Hít thở là hoạt động cơ bản của con người. Đa số mọi người hít thở theo bản năng, không mấy ai chú ý đến kiểu thở của mình.
Những gì mọi người cho là đương nhiên chưa chắc đã đúng, ngay cả một nhịp thở đơn giản nhất. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người hiện đại thở nhanh gấp đôi người cổ đại, mỗi lần chỉ mất 3,3 giây.
Thở nông và ngắn không chỉ dễ khiến não thiếu oxy, mệt mỏi mà còn liên quan mật thiết đến tình trạng lo lắng, căng thẳng, trầm cảm, các bệnh tim mạch và mạch máu não, thậm chí là ung thư. Ngược lại, hít thở sâu lại mang lại nhiều lợi ích bất ngờ cho sức khỏe, giúp kéo dài tuổi thọ của con người.
Bài tập kéo dài tuổi thọ đơn giản nhất – hít thở sâu
Hít thở sâu mang lại 5 lợi ích chính cho sức khỏe:
1. Tăng dung tích phổi
Vào đầu những năm 1990, sau 30 năm nghiên cứu, các nhà khoa học tại Đại học Y khoa Boston đã kết luận rằng “dung tích phổi có thể dự đoán tuổi thọ”.
Nguyên nhân là do dung tích phổi liên quan mật thiết đến chức năng cơ thể, khả năng trao đổi chất, đồng thời liên quan đến tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh tim mạch. Hít thở sâu là một cách tốt để rèn luyện sức chứa của phổi.
Khi bạn hít thở sâu, lồng ngực sẽ mở rộng hơn và lượng oxy hít vào nhiều hơn. Các cơ quan khác nhau của cơ thể được cung cấp đầy đủ oxy, hoạt động tốt hơn, từ đó con người có thể kéo dài tuổi thọ thêm vài năm.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
2. Giảm huyết áp
Một nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia cho thấy rằng hít thở sâu dưới 10 lần mỗi phút sẽ làm thư giãn và giãn nở các mạch máu, từ đó có thể giúp giảm huyết áp. Các nhà nghiên cứu chỉ ra hít thở sâu 3 lần vào buổi sáng, trưa và tối, mỗi lần 10 phút có thể giúp giảm huyết áp.
3. Giúp đi vào giấc ngủ
Những người ngủ không ngon giấc rất dễ bị phân tâm, và bằng cách điều chỉnh nhịp thở sẽ giúp ổn định tâm trạng và dễ ngủ hơn.
4. Phòng và điều trị các bệnh về đường hô hấp
Hít thở sâu có thể giúp bệnh nhân bị viêm phế quản mãn tính, hen suyễn, khí phế thũng và các bệnh khác loại bỏ khí cacbonic ra ngoài và giúp giảm bệnh tật.
Phổi của những bệnh nhân mắc các bệnh này luôn trong tình trạng kém đàn hồi và giãn nở, gây ảnh hưởng đến dung tích phổi. Hít thở sâu có thể làm tăng dần lực co cơ, có lợi cho sự giãn nở của lồng ngực và phổi, nâng cao sức sống của cơ liên sườn, có thể dần dần khôi phục tính đàn hồi và năng lực sống của phổi, từ đó bệnh tật thuyên giảm.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
5. Giảm thiểu và ngăn ngừa ung thư
Khi con người chủ động điều chỉnh độ sâu và tần số thở có thể giúp cơ thể thư giãn, tránh thần kinh căng thẳng và giảm lo lắng một cách hiệu quả. Một tâm hồn cởi mở và tâm trạng vui vẻ chính là “kẻ thù tự nhiên” của tế bào ung thư.
5 dấu hiệu cho thấy bạn thở sai cách
Cơ thể con người có thể xuất hiện một số vấn đề sức khỏe nhỏ do cách thở sai. Có hai kiểu thở sai phổ biến sau:
– Thở bằng miệng: Nhiều người thường dùng miệng để thở thay vì dùng mũi. Hệ hô hấp sẽ nhận được nhiều oxy hơn mức cần thiết, giải phóng nhiều khí cacbonic hơn. Điều này không những khiến cơ thể dễ rơi vào trạng thái hồi hộp, đánh trống ngực mà còn làm cho miệng bị khô và có mùi khó chịu.
– Thường xuyên nín thở trong vô thức: Một số người thường xuyên nín thở một cách vô thức do áp lực công việc cao, lo lắng,…dẫn đến tình trạng căng thẳng tăng đột ngột.
Nếu bạn thở chưa đúng cách, cơ thể sẽ có 5 biểu hiện sau:
1. Tăng số lần thở dài
Do thường xuyên nín thở trong vô thức, cơ thể sẽ thở dài theo bản năng để bù lại lượng oxy thiếu hụt.
