Ngày 8-3, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tình hình tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều hình thức tinh vi, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự, đặc biệt tại các tỉnh, TP khu vực phía Nam và Tây Nguyên. Các đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen chủ yếu dùng tờ rơi tiếp thị với nhiều hình thức khuyến mại hấp dẫn để thu hút người vay, như vay không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, nhận tiền ngay. Nhưng thực tế, người vay phải trả lãi suất rất cao – từ 282%-365%/năm, nhiều trường hợp không có khả năng trả nợ do lãi mẹ đẻ lãi con.
Để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen, ngành NH sẽ tiếp tục đẩy mạnh tín dụng phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân. Khuôn khổ pháp lý sẽ được hoàn thiện nhằm đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng của các NH thương mại. Ngành NH sẽ nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành chính sách mới về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo theo hướng mở rộng đối tượng cho vay, hạn chế việc tìm đến nguồn tín dụng đen… NHNN kỳ vọng với những giải pháp mở rộng tín dụng của ngành NH và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân sẽ hiểu, nhận diện và dần bài trừ nạn tín dụng đen.
Tín dụng đen, cho vay nặng lãi hoành hành khắp các tỉnh, thành thời gian qua Ảnh: Tấn Thạnh
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, cho biết tín dụng đen thường gắn với hành vi xã hội đen khi thu nợ, lãi suất cắt cổ. Vì thế, ngành NH xác định làm sao để người dân có nhu cầu chính đáng, đột xuất, cấp thiết trong đời sống, sinh hoạt có thể tiếp cận tín dụng chính thức. “Khi tiếp cận được tín dụng chính thức, người dân sẽ không tìm đến tín dụng đen và loại hình này cũng không có cơ hội tiếp cận người dân. Agribank đang triển khai gói tín dụng 5.000 tỉ đồng cho vay tiêu dùng để đẩy lùi tín dụng đen và bước đầu có kết quả tích cực” – Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết sẽ triển khai 5 giải pháp trọng tâm nhằm đẩy lùi tín dụng đen. Trong đó, sửa đổi Thông tư 43 về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động; tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động của loại hình này như quy định về quy mô, điều kiện kinh doanh, phạm vi địa bàn, khuôn khổ lãi suất… để ngăn chặn tình trạng và nguy cơ mất an toàn, tiếp tay cho tín dụng đen hoạt động… Khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn NH của người dân; phát triển các sản phẩm cho vay tín dụng tiêu dùng lành mạnh, đặc biệt là sản phẩm tín dụng trong sinh hoạt đối với các vùng công nghiệp, khu vực đông dân.
Bên cạnh đó, sửa đổi Thông tư 39/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng nhằm quy định tách bạch hoạt động cho vay phục vụ đời sống và cho vay tiêu dùng cá nhân của các NH thương mại, tạo điều kiện để các NH mở rộng cho vay tiêu dùng cá nhân. Đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện quy định về cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm.
Ngoài ra, NHNN cũng sẽ phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương cùng các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin về chủ trương của Đảng, nhà nước, quy định của ngành NH về các chương trình chính sách tín dụng, cách thức tiếp cận vốn vay; đồng thời cảnh báo các thủ đoạn của các đối tượng, tổ chức cho vay nặng lãi cũng như những hệ lụy nặng nề mà tín dụng đen gây ra.