Người tiên phong trào lưu FIRE đưa ra mô hình 7 cấp độ tự do tài chính từ rõ ràng, tự túc tiền bạc đến mức của cải dồi dào.
Grant Sabatier – triệu phú tự thân từ tuổi 30, là một trong những người tiên phong cho trào lưu FIRE (độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm), đồng thời cũng là tác giả của một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới năm 2019 – Tự do tài chính: Con đường đã được chứng minh để có tất cả số tiền bạn sẽ từng cần. Dù chưa nghỉ hưu hẳn, triệu phú 37 tuổi này đã tích lũy đủ tiền để sống thoải mái nhờ thu nhập vĩnh viễn từ các khoản đầu tư của mình.
Theo quan điểm của Sabatier, tiền không phải như một thứ cho phép chúng ta mua sắm, mà là một phương tiện giúp chúng ta có nhiều lựa chọn hơn về cách bản thân muốn sống. “Với mỗi đồng bạn tiết kiệm được, bạn mang lại cho mình nhiều tự do và nhiều lựa chọn hơn trong cuộc sống. Dựa trên số tiền bạn đã tiết kiệm và đầu tư, hãy tự hỏi bản thân: Bạn có được bao nhiêu tháng tự do?”, ông chia sẻ.
Grant Sabatier đưa ra một lộ trình để đảm bảo tính an toàn cho tài chính cá nhân mỗi người, bao gồm 7 cấp độ tự do tài chính. Các cấp độ bao gồm: rõ ràng, tự túc, thư thái, ổn định, linh hoạt, độc lập tài chính và của cải dồi dào.
Cấp độ 1: Rõ ràng
Bước đầu tiên là kiểm tra tình hình tài chính của bản thân – bạn có bao nhiêu tiền, bạn nợ bao nhiêu và mục tiêu của bạn là gì. Sabatier nói: “Bạn không thể đến nơi mình muốn nếu không biết mình bắt đầu từ đâu”.
Cấp độ 2: Tự túc
Tiếp theo, bạn sẽ đứng trên đôi chân của chính mình, kể cả về tài chính. Điều này có nghĩa, bạn cần kiếm đủ tiền để trang trải chi phí mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào từ bên ngoài, chẳng hạn chu cấp từ cha mẹ. Ở cấp độ này, Sabatier lưu ý, bạn có thể đang sống bằng đồng lương từng đồng hoặc vay nợ để trang trải cuộc sống.
Cấp độ 3: Thư thái
Những người ở cấp độ 3 sau khi trừ đi các chi phí sinh hoạt, họ có thể dành tiền cho các mục tiêu như xây dựng quỹ khẩn cấp và đầu tư cho hưu trí. Vượt qua cấp độ 2 đồng nghĩa với việc tự cho mình một chút tự do về tài chính, điều mà Sabatier lưu ý không nhất thiết có nghĩa là kiếm được một mức lương lớn hơn nhiều.
“Chỉ vì bạn kiếm được nhiều tiền không có nghĩa là bạn đang thực sự tiết kiệm số tiền đó. Thực tế hầu hết mọi người ở Mỹ sống bằng nợ”, ông nhấn mạnh
Cấp độ 4: Ổn định
Những người đạt đến cấp độ 4 đã trả được nợ lãi suất cao, chẳng hạn nợ thẻ tín dụng, và đã tích lũy đủ 6 tháng chi phí sinh hoạt vào quỹ khẩn cấp. Tích lũy các khoản tiết kiệm khẩn cấp giúp đảm bảo rằng tài chính của bạn sẽ không bị ảnh hưởng bởi những trường hợp bất ngờ. Sabatier nói: “Ở mức độ này, bạn không phải lo lắng nếu mất việc hoặc phải chuyển đến một thành phố khác”.
Các chuyên gia tài chính khuyên rằng, khi tính toán số tiền phải tiết kiệm, hãy suy nghĩ về bức tranh tài chính của bạn khi đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn. Sau đó mới dành ưu tiên cho các khoản chi tiêu thường xuyên hàng ngày.
Cấp độ 5: Linh hoạt
Những người ở cấp độ 5 đã tiết kiệm được ít nhất 2 năm chi phí sinh hoạt. Sabatier lưu ý, bạn không cần phải tích lũy con số này bằng tiền mặt. Đó có thể là tổng số tiền từ các tài khoản tiết kiệm và đầu tư, miễn là bạn có thể tiếp cận chúng khi cần. Một người khi đạt cấp độ này có thể tạm thời nghỉ việc trong khoản thời gian nhất định, lý tưởng là một năm, để nghỉ ngơi, thư giãn hay làm mới bản thân.
