700 cuốn sách thiếu nhi ‘tuổi đời U50, U70’ của chàng trai Huế

Với Nhật Hoàng, bộ sưu tập sách truyện thiếu nhi xưa giúp anh được sống lại ký ức thời thơ ấu, cũng là cách anh gìn giữ những ấn phẩm mang đậm dấu ấn thời gian.

z5183737203431 badbd7dfe46a21ae11e17bc318f5dde0

Nhật Hoàng có sở thích sưu tầm sách truyện thiếu nhi cũ.

Cứ có thời gian rảnh, Nguyễn Nhật Hoàng (32 tuổi), kỹ sư xây dựng tại Thừa Thiên Huế, lại lau dọn sạch sẽ một góc nhà, bày ra những cuốn sách thiếu nhi đã sờn gáy, bạc màu. Cẩn thận lật giở từng trang vài cuốn trong số đó, Hoàng thi thoảng bật cười khúc khích với những chi tiết trong truyện, cảm giác được trở lại làm cậu bé Hoàng say mê những trang truyện ngày xưa.

Những cuốn sách truyện cũ kỹ, tuổi đời ngang ngửa hay thậm chí gấp đôi tuổi Nhật Hoàng ấy nằm trong bộ sưu tập được anh kỳ công gom góp, hiện có trên dưới 700 cuốn. Chia sẻ với Znews – Tri thức, chàng kỹ sư xây dựng cho biết “thư viện nhỏ” này gắn với bao kỷ niệm vui buồn, là sở thích, đam mê, niềm tự hào của anh nhiều năm nay.

Tình yêu dành cho sách truyện thiếu nhi xưa

Có mẹ làm ở thư viện trường làng, từ nhỏ, Nhật Hoàng sớm có cơ hội tiếp xúc với nhiều thể loại sách truyện cho thiếu nhi. Đây cũng là nơi đem đến những cuốn sách đầu tiên và quan trọng của tuổi thơ Hoàng. Đến khi lên cấp 2, cấp 3, anh vẫn thi thoảng ghé lại thư viện nhỏ ấy cho đến khi mẹ về hưu năm 2010.

“Tiếp xúc với sách từ nhỏ và đặc biệt là những dòng sách văn học thiếu nhi đã gây ấn tượng mạnh với tôi. Có thể kể đến Nhà xuất bản Kim Đồng với logo hai chữ ‘KĐ’ viết tắt thân quen, rồi đến các tập sách của Nhà xuất bản Măng Non, tủ sách Ngựa Gióng đều thân thuộc với tuổi thơ tôi. Chúng dần khơi mở trong tâm hồn, hướng tôi đến những khung trời mới lạ lẫm hơn, diệu kỳ hơn mà trước đây chưa từng bắt gặp, nảy nở biết bao nhiêu điều tưởng tượng”, anh chia sẻ.

Nhật Hoàng chẳng thể nào quên những lần bật cười với những thói xấu mà cũng đầy hài hước của một chú ngan mơ mộng trong Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công (nhà văn Vũ Tú Nam), cho đến những vui buồn cùng Cù Lao và Cục trong Quê nội Tảng sángcủa nhà văn Võ Quảng, và rồi những người bạn trong Đội thiếu niên du kích Thành Huế của nhà văn Văn Tùng, Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, những cuộc phá án thú vị trong Vụ án trầu cánh phượng của nhà văn Hà Ân…

Lớn lên một chút, anh đọc thêm tác phẩm văn học của các tác giả trong nước và văn học dịch của Trung Quốc, Mỹ… nhưng tựu trung, dòng sách văn học thiếu nhi luôn đem lại cho anh một niềm cảm xúc mới mẻ, trong trẻo mà tuổi thơ đã đi qua.

“Có những quyển sách, những nhân vật mà bây giờ hồi tưởng lại, tôi cứ có cảm giác như đã ‘gặp’ ở đâu, từng nằm lăn lóc đọc trên cái sập gỗ hay cả dưới những gốc phượng già giờ đã không còn nữa. Những cuốn sách ấy đã gắn liền với tuổi thơ tôi và trở thành tài sản theo suốt cuộc hành trình đến giờ vẫn chưa dứt”.

Đọc và mê mẩn với dòng sách thiếu nhi, lúc nhỏ, Nhật Hoàng cũng được mẹ mua cho nhiều sách nhưng sau trận đại hồng thủy ở Huế năm 1999, đa số bị cuốn đi theo cơn lũ.

Bởi thế, trong những năm học đại học và sau này đi làm có điều kiện tài chính, anh luôn cố gắng đi tìm lại những đầu sách của tuổi thơ trước đây từng đọc và lưu giữ lại như những người bạn nhỏ, để sau mỗi giờ đi làm hay mệt mỏi, “đứng bên kệ sách lần giở từng tập sách nhỏ, bao muộn phiền như vơi đi cả”.

