5 nguyên tắc cơ bản của đầu tư giá trị

Trong khi phần lớn các nhà đầu tư đã sẵn sàng để bán ra cổ phiếu, các nhà đầu tư giá trị có lẽ đang chờ đợi khủng hoảng xảy ra để có cơ hội mua vào những cổ phiếu có giá trị tốt ở những mức giá thấp bất ngờ.

TIN MỚI

Trong lịch sử thị trường mua bán cổ phiếu, triết lý đầu tư giá trị là một trong những phương pháp đầu tư có hệ thống được hình thành sớm nhất và có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong lịch sử. Được giảng dạy lần đầu vào những năm 1930 bởi Benjamin Graham và David Dodd, hai giáo sư tài chính của Đại học Columbia, phương pháp này nhanh chóng được Warren Buffett – vị tỷ phú giàu thứ ba trên thế giới và chỉ từ hoạt động mua bán cổ phiếu – tuyệt đối tin tưởng.

Đến nay đã có nhiều triết lý lựa chọn cổ phiếu mới với những cơ sở lý luận chặt chẽ ra đời và phát triển, chẳng hạn như đầu tư tăng trưởng hay đầu tư theo chỉ số. Mặc dù vậy, đầu tư giá trị vẫn là một trong những phương pháp có tác động lớn nhất tới những người tham gia thị trường, bất kể các nhà đầu tư cá nhân cho tới quỹ đầu tư chuyên nghiệp.

5 nguyên tắc cơ bản của đầu tư giá trị

Thứ nhất, mỗi cổ phiếu đều có một giá trị nội tại (intrinsic value). Khái niệm giá trị nội tại xuất phát từ việc mỗi cổ phiếu là đại diện cho một phần quyền sở hữu trong công ty. Với vị thế cổ đông – chủ sở hữu – của công ty, nhà đầu tư có quyền được phân chia lợi nhuận và hưởng những lợi ích khác mà hoạt động kinh doanh của công ty tạo ra. Do đó, nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu sẽ nhận được một dòng tiền (và các lợi ích khác) trong tương lai. Tổng giá trị của dòng tiền và lợi ích đó quy về hiện tại chính là giá trị nội tại của cổ phiếu.

Thứ hai, luôn luôn mua cổ phiếu ở một mức biên an toàn (margin of safety). Ai cũng ưa thích việc mua hàng khi đang giảm giá. Hoàn toàn tương tự trong việc mua bán cổ phiếu, nhà đầu tư thông thái luôn là người muốn mua được cổ phiếu ở mức giá thấp hơn đáng kể so với giá trị của nó, thường chỉ xuất hiện khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng khủng hoảng. Mức chênh lệch thấp hơn đó chính là biên an toàn, tức là một khoảng cách an toàn để phòng ngừa rủi ro giá trị nội tại của cổ phiếu bị sụt giảm so với giá trị tại thời điểm nhà đầu tư mua vào. Tùy vào mức độ thận trọng, mỗi nhà đầu tư chấp nhận một mức biên an toàn khác nhau. Benjamin Graham – cha đẻ của lý thuyết đầu tư giá trị – thậm chí chỉ mua cổ phiếu khi giá thị trường giảm còn một nửa so với giá trị nội tại.

Thứ ba, giả thuyết thị trường hiệu quả là không chính xác. Lý thuyết này được đề cập lần đầu từ những năm 1900 bởi nhà toán học người Pháp và đặc biệt trở nên nổi bật vào thập niên 60 sau khi nhà kinh tế học nổi tiếng Paul Samuelson hoàn thiện cơ sở lý luận về nó. Lý thuyết cho rằng giá cả thị trường của cổ phiếu luôn phản ánh đầy đủ những lợi ích hiện tại và tương lai mà những người nắm giữ cổ phiếu sẽ nhận được. Những người phản đối lý thuyết này cho rằng, nếu giá cả thực sự phản ánh đúng giá trị nội tại, thì tại sao lại xuất hiện những phiên giá sụt giảm mạnh, thậm chí cả thị trường mất tới hơn 20% giá trị vốn hóa (như đã từng xảy ra trong năm 1987). Liệu giá trị nội tại của doanh nghiệp có thể thay đổi nhanh chóng trong một thời gian ngắn như vậy hay không? Gần đây, việc thị trường chứng khoán thế giới cũng như Việt Nam diễn ra những biến động mạnh trong phiên cũng là những minh chứng cụ thể chống lại lý thuyết thị trường hiệu quả.

Thứ tư, không mua bán theo đám đông. Như Warren Buffett từng nói “hãy tham lam khi người khác sợ hãi, và sợ hãi khi người khác tham lam”. Nhà đầu tư giá trị chỉ quan tâm đến giá trị thực sự của cổ phiếu. Thay vì phán đoán tâm lý đám đông, họ cố gắng để hiểu hoạt động kinh doanh, ban lãnh đạo và triển vọng của doanh nghiệp trong tương lai.

Thứ năm, kiên nhẫn và cẩn trọng. Nhà đầu tư giá trị chỉ hành động khi cơ hội xuất hiện. Họ sẵn sàng bỏ qua hàng loạt cơ hội và không có thêm một khoản đầu tư nào trong suốt thời gian dài, mặc dù thị trường diễn biến rất tốt. Chính vì thế, những nhà đầu tư giá trị vĩ đại như Warren Buffett rất ít khi giải ngân, nhưng mỗi lần giải ngân thường là những khoản đầu tư có giá trị lớn.

Tất nhiên, việc thực hành các triết lý đầu tư giá trị là không hề đơn giản. Ngoài hiểu biết toàn diện về đánh giá doanh nghiệp, nhà đầu tư cần có bản lĩnh vững vàng để giữ tâm trí mình độc lập trước hành động của đám đông. Nhà đầu tư cần tỉnh táo khi xem xét diễn biến của thị trường để vừa nắm bắt được tâm lý thất thường của Ngài Thị Trường, vừa kiểm soát được lý trí của bản thân.

Hiện nay, hầu hết các thị trường trên thế giới đều đang giao dịch ở mức cao kỷ lục trong lịch sử. Nhà đầu tư chứng kiến những phiên giao dịch mà giá cổ phiếu có những biến động lớn ngay trong phiên. Facebook, công ty có vốn hóa gần 500 tỷ USD đã mất gần 10% giá trị chỉ trong một phiên (19/3) ngay sau khi rò rỉ thông tin về vụ bê bối dữ liệu với Cambridge Analytica – một công ty nghiên cứu tại Anh. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác trên thế giới cũng trải qua các dao động tương tự trong thời gian này. Rõ ràng, giá trị nội tại của doanh nghiệp không thể thay đổi chóng mặt trong một thời gian ngắn như vậy.

Lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và chiến tranh quân sự Mỹ – Syria sẽ đẩy mức biến động lên cao hơn nữa. Thậm chí, đây có thể là giọt nước tràn ly khiến các thị trường chứng khoán đảo chiều, sau khi đã tăng trong suốt cả thập kỷ.

Trong khi phần lớn các nhà đầu tư đã sẵn sàng để bán ra cổ phiếu, các nhà đầu tư giá trị có lẽ đang chờ đợi khủng hoảng xảy ra để có cơ hội mua vào những cổ phiếu có giá trị tốt ở những mức giá thấp bất ngờ.

Warren Buffett từng nói “Khi chiến tranh xảy ra, hãy mua cổ phiếu”!

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin