TIN MỚI
Bitcoin – đơn vị tiền ảo hiện đang là động lực thúc đẩy các hoạt động giao dịch ảo giữa những người dùng với nhau. Nó có khả năng đẩy mạnh giá trị lên mức 260 USD như hôm thứ 4 vừa qua nhưng cũng có lúc tụt dốc xuống còn 60 USD/ đơn vị như bất cứ loại tiền thật nào trên thế giới.
Hơn thế nữa, trong thời gian qua, chúng ta cũng được chứng kiến một đợt tấn công có tổ chức của các hacker khi sử dụng mã độc để khai thác Bitcoin thông qua máy tính người dùng. Theo ghi nhận mã độc hack Bitcoin được phát tán khắp khu vực châu Âu thông qua các đường link nặc danh trên tài khoản Skype của người dùng.
Tuy nhiên, cho dù có những thông tin trái chiều cùng những lời nhận xét lý thú xoay quanh loại tiền ảo này nhưng nhiều người vẫn gặp khó khăn trong việc hiểu chính xác Bitcoin là gì và nó hoạt động như thế nào. Đây là nỗi băn khoăn của không riêng gì ai, đặc biệt nếu bạn đang nghĩ tới chuyện đầu tư thời gian và tiền bạc vào loại tiền ảo này.
Trước tiên, bạn nên bắt đầu với “ví tiền bitcoin” (bitcoin wallet). Bạn cũng nên biết rằng, Bitcoin không hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình kinh tế của bất cứ quốc gia nào. Chúng có thể dễ dàng trao đổi và bạn không phải mất phí giao dịch. Tuy nhiên, bạn cần biết một vài điều quan trọng trước khi “ném tiền” vào thị trường Bitcoin đầy biến động và kì này, Genk xin giới thiệu cho bạn 7 điều bạn nên biết về hệ thống tiền Bitcoin.
1. Bitcoin được con người tạo ra, trao đổi và kiểm soát
Nói một cách đơn giản, Bitcoin là một cấu trúc toán học lấy các thuật toán làm nền tảng và có đơn vị dùng để tính giá trị của tiền. Nó có những nét tương đồng cũng như khác biệt so với loại tiền phổ thông thường thấy.
Thuật toán ban đầu của Bitcoin được Satoshi Nakamoto tạo ra nhưng bản thân nó lại được phát triển, trao đổi và kiểm soát bởi chính người dùng trên khắp thế giới chứ không phải bất cứ một cơ quan chuyên quyền nào như ngân hàng hay chính phủ.
Bên cạnh đó, Bitcoin hoàn toàn dựa trên công nghệ kỹ thuật số và bạn sẽ không bao giờ có thể sờ hay chạm tay vào đồngBitcoin ‘thực’ nếu bạn không mua bán các bản sao của nó.
Đây được xem như các bản sao “thực” của tiền Bitcoin
Cho dù nó được vận hành do bàn tay con người nhưng người phát triển đã cố tình giới hạn số lượng Bitcoin lưu thông trong thị trường.
Dựa trên thuật toán gốc, số lượng Bitcoin lưu thông trong mạng lưới tiền ảo chỉ đạt tới con số 21 triệu BTC (đơn vị của Bitcoin) và hệ thống sẽ tự động điều tiết lượng tiền nhằm đảm bảo nguồn cung của Bitcoin tăng dần đều.
Dựa trên cơ chế này, đồng Bitcoin thứ 21 triệu sẽ được ra đời vào năm 2140. Không những vậy, do mạng lưới Bitcoin ghi nhận tất cả các giao dịch của người dùng nên bạn có thể theo dõi chính xác số lượng Bitcoin được tạo ra vào mọi thời điểm trên trang Blockchain.info – một trong những website theo dõi mạng lướiBitcoin và cũng là một host của ‘ví tiền’ bitcoin wallet.