Bộ sưu tập giàu giá trị tinh thần

Nhật Hoàng sưu tầm sách thiếu nhi từ khi tốt nghiệp, bắt đầu đi làm, đến nay đã được 8 năm. Ban đầu, anh chỉ mua theo sở thích, sau đó quan tâm và muốn đọc lại những tập sách ngày bé xem qua, “thế là tủ sách nhỏ cứ đầy dần lên theo năm tháng”.

Chàng kỹ sư xây dựng chủ yếu sưu tầm sách văn học thiếu nhi từ những năm 195x đến 199x, trong đó chủ yếu từ Nhà xuất bản Kim Đồng, các tập sách của Tủ sách thiếu nhi Ngựa Gióng – Nhà xuất bản Hà Nội. Đặc biệt, cuốn có tuổi đời lâu nhất anh sở hữu là Bé Ly và chú công nhân chữa điện của nhà văn Bùi Minh Quốc, in năm 1959.

Trong những cuốn Hoàng sưu tầm được, có nhiều tác giả quen thuộc như nhà văn Hà Ân, Vũ Hùng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Quỳnh, Đoàn Giỏi, Phong Thu đến các nhà thơ Phạm Hổ, Định Hải, Bế Kiến Quốc… Đặc biệt, có cả các tác phẩm văn học cho thiếu nhi giai đoạn trước được nhiều họa sĩ lão thành nổi tiếng trình bày bìa và vẽ minh họa như Tạ Thúc Bình, Ngô Mạnh Lân, Nguyễn Bích, Mai Long, Văn Cao, Nguyễn Thụ…

“Một cuốn sách tôi cảm thấy khá may mắn và rất thích khi sưu tầm được là bản in đầu tiên của cuốn Bên bờ Thiên Mạc của cố nhà văn Hà Ân, in năm 1967 do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, họa sĩ Nguyễn Bích vẽ bìa và minh họa.

Sở dĩ tôi nói may mắn là do cuốn sách nằm lẫn trong chồng sách thiếu nhi giai đoạn 199x tôi mua ngoài Hà Nội (dòng sách thiếu nhi in những năm 199x khá dễ tìm), và bản thân tôi rất yêu thích những tác phẩm của cố nhà văn Hà Ân. Đặc biệt, bản sách này còn có cả chữ ký của tác giả và đóng dấu mộc đỏ logo của Nhà xuất bản Kim Đồng”.

Đối với Nhật Hoàng, việc tìm mua những cuốn sách cũ yêu thích vừa dễ vừa khó. Nhờ sự phát triển của Internet, các quầy sách cũ, nhà sách online trên các nền tảng khá nhiều so với thời gian trước, các hội nhóm trên mạng xã hội cũng là một nguồn hữu ích.

Tuy nhiên, anh nhận thấy hiện nay những dòng sách văn học thiếu nhi của giai đoạn trước đang có rất nhiều người tìm kiếm, sưu tầm, từ các cô, bác lớn tuổi cho đến cả những bạn trẻ 9X, do đó việc sở hữu được những cuốn sách cần còn tùy thuộc vào “cái duyên” giữa bản thân và cuốn sách đó.

“Ngoài ra, khoảng 4-5 năm trước, giá bán sách văn học thiếu nhi xưa khá dễ chịu, chỉ từ 30.000 đến 50.000 đồng một cuốn, cao nhất khoảng 150.000 đồng tùy vào năm xuất bản, độ hiếm và khổ sách thì hiện nay, giá bán đã nhảy lên từ 80.000 đến 150.000 đồng tùy cuốn, cá biệt có một số cuốn từ 300.000 đến cả triệu đồng”, anh chia sẻ.

Để bảo quản các cuốn sách vốn đã bị hư hại một phần theo thời gian, Nhật Hoàng chủ yếu bọc túi nylon hoặc thay ghim mới, hạn chế động chạm nhiều vì đa số sách giấy rất giòn và cũ, nếu không khéo léo sẽ hư hỏng nặng thêm.

“Đối với tôi, những cuốn sách thiếu nhi xưa luôn đem lại cảm giác nao lòng và hoài niệm, là một phần không thể xóa nhòa của tuổi thơ”, anh bày tỏ.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Gia tài sách của cặp vợ chồng Hà Nội có chung sở thích đọc

Bên nhau từ những năm cấp 3, Lê Minh và Thanh Hà có nhiều điểm chung tuyệt vời đến bây giờ, một trong số đó là sở thích dành cho những trang sách.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin