Bạn không nhất thiết phải có đủ 5 “ngôn ngữ” trong tình yêu để duy trì một mối quan hệ hạnh phúc. Điều quan trọng để duy trì mối quan hệ nằm ở việc hai người phải cùng nói chung một “ngôn ngữ”.
“5 ngôn ngữ tình yêu” là một cuốn sách nổi tiếng của tác giả Gary Chapman. Khái niệm “ngôn ngữ” trong tình yêu không chỉ là những lời nói. Ngôn ngữ tình yêu là cách bạn thể hiện và trải nghiệm tình yêu. Ở đây là sự đồng điệu, thấu hiểu và tương tác với nhau qua một “cách thức”. Lấy ví dụ từ sự khác biệt ngôn ngữ giữa các quốc gia; khi hai người dù yêu nhau nhưng một người nói tiếng Anh, một người nói tiếng Trung để bày tỏ cảm xúc của mình thì dù trong lòng họ có đam mê nồng cháy thế nào cũng khó có thể truyền tải được thông điệp mình muốn.
Tất nhiên, tình yêu được củng cố, trao đổi, chia sẻ bằng tới 5 ngôn ngữ chứ không chỉ đơn thuần là lời nói. Bạn có thể không cần sử dụng cả 5 ngôn ngữ tình yêu trong mối quan hệ nhưng chí ít, phải hiểu đối phương đang sử dụng ngôn ngữ nào để hồi đáp phù hợp. Tình yêu có bền vững hay không đều nằm ở việc liệu hai người có chung một “tiếng nói” để biết cách khiến người yêu hạnh phúc.
Ngôn ngữ thứ nhất: Những từ ngữ yêu thương
Chúng ta dễ hiểu một con người nhất, đặc biệt là người mình yêu qua lời nói. Đó là lý do “những từ ngữ yêu thương” là ngôn ngữ tình yêu đầu tiên được nhiều người sử dụng nhất. Với đa số mọi người, nói lời yêu ai đó vốn không phải điều khó khăn. Bạn thực hành những lời yêu thương hàng ngày với người thương: “Anh yêu em”, “em nhớ anh lắm” hay “Mình thương cậu thật nhiều”…
Nhưng vì đó là điều dễ dàng nhất với đa số mọi người, lời nói dường như trở thành không đủ trong các mối quan hệ. Yếu tố nền tảng từ ngữ yêu thương không còn đủ trong cuộc sống hiện đại khi chủ nghĩa vật chất, sự đòi hỏi nhiều trải nghiệm ngày càng yêu cầu các cặp đôi cần đa dạng hóa hình thức thấu hiểu, gắn kết. Không chỉ trong tình yêu, chúng ta thường không quá coi trọng những thứ dễ dàng đạt được. “Anh yêu em” có thể mào đầu cho một mối quan hệ nhưng để đi đến những chân trời tình yêu xa hơn, cần nhiều hơn là lời nói.
Với văn hóa Á Đông, ngược lại, việc nói lời yêu thương không phải điều dễ dàng, nhất là thế hệ đi trước. Hiểu ngôn ngữ tình yêu, người ta thấy đó là điều quan trọng trong cả các mối quan hệ gia đình giữa bố mẹ với con cái, giữa những người bạn thân. Chúng ta có thể thấy những đứa trẻ phương Tây nói “con yêu mẹ” hay bố mẹ nói lời cảm ơn con cái dễ dàng. Hóa ra, ngôn ngữ yêu thương với nhiều người cũng không đơn giản. Vậy với nhiều người phương Đông, trong câu chuyện tình yêu của thế hệ cũ, tình yêu được trao đổi và gửi gắm qua ngôn ngữ gì?
Ngôn ngữ thứ hai: Hành động quan tâm
Bạn chắc hẳn đã từng nghe những câu kiểu: “Em không muốn anh chỉ nói, em muốn thấy những điều anh thực sự làm được”. Gary Chapman gọi đó là “Acts of Service” – những hành động thể hiện sự quan tâm hỗ trợ nhau trong tình yêu và cuộc sống, từ những cử chỉ đơn giản, ý nhị như xách đồ hộ, nấu một nồi cháo khi ốm cho đến những hỗ trợ lớn hơn, gánh vác trách nhiệm cùng nhau trong việc cùng nuôi dạy con cái.
Mệt mỏi vì phải nghe những câu nói trót lưỡi đầu môi, nhiều người mong muốn thấy hành động ở người yêu mình. “Em cần anh quan tâm em hơn” – hãy để ý tới những điều em mong muốn dù em chưa nói, dẫn em đi quán ăn em yêu thích mà không suốt ngày hỏi “em muốn ăn gì”. Hành động quan tâm là một phổ rộng, đôi khi bao trùm cả những ngôn ngữ khác. Ở mức lý tưởng, nhiều người coi đó có thể là sự hy sinh vì nhau trong tình yêu.
Hãy nói về tình yêu gia đình một chút với ngôn ngữ này. Những bậc bố mẹ châu Á không mạnh thể hiện ngôn ngữ yêu thương nhưng luôn theo sát con cái cùng vô vàn hành động quan tâm. Từng có bài viết chia sẻ về câu chuyện “Gọt hoa quả và sự yêu thương ngọt ngào của người châu Á”. Bà mẹ châu Á đôi khi lúng túng để nói câu “Mẹ yêu con” nhưng những đĩa hoa quả được gọt và bày chỉn chu trên đĩa, khẽ khàng đưa vào bàn khi con đang học là một trong những “Acts of Service” tuyệt vời nhất trên đời.
Ngôn ngữ thứ ba: Khoảng thời gian ý nghĩa
Để thể hiện tình yêu, sự công nhận và khiến ai đó hạnh phúc trong tình yêu, đôi khi lời nói và hành động hỗ trợ, giúp đỡ, gánh vác trách nhiệm không phải điều quan trọng nhất. Sự cần thiết của những khoảng thời gian có ý nghĩa, chất lượng (Quality time) là cách để hai người thực sự cảm nhận sự hiện diện của mình trong cuộc đời đối phương.
Có một ví dụ rất nhỏ ở trong rạp chiếu phim. Bạn có bao giờ để ý rằng, thường sẽ có một người đứng mua vé xem phim và một người đứng chờ không? Tuy nhiên, có những cặp đôi luôn đứng cạnh nhau khi cùng mua vé xem phim: Họ không “thừa thời gian” hay “rảnh nhỉ”, chỉ là họ muốn tối ưu hóa những khoảng thời gian có thể dành cho nhau.
Khoảng thời gian có chất lượng trong một mối quan hệ là khi mỗi người thực sự tập trung vào đối phương, dù bên nhau dài hay ngắn. Bạn chủ động úp chiếc điện thoại xuống mặt bạn khi nói chuyện với người yêu, bạn tắt máy tính mỗi tối ở với nhau để tập trung xem phim hay cùng nhau nấu nướng. Những sáng chủ nhật rảnh rỗi, hai người không cần làm gì lớn lao, chỉ đơn giản nằm cạnh nhau, nhỏ to vài câu chuyện.
Hỏi những người yêu xa, họ sẽ biết đây là ngôn ngữ tình yêu hiệu quả với họ để giữ lửa cho một mối quan hệ. Khi khoảng cách khiến họ chỉ có thể gặp nhau vài lần trong một năm, họ biết điều mình cần thực sự khi ở cạnh nhau không chỉ là lời nói, hành động quan tâm mà thực sự là những giây phút quý giá.
Ngôn ngữ thứ tư: Những món quà
Nên tách biệt những món quà ra khỏi Hành động quan tâm để thấy được rằng, cuộc sống vật chất ở thời điểm hiện tại là yếu tố không thể coi nhẹ trong chuyện tình cảm. Khoan bàn rằng mưu cầu vật chất trong mối quan hệ là đúng hay sai. Nếu bạn đang cần tìm những chỉ số báo hiệu tình trạng khỏe mạnh của mối quan hệ, việc tặng và nhận quà (Receiving gifts) là yếu tố quan trọng cần được quan tâm.
