Mối quan tâm về lạm phát và các dữ liệu thương mại sẽ trở thành tâm điểm chính của thị trường ngoại hối trong năm nay.
Trong suốt nửa thập kỷ qua, quý hai trong năm luôn là quãng thời gian mà thị trường chứng khoán diễn biến ổn định nhất. Nếu điều đó tiếp tục lặp lại trong năm nay, chúng ta có cơ sở cho rằng tỷ giá trên thị trường ngoại tệ cũng sẽ chứng kiến sự ổn định tương tự trong vòng ba tháng tới, giống như những năm gần đây.
Chỉ số Biến động ngoại tệ (FX Volatility Index), được đo lường và theo dõi bởi Sở giao dịch quyền chọn Chicago (Chicago Board Option Exchange – CBOE), cũng đã có xu hướng giảm kể từ đầu tháng 3 vừa rồi. Trong hai báo cáo nghiên cứu được công bố hồi đầu tuần của Ngân hàng New York Mellon, ông Simon Derrick, một chiến lược gia của ngân hàng này, cũng cho rằng đây là tình huống có khả năng xảy ra cao nhất.
Ông Simon Derrick cũng là người đứng đầu phụ trách theo dõi thị trường tiền tệ của ngân hàng New York Mellon, quan sát thấy khi thị trường chứng khoán Mỹ trở nên ổn định hơn kể từ giữa tháng 2, cũng là lúc thị trường ngoại tệ chứng kiến sự ổn định đáng kể.
Dù cho trường hợp ngược lại vẫn có khả năng xảy ra, nhưng ông Derrick vẫn cho rằng đây là xu hưởng chủ đạo trong những tháng tới.
Hình 1. Điều tương tự cũng đã diễn ra trong 3 năm
Chẳng hạn, công cụ đo độ dao động 21 ngày của Chỉ số Đô la Mỹ (US Dollar Index) đã tụt dốc từ mức 7,8% hồi giữa tháng 2/2018 xuống còn 6,2% vào cuối tháng. Điều tương tự cũng đã diễn ra trong 3 năm gần đây.
Ông Derrick nhấn mạnh, mặc dù dữ liệu lịch sử không hẳn là chỉ báo chính xác cho tương lai, nhưng dù sao diễn biến này cũng đã xảy ra trong suốt 5 năm qua.
Đường cong lợi suất phẳng
Đường cong lợi suất phẳng (Flattening Yield Curve) là tình trạng xảy ra khi chênh lệch lợi suất trái phiếu ngắn hạn và lợi suất trái phiếu dài hạn giảm, bởi khi đó, đường cong lợi suất có vẻ phẳng (flatten) hơn, hay nói cách khác ít dốc (steep) hơn.
Sự dao động gia tăng trong năm 2017 khác với những những gì được chứng kiến trong hai năm trước đó, khi mà nguyên nhân hầu như không xuất phát từ sự bất ổn của thị trường chứng khoán, mà chỉ gắn bó chặt chẽ hơn với sự thay đổi các chính sách liên quan đến đồng Đô la.
Hình 2. Chỉ số Đô-la Mỹ theo tuần trong giai đoạn 2015 – 2018
Chỉ số tương lai đồng USD (USD Dollar Index Futures) bắt đầu năm 2018 ở mức cao nhất trong vòng một thập kỷ rưỡi qua. Nhưng sau đó, việc đường cong lợi suất không còn duy trì xu hướng phẳng chủ đạo như trước, cùng với một số bất ổn xuất phát từ quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của chính quyền Donald Trump, đã khiến chỉ số Đô la Mỹ đảo chiều giảm. Từ đó dẫn tới sự gia tăng của chỉ số dao động trong 3 tháng đầu năm 2018 như đã chứng kiến.
Khi thị trường chứng khoán bình tĩnh trở lại và đường cong lợi suất của Mỹ bắt đầu quay về xu hướng phẳng như trước thì đồng Đô-la cũng trở nên ổn định hơn. Đó chính xác là những gì đã xảy ra trong các năm 2015, 2016 và 2017. Chỉ số biến động tăng lên trong tháng Một vừa nửa đầu tháng Hai năm nay dường như đang lặp lại mô hình đã xảy ra trong hai năm 2015 và 2016.