2. Ngáp thường xuyên
Ngáp là một hoạt động thở sâu theo phản xạ có điều kiện, một phản ứng sinh lý của quá trình hoạt động não bộ khi một người mệt mỏi. Nếu bạn thường xuyên ngáp, điều đó có nghĩa là gần đây hơi thở của bạn nông và ngắn, không đạt tiêu chuẩn.
3. Nghiến răng khi ngủ
Thở không đúng cách thường kèm theo biểu hiện nghiến răng khi ngủ. Nếu xuất hiện dấu hiệu này thì cơ thể bạn đang trong trạng thái căng thẳng cao. Điều này nhắc nhở bạn nên hít thở sâu để lấy lại cân bằng.
4. Đau mỏi cơ vùng vai gáy
Khi thở nông, các cơ ở vai, cổ và gáy phải hoạt động nhiều hơn giúp mở rộng lồng ngực để làm tăng lượng không khí đi qua phổi. Điều này lặp lại và kéo dài sẽ tạo ra sự co cứng và cảm giác nhức mỏi của nhóm cơ này.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
5. Thường xuyên mệt mỏi
Một trong những tác nhân gây ra tình trạng mệt mỏi mãn tính là cách thở sai cách, điều này cũng ảnh hưởng đến quá trình thu nạp năng lượng của cơ thể.
Hơi thở đủ tiêu chuẩn
Trong cuộc sống hàng ngày, một hơi thở đủ tiêu chuẩn cần đáp ứng được 4 điều kiện sau:
1. Thở bằng mũi
Việc thở bằng miệng sẽ khiến không khí không được lọc và điều hòa trước khi vào phổi, làm tăng gánh nặng cho phổi. Vì vậy, bạn cần thở bằng mũi vì trong lỗ mũi nhiều lông có tác dụng cản bớt bụi trong không khí khi ta hít vào. Mũi còn có nhiều tuyến tiết dịch nhầy để cản bụi, diệt khuẩn và tạo độ ẩm. Ngoài ra, trong mũi còn có nhiều mao mạch để sưởi ấm không khí khi hít vào phổi.
2. Thời lượng: 6,4 giây một lần tốt nhất
Cơ thể con người nên điều chỉnh nhịp thở đều đặn, biên độ thở trung bình, tránh thở quá nhanh hoặc quá chậm. Thời lượng tốt nhất tương đương với khoảng 6,4 giây mỗi lần trong khi người hiện đại chỉ mất 3,3 giây để thở một lần.
3. Chiều sâu: Thở ra và hít vào hết cỡ
Khi hít vào, hít càng sâu càng tốt để không khí tràn vào phế nang, khi thở ra phải thở thật mạnh để ép hết khí cacbonic ở đáy phổi ra ngoài cơ thể. Hít thở sâu có thể đảm bảo trao đổi nhiều khí và hiệu quả hơn.
4. Nhịp thở đều đặn
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Phổi của con người giống như quả bóng bay, việc hít thở cũng có thể thực hiện chức năng co giãn và thông khí của phổi. Những thói quen như hít một hơi thật lớn, nín thở khi căng thẳng, thở hổn hển không tốt cho sức khỏe của phổi, bên cạnh đó còn khiến bạn dễ bị chóng mặt và đau đầu.
Phương pháp luyện thở
Zhi Xiuyi, giám đốc trung tâm chẩn đoán và điều trị ung thư phổi thuộc Đại học Y khoa Thủ đô, khuyến nghị một phương pháp luyện thở rất đơn giản.
Cách thực hiện: Hít chậm, sâu và giữ hơi thở của bạn trong 10-20 giây, sau đó thở ra từ từ. Quá trình này phải thực hiện đều đặn và nhẹ nhàng nhất có thể. Thực hiện luyện thở từ 2-3 lần/ngày, trong vòng 3-10 phút mỗi lần giúp rèn luyện và nâng cao sức khỏe phổi.
Bạn có thể thực hiện phương pháp hít thở sau trên đây cho nhiều mục đích khác nhau như: phòng bệnh, chữa bệnh, bồi bổ cơ thể, giảm căng thẳng hay cải thiện giấc ngủ.
Lưu ý:
– Nên hít thở sâu ở nơi ấm áp, không có gió, cách xa đường đi, nhất là đối với những người mắc bệnh về đường hô hấp.
– Đối với những người bị bệnh tim mạch vành và xơ cứng động mạch não, việc hít thở sâu quá mức có thể gây thiếu máu cơ tim, không cung cấp đủ máu lên não, thậm chí là nhồi máu cơ tim nặng.
(Theo udn)