Nếu để ý những quảng cáo tiêu dùng hiện đại, bạn có thể dễ dàng thấy các chuyên gia marketing chú trọng vào ngôn ngữ này để thúc đẩy việc bán hàng: “Trao tặng…, trao yêu thương”, “Hãy mua món quà ý nghĩa này cho người bạn yêu nhất”… Nhu cầu về vật chất lúc nào cũng lớn trong các mối quan hệ – đó vừa là cách thể hiện sự quan tâm, vừa là cách để thẩm định khả năng tài chính của một người nếu muốn xây dựng mối quan hệ lâu dài.
Bạn có thể không cần nói những lời “sến sẩm”, nhiều cô nàng cũng không thích các anh chàng “tủn mủn” chỉ biết đón đi học, làm bài tập hộ và thậm chí; ở bên nhau quá lâu cũng khiến họ chán ngán để tập trung vào khoảng thời gian dành cho nhau. Điều họ cần là những món quà, hiểu rộng hơn là cả vật chất và tinh thần (dù thiên về vật chất).
Ngôn ngữ thứ năm: Những giao tiếp cơ thể
Có khó quá không khi nghĩ về giao tiếp cơ thể mà không nghĩ về quan hệ tình dục? Trên thực tế, tình dục là một yếu tố quan trọng nhiều người mong muốn trong mối quan hệ. Nhưng có những giao tiếp “mềm” hơn và thực sự cần thiết hơn trong tình yêu; dù là tình cảm bố mẹ con cái, tình cảm cặp đôi, tình cảm bạn bè cũng đều cần thiết. Đó là những cái ôm, vỗ vai, cái khẽ chạm tay khi ai đó gặp chuyện buồn hay cả việc bạn… mát-xa cho người đồng nghiệp yêu quý giữa giờ giải lao chẳng hạn?
Ngôn ngữ cơ thể luôn có sức mạnh rất lớn cả về cảm xúc, tinh thần và năng lượng. Những giao tiếp cơ thể (Physical touches) được Gary Chapman đánh giá cao vì ông hiểu rằng, “chạm” là giác quan nhạy cảm và tinh tế nhất với con người. Người ta nói rằng một cái ôm truyền đi nhiều năng lượng hơn cả lời nói – tất nhiên trong sự cho phép và chừng mực để cả hai đều thấy thoải mái. Nhiều người cần một cái ôm hơn bất cứ điều gì, đặc biệt là những người đã từng trải qua những sự thiếu thốn, mất mát tình cảm. Lâu rồi, họ dần quên cảm giác được ai đó an ủi vỗ về.
Cái ôm khi con mới chào đời của người mẹ nuôi dưỡng thứ tình cảm thiêng liêng của toàn nhân loại: Tình mẫu tử. Cái vỗ vai khi người thân của người bạn yêu thương qua đời giúp họ thấy nhẹ lòng, sẵn sàng giũ bỏ những cảm xúc tiêu cực. Bạn đã từng chờ người yêu đi đâu xa về ở sân bay, dành cho nhau một cái ôm thật chặt – cái ôm quan trọng hơn cả quà, cả lời yêu thương? Đó là những biểu hiện của ngôn ngữ tình yêu thứ 5 rất đỗi quan trọng trong tình yêu của mỗi người.
***
Chúng ta yêu nhau bằng nhiều cách, thể hiện tình cảm qua nhiều phương thức nhưng đều tựu chung ở những điểm tương tự như trên. Bạn không cần phải thực hành và duy trì cả 5 ngôn ngữ tình yêu trong một mối quan hệ nhưng cần hiểu rõ cách nào sẽ khiến đối phương hạnh phúc để sử dụng đúng thứ “ngôn ngữ”. Không có công thức đảm bảo cho tình yêu hạnh phúc lâu bền nhưng sẽ có cách để bạn đi đúng đường trên hành trình dài chông chênh và vạn biến mang tên tình yêu.