2. Bitcoin cũng có thể bị bong bóng hóa
Cho dù trong thời điểm hiện nay, Bitcoin cũng có thể được coi là một loại hàng hóa nhưng nó chỉ có giá trị đối với những ai sẵn sàng bỏ tiền ra mua nó, do đó, giá Bitcoin thường có xu hướng thay đổi liên tục. Điển hình như hồi giữa tháng một, Bitcoin được định giá ở mức 15USD/đơn vị.
Nhận thấy tiềm năng trong “mảnh đất mới” này, nhiều người đã đổ xô đi buôn Bitcoin và đây chính là lý do tại sao giá Bitcoin từng được đẩy lên mức cao nhất trong lịch sử giao dịch – 260USD/bitcoin và hiện tại đang hạ nhiệt rất nhanh với giá 98 USD.
Mức giá cao điểm nhất của Bitcoin trong lịch sử hoạt động – 260USD/BTC
Tuy nhiên, do sự bất ổn trong giá trị và chỉ mang tính đại chúng nhất thời, chính phủ nhiều nước (điển hình như đảo Síp) đã khuyến cáo người dân không nên tích trữ tiền ảo và hạn chế lưu thông loại tiền này trong thị trường.
Theo giáo sư Magnus Thor Torfason, khoa quản trị kinh doanh của trường Kinh doanh Havard cho biết: “Bitcoin là một loại của cải mang tính thiếu ổn định trong giá trị và sự biến động về giá của loại đơn vị này trong thời gian gần đây mang những đặc tính của hiện tượng bong bóng kinh tế…
Cho dù chúng ta có giả định rằng Bitcoin có giá gấp 10 lần giá trị thực của chúng đi chăng nữa thì trong tương lai nó cũng có khả năng sẽ giảm xuống còn 1/10 so với giá hiện tại.
Chúng ta chưa thực sự chưa tìm ra một phương thức hợp lý nào để định giá các đơn vị tiền ảo như Bitcoin, do đó, nếu bạn có ý định đầu tư vào Bitcoin, bạn nên xem chừng tính rủi ro trong đầu tư của nó cực kì cao.”
Bitcoin cũng mang tính chất của hiện tượng bong bóng kinh tế
3. Bitcoin có cơ chế hoạt động cơ bản: Đào, đào và… đào
Nếu muốn gia nhập thị trường Bitcoin, bạn chỉ cần một chiếc PC với cấu hình tương đối và bắt đầu “đào tiền” trong mạng lưới Bitcoin. Cụ thể:
Lượng Bitcoin sẽ được chuyển giao cho các “thợ đào” (bitcoin miner) – những người cài và chạy phần mềm bitcoin client trong máy tính của mình. Phần mềm bitcoin tận dụng sức mạnh xử lý của CPU và GPU để chạy các thuật toán cực kì phức tạp và sau đó chia sẻ giải pháp cho toàn bộ mạng lưới.
Mặc dù các thuật toán rất khó tìm lời giải nhưng lại rất dễ kiểm tra kết quả đúng/sai và với mỗi kết quả đúng, “thợ đào” sẽ nhận được số Bitcoin phù hợp với công sức họ bỏ ra.
Số Bitcoin nhận được sẽ tương ứng với công sức các “thợ đào” bỏ ra
Cũng cần phải nói thêm rằng các thuật toán được sử dụng trong việc khai thác Bitcoin khá phức tạp đối với những người sử dụng máy tính phổ thông hay những chuyên gia về các loại thuật toán để có thể giải theo các phương thức thông thường.
Do đó, nhiều người thường ví hoạt động thu thập và tìm kiếm Bitcoin giống như “khai thác vàng” trong điều kiện khắc nghiệt và cũng giống như vàng, nguồn cung của Bitcoin tương đối hạn chế.
Tuy nhiên, điểm khác biệt duy nhất giữa vàng và tiền ảo chính là mức độ phân bố trong thị trường. Các thuật toán Bitcoin thay đổi liên tục dựa trên số lượng tiền đang được lưu thông trên thị trường và nó cũng phải đảm bảo lượng tiền phát ra không quá nhiều cũng không quá ít.
Nếu nguồn cung quá nhiều, Bitcoin sẽ dễ đào hơn. Nhưng khi nguồn cung quá ít và các “thợ đào” lại quá nhiều, họ phải đầu tư một dàn PC với cấu hình ‘khủng’ với một “bãi farm” (server farm) quy mô lớn nhằm phát huy tối đa tính cạnh tranh cũng như khả năng “đào mỏ” của mỗi người.
Dĩ nhiên, khi có quá nhiều người tham gia, công việc “đãi cát tìm vàng” sẽ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Nếu muốn khai thác hiệu quả, bạn cần phải có một dàn PC với cấu hình khủng
Theo nhận định của bà Vitalik Buterin, chủ biên tạp chí Bitcoin Magazine: “Tới thời điểm này, đào Bitcoin không phải là một ý tưởng hay. Bạn sẽ chẳng thu được gì nữa và cách tốt nhất để sở hữuBitcoin là bỏ tiền ra mua chúng trên sàn giao dịch.”
Theo ý kiến của người viết, bà Buterin nói đúng. Trong những ngày này, bạn có thể sẽ không còn kiếm được nhiều tiền ảo như trước nếu bạn không tham gia “hội thợ đào” (mining pool) – một nhóm người dùng sử dụng sức mạnh của bộ xử lý máy tính kết hợp với nhau để có thể đưa ra lời giải cho các thuật toán nhanh hơn, nhờ đó tỷ lệ tìm thấy Bitcoin sẽ cao hơn.
Hiện tại, có khá nhiều “hội thợ đào” được thành lập và mỗi hội có những nội quy cũng như phương thức hoạt động của riêng mình. Nếu bạn có ý định tham gia một hội nào đó, bạn có thể tìm thấy danh sách hội trên trang Bitcoin Wiki và hãy liên hệ với người điều hành để biết thêm chi tiết.
4. Bitcoin chưa được chào đón ở các cơ sở kinh doanh
Mặc dù đồng Bitcoin vẫn còn khá mới mẻ nhưng số lượng doanh nghiệp chấp nhận giao dịchBitcoin đang gia tăng nhanh chóng.
Tuy vậy, phần lớn các thương vụ liên quan tới Bitcoin vẫn chỉ diễn ra trên mạng, đúng với tính chất của một loại hình tiền ảo và bạn có thể “tiêu thụ” Bitcoin ở một số website như Reddit, WordPress, Mega và thậm chí là Wikileak.
Bên cạnh đó, một số cơ sở kinh doanh “thực” (chủ yếu là quán bar và các cửa hàng nhỏ) cũng đang dần chuyển dịch sang sử dụng loại tiền ảo này. Nếu muốn biết thêm về các website giao dịch cũng như các cơ sở kinh doanh chấp nhận tiền ảo, bạn có thể tra cứu danh sách trên Bitcoin wiki.
Có những cơ sở kinh doanh chấp nhận sử dụng tiền ảo để giao dịch
5. Bitcoin là đơn vị tiền không bảo đảm
Giao dịch Bitcoin chỉ được thực hiện một chiều, điều đó nghĩa là khi bạn chuyển tiền cho một ai đó, bạn không thể rút lại lệnh giao dịch của mình. Do đó, nếu một hacker nắm được “ví bitcoin” của bạn, hắn sẽ hoàn toàn có quyền kiểm soát số tiền bạn đang có và khi đó, mất mát là điều không thể tránh khỏi.
Phương thức giao dịch Bitcoin dựa trên cơ chế một chiều
Tuy nhiên, nếu sử dụng các dịch vụ lưu trữ tiền ảo của bên thứ ba với trách nhiệm bảo vệ tiền của bạn khỏi các hacker, bạn vẫn có thể khôi phục lại một phần (hay toàn bộ) số tiền đã mất.
Điển hình như dịch vụ lưu trữ “ví tiền ảo” Instawallet đã phải ngừng hoạt động do bị các hacker tấn công và đơn vị chủ quản của dịch vụ trên đã bồi thường cho những người tham gia dịch vụ.
6. Bitcoin và cha đẻ của chúng là một điều bí ẩn
Người sáng lập ra mạng lưới tiền ảo Bitcoin là một coder được biết dưới cái tên Satoshi Nakamoto. Nakamoto đã tung ra 50 đồng Bitcoin đầu tiên vào tháng 6 năm 2009 và đây được xem như nền tảng ban đầu (genesis block) cho mạng lưới tiền ảo.
Danh tính của Satoshi Nakamoto vẫn còn là một điều bí ẩn
Ngay sau đó, Nakamoto đã biến mất. Nhiều phóng viên đã cố gắng điều tra về danh tính thật của Nakamoto nhưng không thành công. Đến nay, sự thật về người (hoặc nhóm người) khởi xướng đơn vị tiền ảo thành công nhất hiện nay vẫn còn là một điều bí ẩn.
7. Bitcoin không phải là đơn vị tiền ảo đầu tiên nhưng cũng không phải là cuối cùng
Chúng ta có thể thấy rằng, Bitcoin hiện đang được xem như loại tiền ảo thành công nhất từ trước tới nay nhưng ít ai biết rằng, nó lại không phải là đơn vị tiền đầu tiên được sử dụng trên Internet.
Trước kia, chúng ta có e-gold, Beenz rồi tới Facebook Credits, nhiều người đã cố gắng tạo ra các loại đơn vị tiền kĩ thuật số có thể tồn tại được trên hệ thống mạng máy tính trong suốt hơn một thập kỉ qua nhưng chẳng mấy ai ghi được dấu ấn.
Facebook Credit – một đơn vị tiền ảo không ghi được dấu ấn với người dùng
Các loại tiền ảo tồn tại trước đó không thành công vì nhiều lý do. Một số bị “thủ tiêu” do tầm ảnh hưởng của nhà nước. Có những loại tự triệt tiêu do không có người sử dụng. Do Bitcoin có khả năng tự lưu thông trong thị trường nên nó không chịu ảnh hưởng bởi bất cứ cá nhân hay tổ chức cụ thể nào và nó chỉ bị triệt tiêu khi không ai có nhu cầu sử dụng nữa.
Về mặt lý thuyết, một hacker có thể phá hủy mạng lưới Bitcoin bằng cách sử dụng code can thiệp vào hệ thống. Tuy nhiên, trong suốt 4 năm qua, hệ thống mã của Bitcoin vẫn được xem như là bất khả xâm phạm cho dù đã xuất hiện tình trạng người dùng hack tiền kiếm lời cho bản thân hoặc tấn công vào tài khoản giao dịch của những người khác.
Hệ thống mã gốc của Bitcoin vẫn là một pháo đài kiên cố chưa hề bị chọc thủng đối với các hacker
Chính nhờ vào khả năng tự bảo vệ mình trước mọi nguy cơ xâm nhập, trên thị trường đã bắt đầu xuất hiện những đơn vị tiền “bắt chước” theo Bitcoin. Chúng ta có thể kể đến TerraCoin, Ripple và PPCoin là những đơn vị tiền ảo điển hình với nền tảng dựa trên mã nguồn mở Bitcoin và chúng cũng đang nhăm nhe cạnh tranh với tiền thật.
Trong thời điểm hiện tại, người sử dụng nên giữ khoảng cách cần thiết với các đơn vị tiền ảo nói chung và Bitcoin nói riêng. Do sự biến động bất thường về giá, Bitcoin chính là một con dao hai lưỡi khi Bitcoin có thể biến bạn thành một triệu phú hôm nay và một kẻ ăn mày ngay ngày mai.
Theo Trần Anh