Cấp độ 6: Độc lập tài chính
Theo Sabatier, những người đã đạt được sự độc lập về tài chính có thể sống hoàn toàn bằng thu nhập tạo ra từ các khoản đầu tư của họ. “Người này thường có một trong hai điều sau: khoản tiền lớn trong danh mục đầu tư sinh lãi hoặc có tài sản cho thuê để trang trải chi phí sinh hoạt, hoặc kết hợp cả hai thứ”.
Để đến được đây, bạn sẽ phải đầu tư một tỷ lệ cao trong thu nhập của mình. Điều này có thể khiến bạn phải chuyển sang một lối sống tối giản hơn để giảm đáng kể chi phí sinh hoạt. Theo Sabatier, theo đuổi lối sống này đòi hỏi một sự thay đổi trong suy nghĩ để thoát khỏi những khuôn mẫu truyền thống về tài chính cá nhân.
“Mọi người đang được dạy tiết kiệm 5%, 10% hay 15% thu nhập và có thể bạn sẽ nghỉ hưu khi 65 tuổi. Rất may, nhiều người trẻ bắt đầu hiểu rằng nếu tôi tích cực tiết kiệm và đầu tư, tôi có thể làm việc ít hơn và có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với tương lai và số phận của mình”, ông nói.
Cấp độ 7: Của cải dồi dào
Những người độc lập về tài chính sống bằng thu nhập danh mục đầu tư của họ với “quy tắc 4%”. Đây là quy tắc cho rằng, một nhà đầu tư khi về hưu có thể rút 4% từ danh mục cổ phiếu và trái phiếu mỗi năm, vẫn có thể đảm bảo số tiền còn lại sẽ tiếp tục tăng và không cạn kiệt. Các nhà kinh tế học vẫn tranh luận liệu 4% có phải là con số tối ưu hay không, nhưng những tính toán đằng sau nó là cơ sở để thiết lập con số FIRE lý tưởng, tức số tiền bạn cần có khi nghỉ hưu để thoải mái sống.
Trong khi những người ở cấp độ 6 vẫn cần theo dõi sự thay đổi trong danh mục đầu tư để đảm bảo kế hoạch nghỉ hưu có thể diễn ra theo đúng dự định, những người ở cấp độ 7 không cần lo lắng về điều này.
“Cấp độ 7 là sự giàu có – có nhiều tiền hơn những gì bạn cần. Bạn không phải lo lắng về tiền bạc và nó không phải là điều cần thiết cho sự tồn tại hàng ngày của bạn”, Sabatier mô tả.
Đó cũng là cấp độ mà Sabatier đang tìm đến ở chính mình và cũng là cấp độ ông muốn nhiều người đạt được nếu sẵn sàng thay đổi tư duy về tiền bạc. “Nếu bạn muốn cuộc sống của mình trông khác đi, bạn phải đưa ra những lựa chọn khác biệt”, ông chia sẻ.
Một cuộc khảo sát gần đây của MagnifyMoney chỉ ra, một nửa người Mỹ đang làm việc và sống bằng tiền lương. Con số đó bao gồm 76% người kiếm được dưới 35.000 USD mỗi năm và 31% kiếm được 100.000 USD trở lên. Theo 7 cấp độ tự do tài chính của Grant Sabatier, một nửa lao động Mỹ chỉ đang ở cấp độ thứ hai.
Khi một người sống chủ yếu vào tiền lương, các khoản chi tiêu tốn phần lớn tiền lương của họ. Vì thế, họ rất ít hoặc không có tiền nhàn rỗi để tiết kiệm hoặc đầu tư. Điều đó dễ đẩy nhóm này gặp khó khăn trong việc trang trải chi phí nếu có điều gì đó làm gián đoạn thu nhập thường xuyên, chẳng hạn như mất việc làm hoặc phát sinh một khoản chi phí khẩn cấp. Theo Grant Sabatier, để tiến bộ qua các cấp độ đòi hỏi mỗi người phải thay đổi thói quen tài chính và suy nghĩ tổng thể về tiền bạc.
Tiểu Gu (theo CNBC, Grow Acorns)