7 dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường tuýp 2: Đừng để mắc bệnh rồi vẫn không hay biết!

Theo một nghiên cứu mới đây, hơn nửa triệu người Anh có thể mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 mà không hề hay biết. Vậy đâu là những dấu hiệu cảnh báo căn bệnh này mà chúng ta cần lưu ý?

TIN MỚI

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Exeter (Anh) đã phân tích mẫu máu của 200,000 người Anh trong độ tuổi từ 40 đến 70. Kết quả họ ghi nhận được là hơn 2,000 người trong số đó có lượng đường trong máu rất cao.

Từ đó cho thấy, hầu hết những trường hợp này đều mắc bệnh tiểu đường nhưng vẫn chưa được chẩn đoán trước đó. Kết quả còn chỉ ra rằng 1% dân số Anh quốc có thể đang sống với bệnh tiểu đường tuýp 2 mà không hề hay biết.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện nam giới béo phì trên 60 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn phụ nữ. Đồng thời, nghiên cứu còn cho biết, khoảng 90% những bệnh nhân tiểu đường tại Anh là ở tuýp 2.

7 dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường tuýp 2: Đừng để mắc bệnh rồi vẫn không hay biết! - Ảnh 1.

Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Katherine Young, cho biết: “Vì mọi người có thể mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 trong nhiều năm mà không có triệu chứng, việc chẩn đoán có thể bị trì hoãn, làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tầm soát ở cấp độ toàn dân số có thể xác định các trường hợp mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 sớm hơn nhiều và có khả năng giảm thiểu các biến chứng”.

Công cụ chẩn đoán chính của bệnh tiểu đường là mức HbA1c, một hemoglobin có liên quan đến lượng đường trong máu. Tiến sĩ Young bổ sung: “Chúng tôi cho rằng việc sàng lọc bằng HbA1c sẽ giúp xác định được thêm 1% dân số từ 40 – 70 tuổi mắc bệnh tiểu đường chưa được chẩn đoán”.

Tiến sĩ Young cho biết, nhiều trường hợp mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 nhưng không hề hay biết vì các dấu hiệu không phải lúc nào cũng rõ ràng. Sau đây, hãy cùng tham khảo ngay 7 dấu hiệu có thể “chỉ điểm” bệnh tiểu đường để nhận biết sớm và điều trị kịp thời!

1. Đi tiểu nhiều hơn bình thường

Đi vệ sinh nhiều hơn bình thường là dấu hiệu phổ biến của bệnh tiểu đường. Đó là do sau một thời gian dài, tuyến tụy – nơi sản xuất hormone insulin – bị suy yếu đến mức không thể sản xuất đủ lượng insulin cần thiết nữa.

Khi ấy, lượng đường trong máu cao sẽ được đưa vào nước tiểu để bài tiết ra khỏi cơ thể. Đó là lý do tại sao người bệnh tiểu đường hay đi tiểu nhiều hơn và nước tiểu có thể có mùi hơi ngọt hơn bình thường.

2. Lúc nào cũng thấy khát

Lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến mất nước. Người mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát tình trạng của mình có thể bị chứng Polydipsia, tình trạng cực kỳ khát nước.

Bệnh tiểu đường cũng có thể ngăn cơ thể hấp thụ nước, tạo ra một vòng luẩn quẩn nếu tình trạng bệnh không được kiểm soát đúng cách. Polydipsia có thể khiến một người cảm thấy rất khát, khô miệng hoặc chóng mặt.

7 dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường tuýp 2: Đừng để mắc bệnh rồi vẫn không hay biết! - Ảnh 2.

3. Uể oải và mệt mỏi

Nhiều người mắc bệnh tiểu đường cho biết họ luôn cảm thấy mệt mỏi, thờ ơ hoặc kiệt ức. Hai lý do phổ biến khiến bệnh nhân tiểu đường mệt mỏi hay thờ ơ là vì lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp.

Trong cả hai trường hợp, mệt mỏi là kết quả của sự mất cân bằng giữa lượng đường huyết và hiệu quả của hormone insulin. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi cả ngày, mặc dù đã ngủ đủ giấc, đó có thể là kết quả của lượng đường huyết của bạn cao hoặc thấp.

4. Sụt cân không rõ nguyên nhân

Sụt cân không rõ nguyên do (không chủ đích) có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường. Những người mắc bệnh tiểu đường không sản xuất đủ lượng insulin để ngăn cơ thể tiếp nhận glucose từ máu vào các tế bào của cơ thể để sử dụng làm năng lượng.

Khi điều này xảy ra, cơ thể bắt đầu đốt cháy chất béo và cơ bắp để lấy năng lượng, khiến trọng lượng cơ thể giảm. Giảm cân không mong muốn thường nhận thấy ở những người trước khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 nhưng cũng có thể ảnh hưởng ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

5. Nhiễm nấm hoặc ngứa bộ phận sinh dục

Bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể gây ngứa và khó chịu xung quanh dương vật hoặc âm đạo của bệnh nhân. Người bệnh tiểu đường có lượng đường huyết có thể tăng cao bất thường, từ đó tạo điều kiện lý tưởng cho nấm phát triển đồng thời làm giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể.

Bệnh tiểu đường cũng có thể khiến hàm lượng glucose trong nước tiểu cao hơn – nơi cực kỳ thích hợp khác cho nấm men phát triển.

7 dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường tuýp 2: Đừng để mắc bệnh rồi vẫn không hay biết! - Ảnh 3.

6. Vết thương lâu lành

Tình trạng vết thương hoặc vết loét mất đến vài tuần để lành thường là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Lượng đường huyết cao do bệnh tiểu đường gây ra theo thời gian có thể ảnh hưởng gây biến chứng thần kinh ngoại biên và dẫn đến lưu thông máu kém.

Điều này khiến máu – vốn cần thiết cho quá trình phục hồi da – khó tiếp cận đến các vết loét hoặc vết thương, khiến chúng bị hở, không lành trong nhiều tháng, dẫn đến làm tăng nguy cơ nhiễm nấm, nhiễm khuẩn và hoại tử.

7. Mờ mắt

Theo các chuyên gia, bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể gây giảm thị lực. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực ở người trong độ tuổi từ 20 đến 74 tuổi. Nếu tình trạng bệnh không được kiểm soát có thể làm thay đổi lượng máu trong các mạch máu võng mạc, khiến chúng bị rò rỉ.

Các mạch máu bị rò rỉ có thể gây ra một tình trạng được gọi là bệnh võng mạc tiểu đường, nguyên nhân phổ biến nhất gây mất thị lực ở những bệnh nhân tiểu đường. Bệnh tiểu đường cũng có liên quan đến đục thủy tinh thể và cườm nước (bệnh Glaucoma).

Nguồn: The Sun

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin