50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam

Vị trí quán quân bảng xếp hạng “50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam” của Tập đoàn Hà Đô giữa lúc thị trường bất động sản khó khăn chắc chắn khiến không ít người đặt câu hỏi.

TIN MỚI
Với 4 chỉ số tăng trưởng bình quân giai đoạn 2009 – 2011 khá ấn tượng: doanh thu (46%), lợi nhuận (69%), lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu – ROE (47%) và lợi nhuận trên vốn – ROC (44%), Hà Đô đã qua mặt các công ty dẫn đầu trong những ngành nghề khác.
Với 4 chỉ số tăng trưởng bình quân giai đoạn 2009 – 2011 khá ấn tượng: doanh thu (46%), lợi nhuận (69%), lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu – ROE (47%) và lợi nhuận trên vốn – ROC (44%), Hà Đô đã qua mặt các công ty dẫn đầu trong những ngành nghề khác. Có được mức tăng trưởng vượt bậc nhờ hàng loạt dự án bất động sản trung cấp tại TP.HCM và Hà Nội, nhưng Hà Đô vẫn là cái tên ít đình đám. Lợi thế tăng trưởng của tập đoàn này trong giai đoạn vừa qua là do có lịch sử lâu đời (hình thành đầu những năm 1990), là công ty thành viên thuộc Bộ Quốc phòng và được hưởng nhiều ưu đãi về đất đai.
Ngoài Hà Đô, top 10 những công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam còn có 2 công ty bất động sản khác là Tập đoàn Vingroup và Công ty Kinh doanh Phát triển Bình Dương.
Không chỉ bất động sản, “top 10” của bảng xếp hạng đã ghi nhận sự hiện diện của đến 3 công ty cao su: Cao su Đà Nẵng, Cao su Đồng Phú và Cao Su Phước Hòa. Thành công của các công ty cao su này xoay quanh một điểm chung là yếu tố giá cả.
Từ năm 2008 đến nay, giá cao su biến động mạnh, góp phần giúp các doanh nghiệp ngành này ăn nên làm ra. Giá cao su tự nhiên từng giảm mạnh với mức thấp nhất 1.102 USD/tấn vào tháng 12.2008 do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Đến năm 2009, khi chính phủ các nước lớn tung ra các gói kích cầu, công nghiệp ôtô được tiếp sức, kéo theo giá cao su tăng trở lại gần 4.000 USD/tấn trong đầu quý II/2010. Tháng 8.2010, trước những bất lợi thời tiết, giá cao su tăng mạnh và có lúc đạt kỷ lục gần 6.000 USD/tấn (tháng 2.2011). Việt Nam là 1 trong 5 nước sản xuất cao su tự nhiên lớn nhất thế giới bên cạnh Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ.
Sản lượng tiêu thụ giảm, nhưng giá bán tăng cùng với ưu thế về tỉ giá VND/USD trong năm 2010 và 2011 đã giúp doanh thu và lợi nhuận sau thuế bình quân hàng năm giai đoạn 2009 – 2011 của 3 công ty Đà Nẵng, Đồng Phú, Phước Hòa tăng trung bình 34% và 46%. ROE trung bình 3 năm 2009 – 2011 cũng đạt trên 40%/năm.
Lĩnh vực dầu khí cũng góp vào “top 10” 2 công ty là Công ty Khí hóa lỏng miền Nam và Công ty Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam. Cả 2 đều thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN). Với lợi thế là những nhà cung cấp độc quyền trên thị trường, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế hàng năm trung bình của 2 công ty này đều trên 40%/năm.
Với nguồn tài nguyên mỏ dầu dồi dào, ngành dầu khí Việt Nam đã được hưởng lợi khi giá dầu tăng mạnh trong 5 năm trở lại đây. Khủng hoảng nợ công, nội chiến Syria trong năm 2011 đã khiến dầu thô đạt đỉnh 114 USD/thùng vào tháng 4.2011. Mức giá cao trên 80 USD/thùng cũng tiếp tục được duy trì đến tháng 4.2012 do sự gia tăng nhu cầu ở 4 thị trường lớn là Trung Quốc, Mỹ, châu Âu và Nhật.
Chỉ có một công ty hàng thực phẩm tiêu dùng lọt vào “top 10” là Vinamilk. Đây là công ty thực phẩm duy trì được cả lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên vốn (ROC) ổn định trong 3 năm 2009 – 2011 ở mức trên 40%. Sự tăng trưởng của Vinamilk xuất phát từ việc nắm giữ thị phần lớn (hơn 65%) với đa dạng các sản phẩm từ sữa và thế chủ động về nguồn nguyên liệu.
Nhìn chung, trong “top 10”, trừ các doanh nghiệp bất động sản có các chỉ số kinh doanh biến động thì cao su, sản xuất thực phẩm, dầu khí là 3 nhóm ngành tạo được ROE cao trên 30%/năm và ổn định trong 3 năm qua.
Sau “top 10” thì nhóm tiếp theo trong danh sách 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam đánh dấu sự có mặt của hàng loạt doanh nghiệp mía đường như Đường Biên Hòa, Bourbon Tây Ninh và Đường Lam Sơn.
Ba công ty đường này đạt được tăng trưởng tốt do ngành công nghiệp mía đường Việt Nam luôn trong tình trạng cung không đủ cầu (do diện tích trồng mía chưa ổn định, năng suất chưa cao, vùng nguyên liệu mía liên tục bị thu hẹp). Sản xuất đường trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu tiêu thụ, còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan. Đường Biên Hòa, Đường Tây Ninh và Đường Lam Sơn là 3 công ty đường niêm yết có sản lượng cao nhất Việt Nam, lần lượt chiếm 7,9%, 7,1% và 3,4% tổng lượng đường sản xuất trong nước. Phần còn lại là các công ty nhỏ chiếm tỉ trọng dưới 2%.
Vì thế, Đường Biên Hòa, Bourbon Tây Ninh và Đường Lam Sơn tăng trưởng nhờ sản lượng tăng, thị phần lớn hơn và hưởng lợi từ giá đường thế giới tăng. Ngoài ra, do được Nhà nước bảo hộ nên giá đường bình quân trong nước tăng trung bình 30-50% giai đoạn 2007 – 2009, khiến doanh thu các doanh nghiệp trong ngành này luôn tăng trưởng trên 25%/năm.
Kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển nhanh, chưa chín muồi như các nền kinh tế Mỹ, Nhật và châu Âu. Điều này giải thích vì sao có nhiều công ty nhỏ hoặc những công ty có ưu thế về tài nguyên như đất, cao su, khí lọt được vào “top 50”, thay vì là các công ty lớn, phát triển bền vững như ở các nước phát triển lâu đời.
Số lượng các công ty bất động sản và những ngành liên quan như sắt, thép, nhựa, cơ điện chiếm gần một nửa danh sách 50 công ty đã phản ánh rõ nét chu kỳ kinh tế trong 3 năm qua với ưu thế nghiêng về lĩnh vực bất động sản và xây dựng. Tuy năm 2011 lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp ngành này trong “top 50” đều giảm mạnh nhưng những năm 2009 và 2010, lợi nhuận vẫn được duy trì tốt. Vì thế, xét tăng trưởng bình quân hằng năm doanh thu và lợi nhuận giai đoạn 2009 – 2011, các công ty bất động sản vẫn ở mức cao (doanh thu 39% và lợi nhuận 36%), so với mức 21% và 38% của doanh nghiệp bất động sản trong “top 50” ở Indonesia.
Trải qua 12 năm tuổi, tổng giá trị vốn hóa của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ 35 tỉ USD, chiếm 28% GDP Việt Nam trong năm 2011. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Thái Lan đã trải qua 38 năm với giá trị vốn hóa trên 287 tỉ USD (chiếm 83% GDP 2011) và Indonesia có giá trị vốn hóa trên 398 tỉ USD (chiếm 48% GDP 2011).
Tuy nhiên, cả 3 thị trường chứng khoán có một điểm chung thú vị là ngành ngân hàng chiếm tỉ trọng vốn hóa cao nhất với Việt Nam 31%, Indonesia 22% và Thái Lan 18,2%. Tiếp đó, ở vị trí vốn hóa lớn thứ hai thì tại Việt Nam là lĩnh vực bất động sản (khoảng 12,2%), trong khi ở Thái Lan là lĩnh vực dầu khí (19,4%) và Indonesia là khoáng sản (chiếm 10%). Hãy xem lĩnh vực ngân hàng và bất động sản tại Việt Nam đã vận động thế nào trong thời gian qua.
Lĩnh vực ngân hàng đã ghi nhận không ít các tên tuổi trong “top 50” như ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Ngân hàng Công Thương (VietinBank), Ngân hàng Eximbank, Ngân hàng Quân Đội (MB) và Ngân hàng Sacombank. 5 ngân hàng này cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế bình quân giai đoạn 2009 – 2011 khá cao, 48%/năm, cao hơn mức 34%/năm và 18%/năm của các ngân hàng trong “top 50” Indonesia và Thái Lan.
Ngành ngân hàng tăng trưởng nhanh cả về số lượng và quy mô tài sản trong giai đoạn 2007 – 2011. Tổng tài sản ngành ngân hàng tăng 100%, từ 52,4 tỉ USD (năm 2007) lên 128,7 tỉ USD (năm 2010). Tăng trưởng tín dụng từ năm 2007 đến 2011 cũng luôn ở mức cao, bình quân trên 30%/năm. Ngoài ra, chính sách điều hành tiền tệ cũng đựơc xem là có lợi cho ngành ngân hàng. Từ 2009 đến giữa năm 2010, các ngân hàng được hưởng lợi từ gói hỗ trợ lãi suất 4% của Chính phủ và tăng trưởng tín dụng cao. Từ nửa năm 2010 đến năm 2011, các ngân hàng tiếp tục có được nguồn vốn rẻ nhờ chính sách khống chế trần lãi suất huy động nên vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận và khả năng sinh lời tốt, bất chấp kinh tế khủng hoảng.
Quy mô nhỏ hơn nhiều so với ngân hàng ở các quốc gia khác, nhưng do ngân hàng Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng, quy mô vốn nhỏ nên ROE khá cao, trung bình trên 18%, cao hơn mức 12% của Thái Lan và còn kém mức 22% của các ngân hàng ở Indonesia.
Trong khi đó, trên lĩnh vực bất động sản, xét về hiệu quả kinh doanh, ROE của doanh nghiệp bất động sản Việt Nam và Thái Lan tốt hơn các doanh nghiệp Indonesia. Nguyên nhân là các công ty Việt Nam và Thái Lan vay nợ đến 80% vốn chủ sở hữu, trong khi doanh nghiệp Indonesia chỉ vay nợ khoảng 30%. Một số doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế tích lũy được quỹ đất giá rẻ hoặc xuất phát từ doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa nên có quỹ đất lớn, chẳng hạn Tập đoàn Hà Đô, đơn vị dẫn đầu danh sách “top 50”.
Tuy nhiên, từ năm 2010, Chính phủ thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, cộng thêm điều kiện để bán căn hộ trở nên phức tạp hơn (xây xong phần móng mới được chào bán, không được chào bán dưới hình thức góp vốn) khiến thị trường bất động sản đi ngang và suy giảm cho đến nay.
Nhìn tổng thể trong 3 năm 2009 – 2011, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bình quân hằng năm của các doanh nghiệp trong “top 50” Việt Nam lần lượt đạt mức 36% và 41%, cao hơn nhiều so với mức 8% và 26% của “top 50” Thái Lan và mức 15% và 28% của Indonesia. Tuy nhiên, tăng trưởng của doanh nghiệp Thái Lan và Indonesia khá ổn định, không cao bất thường như Việt Nam.
Trong khi đó, nếu xét hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu (ROE), doanh nghiệp Việt Nam và Indonesia đạt khá tốt, trung bình 22%/năm, so với mức 16% của Thái Lan. Tuy nhiên, một lần nữa, ROE của doanh nghiệp Thái Lan và Indonesia khá đồng đều, không cao thấp bất thường như doanh nghiệp Việt. 
Danh sách 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam


