $445,945.73 (tương đương gần 11,3 tỷ VND).

Trước thực trạng lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin khuyến cáo các cơ quan, tổ chức nên chú trọng vào công tác gia tăng bảo mật an ninh mạng.

Liên tục cập nhật và phổ cập tin tức về các hình thức lừa đảo đến hệ thống nhân viên, cán bộ nhằm phòng tránh và giảm thiểu rủi ro khi gặp phải trường hợp tương tự.

Trước khi thực hiện chuyển tiền, người dân cần kiểm tra thật kỹ danh tính của đối tượng thông qua số điện thoại chính thống hoặc trực tiếp gặp mặt.

Khi nhận thấy có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần nhanh chóng trình báo với các cơ quan an ninh, lực lượng chức năng nhằm kịp thời ngăn chặn và truy vết đối tượng.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin