Nước chanh rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên mắc những sai lầm dưới đây khi tiêu thụ có thể gây loét dạ dày, ảnh hưởng hoạt động của đường tiêu hóa.
Hiếm có loại nước nào vừa ngon lành, bổ dưỡng mà lại dễ pha chế như nước chanh ấm. Vào buổi sáng, đồ uống này là lựa chọn hoàn hảo cho những người muốn giảm cân, giữ dáng, làm đẹp da và tăng cường khả năng chống oxy hóa.
Theo tờ Fitness Engage, nước chanh ấm là thức uống có lợi cho sức khỏe, từ công dụng giảm cân đến phòng ngừa ung thư, chống lại nhiều căn bệnh nguy hiểm như sỏi thận, nhiễm trùng tiết niệu, giải tỏa căng thẳng. Nước chanh rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên mắc những sai lầm dưới đây khi tiêu thụ có thể gây loét dạ dày, ảnh hưởng hoạt động của đường tiêu hóa.
5 điều cấm kỵ khi uống nước chanh ấm vào buổi sáng
1. Bệnh nhân lạnh trong người, mệt mỏi vẫn uống nước chanh
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội): Trong Đông y, quả chanh vị chua, tính mát. Người bệnh hàn âm (thiếu dương khí), lạnh trong người, thường xuyên mệt mỏi phải cẩn trọng khi uống nước chanh vì có thể khiến bệnh nặng hơn. Chẳng hạn như khiến người bệnh càng thêm lạnh, dễ mệt mỏi và bị cảm hàn, cứng các khớp ngón tay, đau dây thần kinh.
Ngoài ra, tính chua trong chanh cũng là nguyên nhân làm viêm loét dạ dày, đại tràng nếu lạm dụng nước chanh.
Trong Đông y, quả chanh vị chua, tính mát.
2. Pha nước cốt chanh với nước quá nóng
Uống nước chanh quá nóng sẽ phá hủy các enzym có lợi trong chanh, làm mất đi giá trị dinh dưỡng. Tốt hơn cả là nên pha nước cốt chanh với nước ấm, nhiệt độ tương đương thân nhiệt cơ thể.
Sue Mah, chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu của Canada hướng dẫn cách pha nước chanh ấm cho buổi sáng như sau: Lấy một ly nước ấm khoảng 240ml, gồm 6 phần nước sôi và 4 phần nước lạnh. Sau đó vắt 1/2 quả chanh vào cốc nước sau đó khuấy đều. Cuối cùng thả luôn vỏ chanh vào, ngâm một thời gian là có thể uống được.
3. Uống nước chanh lúc bụng rỗng
Nước chanh có hàm lượng axit cao, nếu uống lúc đói bụng vào buổi sáng sẽ ảnh hưởng không tốt đến đường tiêu hóa. Nếu thói quen lặp lại nhiều lần, trong thời gian dài sẽ khiến dạ dày bị axit ăn mòn gây ra viêm, loét, đau quặn thậm chí xuất huyết bao tử .
Nước chanh có hàm lượng axit cao, nếu uống lúc đói bụng vào buổi sáng sẽ ảnh hưởng không tốt đến đường tiêu hóa.
Chính vì vậy, mọi người nên uống một cốc nước ấm để làm loãng độ nhớt của máu, ăn uống nhẹ nhàng sau đó mới nghĩ đến việc uống nước chanh ấm.
4. Uống quá nhiều nước chanh ấm trong một lúc
Nước chanh ấm là thức uống bổ dưỡng, nổi tiếng với nhiều công dụng cho sức khỏe và làm đẹp da. Nếu mỗi ngày uống một cốc nước chanh ấm sẽ tăng cường khả năng kháng khuẩn, nâng cao sức khỏe miễn dịch và đào thải độc tố dễ dàng.
Dù nước chanh có lợi như vậy nhưng không nên uống quá nhiều bởi sẽ kích ứng chứng ợ nóng. Theo Medical News Today, sử dụng quá nhiều nước chanh có thể làm trầm trọng thêm các bệnh dạ dày thông thường như bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và trào ngược axit.
Thông thường, mỗi người chỉ nên uống tối đa 2 ly nước chanh/ngày. Ngoài ra, nước chanh có thể làm hại men răng, vì vậy tốt nhất nên uống bằng ống hút, rồi súc miệng lại bằng nước lọc.
5. Bị loét miệng vẫn tiếp tục uống nước chanh ấm
Uống nước chanh ấm trong khi loét miệng, nhiệt miệng là một hình thức làm vết thương thêm nghiêm trọng. Theo Hiệp hội Nha khoa Mỹ, vết loét miệng thường sẽ lành sau 1 – 2 tuần, cần hạn chế uống nước chanh trong thời điểm này. Tính axit cao trong chanh có thể kích thích bệnh nặng hơn dù vết loét rất bé.