Theo khuyến nghị của Vụ pháp chế, NHNN, Việt Nam cần đa dạng hóa các hình thức xử lý nợ xấu và có thể xem xét áp dụng các bài học kinh nghiệm các nước khác.
Tổng kết kinh nghiệm quốc tế, Vụ Pháp chế NHNN cho biết có một số điểm có thể xem xét áp dụng tại Việt Nam.
Thứ nhất, để nhanh chóng xử lý nợ xấu tại các tổ chức tài chính, hầu hết Chính phủ của các nước đều bơm vốn (bằng tiền mặt hoặc bằng trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh) cho một số ngân hàng lớn, cho các công ty xử lý nợ tập trung để ngay lập tức làm sạch sổ sách cho các ngân hàng, không gây áp lực trích lập cho các ngân hàng trong ngắn hạn, đảm bảo các ngân hàng nhận vốn đều đáp ứng các quy định về an toàn vốn để thực hiện mở rộng tín dụng cho nền kinh tế và giúp đẩy nhanh quá trình thu mua nợ của các công ty xử lý nợ tập trung.
Ngoài ra, Chính phủ các nước cũng xem xét, quyết định xóa nợ cho một số tập đoàn kinh tế nhà nước. Tất cả các khoản hỗ trợ này không mang tính bao cấp mà Chính phủ đều có các cơ chế để thu hồi. Được cấp tín dụng đúng lúc, đúng thời điểm sẽ hỗ trợ các ngân hàng, doanh nghiệp nhanh chóng thoát khỏi gánh nặng chi phí, nợ nần, khơi thông nguồn vốn tín dụng, duy trì, mở rộng sản xuất. Đồng thời, thông qua việc hỗ trợ tài chính từ Chính phủ, hệ thống ngân hàng cũng có điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, cơ chế xử lý ngoài tòa án góp phần đảm bảo quyền chủ nợ của tổ chức tín dụng, từ bài học của Italia, việc cho phép áp dụng cơ chế xử lý ngoài tòa đối với các khoản nợ có bảo đảm của doanh nghiệp (quy định martian) đã tránh được quy trình xử lý kéo dài tại tòa án và rút ngắn thời gian thu hồi nợ kéo dài hàng năm trước kia xuống chỉ còn vài tháng, tạo ra những ưu thế cho các khoản vay có thể chấp bằng động sản mà chủ nợ không nắm giữ với sự linh hoạt trong giao kết và thực hiện.
Thứ ba, về khung pháp lý cho các công ty quản lý tài sản (AMC), để các AMC hoạt động thực sự hiệu quả thì AMC phải được giao quyền lực đủ mạnh. Quyền lực của AMC phải được giao cụ thể với nguồn ngân sách nhất định, gắn với một thời hạn cụ thể để giúp xử lý các khoản nợ xấu đang ở mức cao. Đồng thời, phải xác định rõ rằng AMC là các công ty quản lý tài sản chứ không phải là kho lưu giữ nợ xấu của hệ thống tài chính.
Thứ ba, về phát triển khung pháp lý cho thị trường mua – bán và xử lý tài sản xấu. Từ bài học của Hàn Quốc cho thấy, mua bán nợ chính là một trong những biện pháp quan trọng để thoát khỏi khủng hoảng và áp lực nợ xấu. Việc tham gia của các thành phần kinh tế có chức năng kinh doanh mua, bán nợ xấu sẽ tận dụng được các nguồn lực xã hội, góp phần cùng AMC đẩy nhanh tốc độ và chất lượng xử lý nợ xấu. Nếu không có thị trường mua, bán nợ thì AMC sẽ trở thành độc quyền mà độc quyền thường dẫn đến hàng loạt các vấn đề về tính minh bạch, lợi ích nhóm, tiêu cực…
Thứ tư, xử lý nợ xấu phải đi đôi với tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là DNNN. Bài học của Hàn Quốc cho thấy, để xử lý tận gốc nợ xấu cách duy nhất là phải tái cấu trúc doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp đóng vai trò đầu tàu của nền kinh tế. Theo đó, các nước đều thành lập những cơ quan chuyên biệt tham gia mua nợ xấu của hệ thống tổ chức tài chính, từ đó, trực tiếp tham gia vào quá trình tái thiết, quản trị, từng bước nâng cao chất lượng doanh nghiệp, tạo giá trị thặng dư cho xã hội.
Thứ năm, đa dạng hóa các hình thức xử lý nợ xấu: Hàn Quốc áp dụng rất nhiều biện pháp xử lý nợ xấu từ bán buôn, bán lẻ các khoản nợ xấu cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến phát hành các chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản, bán đấu giá các khoản nợ có chủ nợ bị phá sản, bán tài sản thu hồi nợ, đấu thầu quốc tế và tái cấu trúc nợ, chuyển nợ thành vốn góp để tranh thủ trình độ quản lý, điều hành của các nguồn lực đặc biệt là nguồn lực nước ngoài để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, tái cấu trúc doanh nghiệp.