Giật mình thức giấc vào ban đêm ở cùng thời điểm là triệu chứng rất nhiều người mắc phải vì những lý do không ngờ.
Theo Tiến sĩ Jose Colon, chúng ta thức giấc vào ban đêm từ 4-6 lần mỗi đêm là chuyện bình thường. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian thức dậy ngắn ngủi ấy, chúng ta có thể ngủ lại dễ dàng. Trong trường hợp bạn không thể ngủ ngay thì có lẽ do một số yếu tố tác động. Dưới đây là các lý do phổ biến nhất làm bạn thức dậy vào ban đêm và gặp khó khăn khi ngủ lại.
1. Nằm sai tư thế
Tư thế nằm ngủ không đúng có thể gây ra các triệu chứng như mệt mỏi mãn tính, đau đầu, ợ nóng, đau cổ hoặc đau lưng. Do đó, bạn nên chú ý tới giường ngủ hay nệm của mình để có độ mềm vừa phải. Khi ngủ, hãy chắc chắn rằng gối của bạn nâng đỡ cả phần cổ và đầu.
Theo Tiến sĩ John Douillard, nằm ngủ nghiêng bên trái có thể cải thiện lưu thông máu và tiêu hóa, giúp hệ tuần hoàn hoạt động bình thường, đồng thời ngăn ngừa bệnh tim.
Nếu bạn không thể thay đổi hoàn toàn thói quen ngủ của mình thì cố gắng làm theo một vài lời khuyên sau:
– Nếu bạn nằm ngửa, hãy đặt một cái gối dưới đầu gối để giảm áp lực xuống phần lưng.
– Nếu bạn nằm nghiêng, đặt một cái gối bên dưới nách để đỡ cánh tay của bạn và một cái khác giữa hai chân để giữ cho cột sống của bạn không bị cong vẹo.
– Nếu bạn nằm sấp thì hãy sử dụng một chiếc gối mỏng kê đầu hoặc không cần dùng nó.
2. Tiếng ồn từ môi trường
Nếu bạn sống ở một thành phố lớn, bạn sẽ hiểu được việc tiếp xúc với vô số những tiếng ồn kể cả ngày hay đêm. Chuông báo thức của người cùng giường với bạn rung, hàng xóm bật nhạc vào mỗi sáng, xe buýt hay tàu hỏa đi ngang qua, trẻ em khóc hay tiếng vật nuôi kêu xung quanh… là những âm thanh ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng giấc ngủ của bạn.
Để khắc phục tình trạng này, hãy sử dụng nút bịt tai trong khi bạn ngủ, nhưng nút tai bằng cao su non/xốp/bọt biển thường có tuổi thọ thấp. Bạn cũng nên vệ sinh chúng thường xuyên thì mới đảm bảo cho sức khỏe.
Nếu âm thanh gây ồn phát ra từ hàng xóm hoặc từ bên ngoài, bạn có thể cách âm các bức tường của căn phòng mình để có giấc ngủ thoải mái.
3. Ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ có nghĩa là đường hô hấp bị tắc nghẽn làm hạn chế lượng không khí đến phổi và điều này có thể khiến bạn liên tục ngừng thở vào ban đêm. Trong trường hợp này, sự tỉnh giấc của bạn là do thiếu oxy trong máu. Ngoài triệu chứng ngưng thở, bạn có thể bị đau đầu, khô miệng, đau ngực, buồn ngủ và dễ thay đổi tâm trạng.
4. Hội chứng chân không yên (Restless Legs Syndrome – RLS)
Nếu luôn bị cảm giác bồn chồn ở chân và khó di chuyển khi thức dậy thì có lẽ bạn đã bị hội chứng chân không yên. Hiện tượng này khiến chúng ta cảm thấy ngứa ngáy, có cảm giác như vật gì đó leo bò lên chân. Đôi khi bạn còn cảm thấy đau nhói và khó chịu ở hai chi dưới.
Mát – xa chân, tập thể dục nhẹ nhàng hay tắm nước ấm có thể giúp bạn làm dịu ảnh hưởng của triệu chứng này. Nếu bạn bị thiếu ngủ, bạn có thể thay đổi thói quen ngủ của mình bằng cách ngủ trưa.
5. Nhiệt độ phòng ngủ sai
Nhiệt độ phòng ngủ quá nóng hoặc quá lạnh cũng khiến bạn tỉnh dậy vào ban đêm. Trên thực tế, cơ thể cần nhiệt độ giảm xuống một chút để đi sâu vào giấc ngủ, nhưng điều đó không có nghĩa bạn mở điều hòa ở nhiệt độ quá thấp.
Theo Tổ chức nghiên cứu giấc ngủ Mỹ (The National Sleep Foundation), nhiệt độ phòng lý tưởng cho một đêm ngủ ngon giấc trong khoảng từ 60 ° F (15,5 độ C) đến 67 ° F (19,5 độ C). Đối với trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi, nhiệt độ từ 65 ° F (18,3 độ C) đến 70 ° F (21 độ C).
Bạn cũng có thể thử tắm nước ấm trước khi đi ngủ. Việc làm tăng nhiệt độ cơ thể sau đó hạ xuống sẽ giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn.
6. Uống rượu
Tránh uống rượu ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ. Thay vào đó, hãy uống một tách trà hoa cúc vì nó sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn.
7. Dành thời gian trực tuyến
Sử dụng điện thoại để trò chuyện trên Facebook hay Twitter gây hại đến chất lượng ngủ của bạn. Một số nghiên cứu cho thấy rằng tiếp xúc mắt với ánh sáng xanh phát ra từ smartphone trong buổi tối ngăn cản cơ thể bạn sản sinh ra hormone ngủ melatonin.
Hãy tắt tất cả các thiết bị điện tử từ 1-2 giờ trước khi bạn đi ngủ. Nếu nhất định phải sử dụng, hãy cố gắng làm giảm độ sáng từ điện thoại hay máy tính bảng và giữ chúng cách xa mặt bạn một chút.