Cụ thể, vào đầu năm 2015, mức độ dao động của thị trường tăng cao do sự sụt giảm mạnh mẽ của giá dầu (từ 110 USD/thùng xuống còn gần 30 USD/thùng trong vòng 6 tháng), và sự thay đổi cơ bản trong chính sách điều hành tiền tệ của chấu Âu (đặc biệt là các chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ). Trong khi đó, đầu năm 2016 lại diễn ra sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc.
Vấn đề lạm phát
Năm 2017, chất xúc tác ban đầu dẫn đến sự bất ổn tại thị trường Mỹ được cho là đến từ tuyên bố tăng lãi suất đưa ra vào ngày 31/1/2017 bởi Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED. Theo ông Derrick, đây là dấu hiệu nhãn tiền báo hiệu thời kỳ lạm phát bắt đầu gia tăng.
Tuyên bố của Ủy ban thị trường mở liên bang (Federal Open Market Committee – FOMC) hồi tháng 12 vừa rồi đã nhấn mạnh rằng các biện pháp thị trường nhằm bù đắp lạm phát mặc dù được đưa ra với cường độ tăng lên trong những tháng gần đây nhưng tác dụng vẫn ‘duy trì ở mức thấp’.
Hình 3. Đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giai đoạn 2016 – 2018
Đường cong lợi suất đã trở nên dốc hơn trong những ngày ngay sau tuyên bố nói trên, lập tức gây ra sự sụt giảm đáng kể với các chỉ số chứng khoán, đồng thời làm các chỉ số dao động thị trường gia tăng mạnh mẽ. Theo ông Derrick, rõ ràng là sự yếu kém của thị trường chứng khoán, chứ không phải là việc đường cong lợi suất trở nên dốc hơn, mới là chất xúc tác cho sự phục hồi của đồng Đô-la và làm tăng tỷ giá hối đoái.
Điều gì có thể xảy ra trong những tháng còn lại của năm 2018?
Ông Derrick cho rằng sự lo ngại về lạm phát là động lực chính dẫn tới sự biến động của thị trường hồi đầu tháng Hai. Điều đó có nghĩa mối quan tâm về lạm phát và các dữ liệu thương mại cũng sẽ trở thành tâm điểm chính của thị trường trong năm nay.
Cũng cần lưu ý rằng trong một phần tư thế kỷ qua, mới có hai lần chỉ số lạm phát của Mỹ vượt quá con số 4%. Đó là hai lần vào năm 2005 và 2008. Trong cả hai trường hợp đều xảy ra sự sụt giảm đáng kể của giá dầu và đồng Nhân dân tệ trong vòng 12 tháng trước đó.
Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ đã có những thay đổi rõ rệt trong thập kỷ vừa qua, đặc biệt nhờ vào sự tự chủ về năng lượng đã tăng lên đáng kể. Nhưng thâm hụt thương mại của Mỹ vẫn ở mức cao một cách ngạc nhiên, dao động từ 35 tỷ USD đến 50 tỷ USD trong suốt thập kỷ qua.
Thâm hụt thương mại của Mỹ thậm chí tăng lên nhanh chóng kể từ đầu năm nay. Chỉ riêng tháng 1, thâm hụt đã tăng 5% so với cùng kỳ lên mức 56,6 tỷ USD, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 10/2008. Thâm hụt với Trung Quốc tăng 16,7% lên mức 36 tỷ USD trong tháng vừa rồi, là nguyên nhân khiến cho tỷ giá USD/CNY giảm tới 8,4% trong vòng 12 tháng qua.
Nếu tình trạng lạm phát do nhập khẩu bắt đầu trở thành mối lo ngại, ông Derrich cho rằng mấu chốt quyết định diễn biến của thị trường trong những tháng tiếp theo chính là xu hướng vận động của đường cong lợi suất. Nếu đường cong lợi suất tăng nhanh, tình trạng bất ổn trên thị trường chứng khoán sẽ gia tăng. Như những gì đã xảy ra trong tháng Hai, dường như điều này phù hợp với diễn biến tăng giá của đồng Đô-la Mỹ cùng với sự tăng lên của chỉ số biến động thị trường ngoại tệ.
Tuy vậy, dữ liệu lạm phát công bố hôm thứ Ba vừa rồi cho thấy chưa xảy ra bất kỳ một rủi ro nào ngay lập tức. Tình hình biến động của các chỉ số cũng có thể thay đổi trong suốt phần còn lại của năm.