Các bệnh lý về dạ dày có mối liên hệ mật thiết đến thói quen và chế độ ăn uống. Đặc biệt, một số thói quen nhiều người mắc có thể gây tổn thương và âm thầm “bào mỏng” dạ dày.
Là một trong những cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể con người, dạ dày chịu trách nhiệm chính cho quá trình tiêu hóa và các chức năng khác của cơ thể con người.
Ngoài ra, dạ dày cũng là một cơ quan khá mỏng manh trong cơ thể con người, nếu một người có thói quen sinh hoạt và ăn uống không lành mạnh trong thời gian dài thì nguy cơ mắc bệnh dạ dày chẳng hạn như trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày, đau dạ dày… có thể lên tới 70%.
Theo đó các chuyên gia y tế cho biết có 6 thói quen phổ biến nhiều người mắc có thể âm thầm “bào mòn” dạ dày. Nếu có 1 trong 6 thói quen dưới đây, mọi người cần thay đổi ngay.
6 thói quen âm thầm “bào mỏng” dạ dày
1. Ăn quá nhanh
Thói quen ăn nhanh, nuốt vội,… có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến dạ dày. Ăn quá nhanh khiến cho thức ăn chưa được nhai kỹ và nghiền nát, đồng thời việc hấp thụ một lượng lớn thức ăn vào cơ thể trong một thời gian ngắn sẽ khiến thức ăn tích tụ ở trong dạ dày, từ đó gây áp lực lên thành dạ dày, khiến thành dạ dày phải co bóp liên tục để tiêu hóa hết thức ăn, lâu dần sẽ làm giảm chức năng của dạ dày.
Bác sĩ Nguỵ Quốc, bác sĩ điều trị tại Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện Đông Phương trực thuộc Đại học Y học cổ truyền Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết nguyên nhân cơ bản nhất khiến nhiều bệnh nhân viêm dạ dày mạn tính là do thói quen ăn nhanh nuốt vội.
Ăn quá nhanh khiến cho thức ăn chưa được nhai kỹ và nghiền nát, điều này làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa, lâu ngày sẽ dẫn đến suy giảm khả năng tiêu hóa – hấp thu dinh dưỡng, tăng nguy cơ mắc các bệnh như trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày..
Một nghiên cứu ở Hàn Quốc trên hơn 10.000 bệnh nhân đã thực hiện kiểm tra sức khoẻ và nội soi đường tiêu hóa. Các bác sĩ phát hiện ra những bệnh nhân có thói quen ăn nhanh xuất hiện triệu chứng của bệnh viêm dạ dày.
Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, ăn quá nhanh cũng là nguyên nhân gây ra các triệu chứng ở đường tiêu hoá như đau bụng, khó tiêu, ợ hơi, nóng ruột,…
Do đó, nếu bạn đang có thói quen ăn quá nhanh, hãy tập thói quen ăn chậm nhai kỹ và dành ít nhất từ 20 – 30 phút cho mỗi bữa ăn để thúc đẩy quá trình tiêu hóa và giúp cơ thể hấp thụ thức ăn dễ dàng hơn.
2. Ăn quá nhiều
Khi ăn, dạ dày của chúng ta sẽ mở rộng để chứa thức ăn. Khi dạ dày được lấp đầy, chúng sẽ gửi tín hiệu đến não bộ và thông báo rằng bạn đã no. Ăn quá nhiều có thể khiến dạ dày căng quá mức bình thường. Điều này có thể khiến dạ dày phải chịu áp lực, gây khó chịu, buồn nôn thậm chí là trào ngược axit dạ dày.
Chuyên gia dinh dưỡng Lauren Harris-Pincus, Mỹ cho biết: “Trong khoảng thời gian ngắn, nếu ăn quá nhiều và quá no thì có thể gây khó chịu cho hệ tiêu hóa đồng thời làm tăng nguy cơ trào ngược axit dạ dày”. Tình trạng trào ngược axit dạ dày có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi bữa ăn gần sát với giờ đi ngủ vì lúc này bạn phải nằm xuống.
Các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên ăn chậm và chỉ nên ăn no khoảng 70%. Ngoài ra, việc thay đổi thứ tự ăn uống như uống canh, ăn rau trước, sau đó ăn các món thịt và món giàu chất đạm cũng là một trong những cách tốt giúp kiểm soát lượng thức ăn hiệu quả.
3. Chế độ ăn nhiều muối
Ăn quá nhiều muối không chỉ ảnh hưởng đến huyết áp mà còn gây tổn thương cho niêm mạc dạ dày. Chế độ ăn nhiều muối trong thời gian dài còn có thể gây ảnh hưởng xấu đến niêm mạc dạ dày, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như viêm dạ dày, loét dạ dày hay thậm chí là ung thư dạ dày.
Ngoài ra, muối cũng tương tác với vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) gây viêm loét dạ dày tá tràng, viêm loét dạ dày kéo dài và không được chữa trị có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy những người thường xuyên ăn đồ ăn mặn có nguy cơ ung thư dạ dày cao gấp 2 lần so với những người khác.
Bác sĩ Tôn Hào, tại Trung tâm Ung thư Đường tiêu hóa của Bệnh viện Ung thư trực thuộc Đại học Trùng Khánh, Trung Quốc cho biết chế độ ăn nhiều muối có thể gây ảnh hưởng xấu đến niêm mạc dạ dày, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như viêm dạ dày, loét dạ dày hay thậm chí là ung thư dạ dày.
Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe dạ dày các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên giảm lượng muối tiêu thụ trong chế độ ăn hàng ngày.
Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một người trưởng thành chỉ nên sử dụng dưới 5 gam muối/ngày. Đồng thời mọi người cũng nên kiểm soát lượng muối chứa trong các thực phẩm khác như thịt hun khói, xúc xích và các loại đồ ăn được chế biến sẵn khác.
4. Chế độ ăn nhiều chất béo
Những thực phẩm giàu chất béo, chứa nhiều dầu mỡ như da gà, thịt mỡ,… hay các thực phẩm chiên rán như gà rán, khoai tây chiên,… thường được nhiều người ưa thích vì ngon miệng và bắt mắt.
Tuy nhiên, các thực phẩm này thường chứa nhiều chất béo bão hòa, gây khó tiêu hóa. Tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm giàu chất béo bão hòa có thể làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa, dẫn đến rối loạn tiêu hoá, đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, đau dạ dày,…
5. Bỏ bữa sáng
Thường xuyên nhịn ăn sáng có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của dạ dày. Bởi, trải qua một đêm dài, thức ăn trong dạ dày đã được tiêu hóa hết, nhưng dạ dày sẽ luôn phải co bóp để tiết ra dịch vị ngay cả khi bụng trống rỗng. Dịch vị tiết ra trong dạ dày nhưng không có thức ăn để tiêu hóa có thể dẫn đến viêm loét dạ dày.
Vì vậy, hãy giữ thói quen ăn sáng đúng giờ để đảm bảo sức khỏe của dạ dày cũng như cơ thể.
6. Uống rượu và hút thuốc
Hút thuốc và uống rượu thường xuyên có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Thường xuyên uống rượu bia có thể khiến niêm mạc dạ dày bị viêm, loét hoặc xuất huyết. Ngoài ra, uống rượu cũng khiến cơ thể tiết ra nhiều axit dịch vị làm tăng nguy cơ gây tổn thương niêm mạc dạ dày, khiến quá trình hồi phục của các vết viêm loét dạ dày diễn ra chậm hơn.
Ngoài ra, người nghiện hút thuốc lá cũng dễ mắc bệnh viêm dạ dày hơn do nicotine trong thuốc lá có thể kích thích niêm mạc dạ dày sản sinh ra chất endothelin làm cho cơ chế tự bảo vệ của niêm mạc dạ dày bị suy yếu.
Hút thuốc lá cũng làm giảm lưu lượng máu đến vùng niêm mạc dạ dày và ngăn cản không cho dạ dày bài tiết ra chất nhầy. Do vậy, những đối tượng có hút thuốc lá, đặc biệt là những người hút thuốc lá thường xuyên với số lượng nhiều rất dễ bị viêm loét dạ dày tá tràng.
Ở những người bị viêm loét dạ dày tá tràng, chất nicotine có trong khói thuốc lá khi được hít vào trong sẽ kích thích sản sinh nhiều chất cortisol – tác nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng và làm tăng nguy cơ mắc bệnh nếu như người bệnh có nhiễm vi khuẩn HP.
Việc duy trì thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh và loại bỏ các thói quen xấu có thể giúp bảo vệ đường tiêu hóa cũng như dạ dày. Do đó, nếu bạn mắc 1 trong 6 thói quen kể trên, hãy thay đổi sớm để giữ cho dạ dày luôn khỏe mạnh.