5 sai lầm lớn dễ khiến bạn ‘đau ví’

Tập trung quá nhiều vào tiết kiệm, không thường xuyên theo dõi chi tiêu, vội vàng mua sắm là những sai lần lớn khi quản lý tiền bạc.

Những sai lầm về quản lý tiền bạc hàng ngày có vẻ nhỏ nhưng cứ tiếp diễn, càng về sau chúng càng để lại hậu quả lớn hơn. Các chuyên gia nghiên cứu về hành vi tài chính cá nhân tại Đại học Bang Kansas (Mỹ) đã chỉ ra những sai lầm phổ biến nhất mà mọi người mắc phải và những điều cần làm để khắc phục.

Tập trung quá nhiều vào việc tiết kiệm

Đây được xem là sai lầm phổ biến nhất. Thay vào đó, hãy dành khoảng trống trong ngân sách để chi tiêu thoải mái. Tiến sĩ tài chính Blain Pearson cho biết: “Nếu bạn chỉ tập trung vào việc lập ngân sách, cố gắng tiết kiệm tối đa, bạn sẽ kiệt sức”.

Mọi người thường không mất nhiều thời gian để “vượt qua cảm giác tội lỗi” khi tiêu tiền, đặc biệt là số tiền mà bản thân đã tiết kiệm để mua một món hàng đặc biệt. Về mặt tâm lý, cảm giác đó nhẹ nhàng hơn nhiều so với việc bỏ lỡ niềm vui trong cuộc sống. Tiến sĩ cảnh báo rằng, việc tập trung quá nhiều vào số tiền trong tài khoản có thể sẽ khiến bạn bỏ lỡ các kết nối xã hội, những trải nghiệm thú vị và chúng chỉ có một lần trong đời.

Mặc dù việc mua bảo hiểm và tiết kiệm rất quan trọng, theo Pearson, chúng ta hãy coi tiền như một công cụ giúp tận hưởng cuộc sống, thay vì một thứ để ám ảnh.

Không theo dõi chi tiêu

Tiến sĩ tài chính Megan McCoy cho biết: “Nhiều người không có khả năng quản lý tiền của mình, vì vậy họ chỉ biết né tránh thay vì nhìn vào nó”. Theo cô, điều đó là sai lầm. Mỗi người cần nhìn vào các con số trong tài khoản của mình năm phút mỗi ngày.

Cô chia sẻ câu chuyện về việc sinh viên của mình, họ thường thuê xe máy điện mới lắp trong khuôn viên trường. Mỗi buổi thuê chỉ 5-7 USD, các sinh viên này không nhận ra rằng số tiền tích lũy tăng nhanh như thế nào. Chỉ một thời gian sau, họ đã tiêu hết tiền vào xe máy điện.

“Theo dõi chi tiêu có thể giúp bạn nhận ra món hàng bạn thích liệu có đáng giá hay không, tiêu tiền cho việc này có làm bạn hạnh phúc hay bạn không nhận được bất kỳ niềm vui nào từ việc này”, cô nói.

Thay vì mơ hồ về chi tiêu của mình, tiến sĩ đề xuất sử dụng một ứng dụng hoặc bỏ tiền tiết kiệm vào phong bì hoặc bất cứ thứ gì phù hợp để theo dõi xem, tiền của bạn đã chảy ra đâu. Dành ít nhất năm phút mỗi ngày có thể tạo ra tác động to lớn.

Không có thói quen theo dõi chi tiêu là một trong những sai lầm lớn khi quản lý tài chính cá nhân. Ảnh minh họa: Business Insider

Không có thói quen theo dõi chi tiêu là một trong những sai lầm lớn khi quản lý tài chính cá nhân. Ảnh minh họa: Business Insider

Vội vàng mua sắm

McCoy cho rằng, dự tính luôn tốt hơn thực tế. Chúng ta thường đặt một chuyến du lịch và mơ mộng về những điều muốn làm trong kỳ nghỉ, rồi lại đếm ngược đến ngày đi chơi. Nhưng thực tế không phải chuyến đi nào cũng hoàn hảo như ý.

Cô đã tham khảo một nghiên cứu trong đó, những người thử nghiệm lấp đầy một bàn ăn lớn với các đồ ăn nhẹ lành mạnh và đồ ăn nhẹ có đường, số lượng bằng nhau. Khi những người tham gia được yêu cầu chọn một món ăn nhẹ ngay tức thì, hầu hết mọi người đều chọn một món ăn nhẹ có đường. Mặt khác, khi được yêu cầu chọn đồ ăn nhẹ cho ngày mai, họ có nhiều khả năng chọn đồ ăn nhẹ lành mạnh hơn.

McCoy cho rằng: “Chúng ta có nhiều khả năng đưa ra quyết định tốt hơn cho tương lai của mình và tâm lý tương tự cũng có thể áp dụng cho mỗi dịp mua sắm lớn hoặc đặt chỗ đi du lịch”. Khi mua các mặt hàng có giá thành lớn, thời gian chờ từ 24-72h sẽ giúp bạn có thêm cơ hội cân nhắc và chọn ra mặt hàng giá trị hơn.

Không trao đổi với bạn đời

Cả McCoy và Pearson đều đồng ý rằng, họ nhận thấy “sự thiếu liên kết giữa bạn đời với nhau về các mục tiêu tương lai” trong thực hành và nghiên cứu của họ. Nếu người vợ mơ về cuộc về già ở gần biển trong khi người chồng lại đinh ninh sẽ sống gần núi, cả hai sẽ xảy ra mâu thuẫn. Vợ chồng nên cùng nhau tìm ra một “thỏa hiệp” để hướng tới chung một mục tiêu.

Việc không muốn đi cùng hướng có thể gieo mầm cho những vấn đề lớn hơn sau này, chẳng hạn như không chung thủy về tài chính – giữ “quỹ đen” với vợ hoặc chồng. Thay vào đó, cả hai nên có một cuộc trò chuyện cởi mở về tiền bạc.

Bạn có thể dễ dàng bắt chuyện bằng cách hỏi người bạn đời những câu hỏi giả định như: “Anh/em sẽ làm gì nếu trúng số?”, “Anh/em sẽ làm gì với số tiền dư dả sau khi trả hết nợ?”… Những câu hỏi này có thể giúp phá vỡ lớp băng, loại bỏ sự khó xử và căng thẳng khi nói chuyện về tiền bạc.

Chỉ tính toán khi xảy ra vấn đề

Theo tiến sĩ McCoy, một trong những sai lầm lớn nhất về tiền bạc là mọi người chỉ tính toán khi “nước dâng đến mũi”. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn. Mỗi khi bạn cần xoay vòng tiền cá nhân, mọi giải pháp đưa ra đều rất tệ. Cứ thế, bạn càng có xu hướng tránh né quản lý túi tiền của mình.

McCoy và Pearson đều khuyên mỗi người nên có thói quen quản lý tài chính quanh năm, thay vì chỉ nhìn vào tiền khi có trường hợp khẩn cấp. Thói quen này có thể giúp bạn lập kế hoạch trước cho việc bất khả kháng và tiết kiệm cho các mục tiêu ngắn, dài hạn khác nhau.

Tất Đạt (theo Business Insider)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin