Khi được hỏi về bí quyết của sự giàu có và thành công của mình, Warren Buffett tiết lộ rằng ông luôn duy trì thói quen đọc 500 trang sách mỗi ngày, đây chính là yếu tố vô cùng quan trọng giúp ông thay đổi cuộc sống của mình.
Tuy nhiên, nếu bạn đang có một công việc nhàm chán, bận rộn và bạn không có thời gian để duy trì thói quen đọc hàng ngày như vậy, tìm cho mình một cuốn sách gối đầu giường sẽ là một lựa chọn đúng đắn. Bài viết này sẽ giới thiệu cho bạn 5 cuốn sách đã được các chuyên gia đánh giá như những mũi tên chỉ đường dẫn lối, giúp bạn có những suy nghĩ toàn diện hơn về cuộc sống, giúp cải thiện bản thân và thay đổi cuộc sống của bạn.
1. 13 điều những người có tinh thần thép không bao giờ làm – Amy Morin
Bạn không thể thoát khỏi những điều bất hạnh trong cuộc sống. Nhưng bạn có thể thay đổi cách bạn nhìn nhận và giải quyết nó. Nhà tâm lý học người Mỹ – Amy Morin cho rằng, sức mạnh tinh thần thường thể hiện qua những điều con người ta không làm. Trong cuốn sách “13 Things Mentally Strong People Don’t Do” này, nữ tác giả cho biết sức mạnh tinh thần được phản ánh qua việc kiểm soát suy nghĩ, hành vi và cảm xúc.
Chúng ta không nên coi thường bản thân, không được ngại thay đổi, bởi vì “Chần chừ càng lâu, mục tiêu càng khó đạt được. Những người khác sẽ vượt qua bạn”, nhà tâm lý học viết. Morin cũng liệt kê 4 sự thật khi bạn luôn cố gắng làm hài lòng người khác: phí thời gian, bạn là người dễ bị tác động, người khác hoàn toàn có thể tức giận hoặc thất vọng về bạn và bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người.
2. Quẳng gánh lo đi và vui sống – Dale Carnegie
Bạn cảm thấy thế nào nếu đột nhiên ai đó nói với bạn rằng sáng mai bạn sẽ gặp phải một rủi ro rất lớn. Bạn có lo lắng không? Có lẽ là có. Bạn có bao giờ tự hỏi rằng tại sao bạn không thể ngừng lo lắng về một điều gì đó không? Cho dù bạn cố gắng thế nào đi chăng nữa, thì cái suy nghĩ bất an đó vẫn cứ văng vẳng trong tâm trí bạn? Nhưng có một cách để đối phó với những lo lắng đó. Bằng cách xác định nguồn gốc của sự căng thẳng và lo âu, bạn có thể vượt qua nó một lần và nhiều lần khác nữa. Trong cuốn sách, Carnegie đã đưa ra một công thức vô tận giúp bạn giải quyết mọi tình huống khó khăn trong cuộc sống.
3. Bạn đánh giá cuộc sống của mình như thế nào? – Clayton M. Christensen, James Allworth và Karen Dillon
Khi đi làm, lúc nào bạn cũng đặt ra những mục tiêu nhất định để đánh giá hiệu quả công việc đạt được. Vậy bạn dựa trên những tiêu chí nào để đánh giá cuộc đời mình?
“How will you measure your life” là một trong những tựa sách được đánh giá cao của Clay Christensen bên cạnh “The Innovator’s Dilemma”. Thông điệp xuyên suốt của toàn quyển sách là công việc có thể dạy ta rất nhiều về cuộc sống riêng của mỗi người. Nhiều ví dụ từ các tập đoàn lớn như IKEA, Intel, Disney, Honda… được đề cập theo dạng lý thuyết, sau đó là những áp dụng vào cuộc sống đời thường như: chọn nghề để làm, gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp và nuôi dạy con cái.
4. Đi tìm nhân tố: Làm thế nào để khám phá tài năng và đam mê để thay đổi cuộc sống của bạn – Ken Robinson
Bạn đã bao giờ cảm thấy bị áp lực khi sống cuộc sống của mình theo một cách nhất định? Xã hội thường khuyến khích chúng ta tuân theo một kế hoạch tuyến tính nhất định. Chúng ta phải tốt nghiệp trung học ở tuổi 18, vào đại học, rồi làm việc theo lĩnh vực của mình, sau đó kết hôn và có con.
Quy trình này có thể đúng với một số người, nhưng đối với nhiều người trong chúng ta, nó có thể hạn chế khả năng tiềm ẩn và làm mất đi những cơ hội mà chúng ta có thể đạt được những kết quả tốt hơn. Ai cũng có những đam mê. Nếu bạn không biết đam mê của mình là gì, điều đó chỉ có nghĩa là bạn chưa khám phá ra mà thôi. Hãy tìm hiểu cách bạn có thể thoát khỏi các quy tắc nghiêm ngặt của xã hội và tìm kiếm đam mê của chính mình trong cuộc sống.
5. Trí tuệ xúc cảm – Daniel Goleman
Cảm xúc của chúng ta có thể giữ chúng ta lại không? Liệu ta có thể làm mọi thứ tốt hơn nếu cảm xúc của chúng ta bị loại bỏ và trở thành những sinh vật vô cảm?
Cuốn sách “Trí tuệ xúc cảm” (Emotional Intelligance) phác thảo bản chất của trí tuệ xúc cảm và cho chúng ta thấy những ảnh hưởng bao trùm của loại trí tuệ này lên các khía cạnh cuộc sống. Cuốn sách cũng mô tả cách thức trí tuệ xúc cảm phát triển và làm thế nào để tăng cường được năng lực này.
Nó còn đưa ra một câu trả lời cho các cách tiếp cận tập trung thái quá vào nhận thức mà trước đây đã thắng thế trong ngành tâm lý học. Cuốn sách trình bày với độc giả những cái nhìn mới về mối quan hệ giữa thành công và năng lực nhận thức, cũng như cái nhìn tổng quan đầy tích cực về khả năng của con người để cải thiện cuộc sống.