Một số ý kiến

Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamilk

Quan điểm kinh doanh của tôi khá giống với kiểu của người Hoa, phải đạt sản lượng để lấy doanh thu lớn. Nhiều anh em trong công ty hỏi tôi sao không làm sản phẩm nào đó giá thật cao để lấy lợi nhuận. Thực ra, làm sản phẩm cao cấp không khó, nhưng quan trọng là giá phải hết sức cạnh tranh. Mác của Vinamilk là hàng Việt Nam mà lại bán giá cao thì không thể thắng được, vì người tiêu dùng của mình còn mang tâm lý chuộng hàng ngoại, đặc biệt là đối với sữa. Cho nên, nỗ lực phục vụ số đông lại càng quan trọng để giải tỏa dần tâm lý đó.

Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt

Với các chính sách vĩ mô như hiện nay, tôi quan ngại nguồn lực của các nhà công nghiệp dần dịch chuyển sang những khu vực lợi ích ngắn hạn khác và về lâu dài chúng ta sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào hàng hóa nước ngoài. Đó là chưa kể một ngành công nghiệp nào đó khó khăn cũng sẽ kéo theo nhiều ngành khác nữa. Ví dụ, xi măng gặp khó khăn thì ngân hàng cũng đâu được yên.

Tin rằng 30 năm nữa công nghiệp của Việt Nam sẽ phát triển nhanh, nhưng bản thân tôi nghĩ chính sách cần có sự điều chỉnh. Tôi yêu những gì mình đang làm. Tôi yêu những tiếng máy trong công xưởng. Và tôi tin vào sự thay đổi của công nghiệp Việt Nam trong một vận mệnh tốt đẹp.

Ông Nguyễn Bá Dương, Tổng Giám đốc Công ty Coteccons

Nếu chưa tự xây được một con đường, chúng tôi sẽ bắt đầu từ việc vừa làm thầu phụ, vừa học hỏi. Ngành cơ sở hạ tầng khá phức tạp về quy mô, kỹ thuật, quản lý và những điều này lại là thế mạnh của các công ty nước ngoài. Đối với những công trình phức tạp, bạn có thể chỉ làm thầu phụ cho các thầu phụ, nhưng nếu không làm bạn sẽ chỉ giậm chân tại chỗ.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhựa Bình Minh

Theo thống kê, trong giai đoạn 2000 – 2010, ống nhựa, cũng là dòng sản phẩm chính của Bình Minh, đã tăng trưởng bình quân 20%/năm. Trong chiến lược phát triển của ngành nhựa năm 2011 – 2020, dòng sản phẩm này được dự báo sẽ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, ngành địa ốc bị tác động khá nhiều và Nhựa Bình Minh chủ yếu cung cấp hàng cho ngành điện tử, viễn thông, xây dựng, điện lực… cũng bị tác động. Vì thế, trong giai đoạn 2010 – 2015, chúng tôi chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 15%/năm.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng Giám đốc Công ty REE

Việt Nam rất yếu thế về sản xuất và chúng tôi phải nỗ lực để thắng trên nền kinh tế của mình. Đó là lý do REE xác định 4 mảng sau đây, trong đó có cả sản xuất lẫn dịch vụ, đều là chủ lực gồm: cơ điện công trình, sản xuất – phân phối máy lạnh, bất động sản và đầu tư chiến lược.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng Giám đốc Công ty PNJ

Tham vọng của chúng tôi là 3-4 năm tới hệ thống bán lẻ PNJ sẽ phải đạt đến 500 cửa hàng. Lúc này, PNJ đang xây dựng bản đồ phân phối để chủ động hơn trong việc lựa chọn địa điểm bán lẻ. Chúng tôi hy vọng ở mỗi tỉnh thành sẽ có 1 trung tâm thời trang PNJ, nơi bày bán tất cả các nhãn hàng của Công ty.

Ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán HSC

Ngoài các nghiệp vụ chứng khoán đang hoạt động, HSC có kế hoạch mở rộng sang hoạt động quản lý tài sản (asset management), thành lập thêm công ty quản lý quỹ. Chúng tôi muốn nhà đầu tư sau này xem HSC như là một siêu thị tài chính, ở đó họ được cung cấp đầy đủ các dịch vụ đầu tư, tài chính.


Tăng trưởng trung bình 3 năm 2009-2011

12738 32 Bieu Do 287

Ngành ngân hàng chiếm tỉ trọng vốn hóa cao nhất ở cả Việt Nam, Thái Lan và Indonesia

12738 36 Bieu Do 287

Tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và ROE của “top 50” Việt Nam so với “top 50” Thái Lan và Indonesia

12738 37 Bieu Do 287
Theo Nhịp cầu Đầu tư
Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin