Một lần nghiêm túc nghe con nói, một lời khuyến khích nhẹ nhàng, hay ở bên định hướng cho con… tất cả những việc ấy tưởng chừng thật nhỏ bé nhưng đã quá đủ để các bậc phụ huynh có thể giúp con phát triển ước mơ làm doanh nhân nhí của mình.
Năm lên 8, Madison nảy ra ý tưởng làm những đôi dép xỏ ngón trang trí bằng hình sinh vật biển và gắn đèn nhấp nháy. Bố cô – Dan Robinson – một nhà thiết kế áo phông đã ủng hộ con gái bằng cách giúp biến những bức vẽ của cô thành sản phẩm mẫu. Điều này đã tạo niềm tin giúp Madison dũng cảm theo đuổi mục tiêu lớn của mình.
Và tới năm 2013, Madison Robinson đã khiến cả thế giới chú ý khi trở thành tỷ phú tự thân ở tuổi 15. Rõ ràng, sự khuyến khích đúng đắn và hợp lý của bố mẹ đối với những ý tưởng dù có chút kỳ lạ hay những mục tiêu có vẻ quá lớn so với độ tuổi của con là việc vô cùng cần thiết.
Một ý tưởng độc đáo và kỳ diệu giống như vậy có thể đến từ bất cứ ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở bất cứ độ tuổi nào, và tất nhiên, nó cũng có thể đến từ một trong những đứa con của bạn.
Kinh tế ngày càng phát triển, bố mẹ chú trọng đầu tư hơn vào việc chăm lo, nuôi dạy con cái, cùng với sự hỗ trợ đắc lực của mạng internet và sự phổ biến rộng rãi của các phương tiện truyền thông xã hội đã tạo ra nhiều cơ hội để trẻ em dễ dàng khám phá và chinh phục những điều mới lạ. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều trẻ em đã bắt đầu theo đuổi các mục tiêu kinh doanh của chúng ngay từ khi mới 6, 7 tuổi.
Theo một cuộc khảo sát doanh nhân trẻ gồm 1.721 học sinh từ lớp 5 đến lớp 12, có tới 77% người muốn trở thành chủ doanh nghiệp. 45% trong số chúng muốn tự bắt đầu việc kinh doanh của mình, trong khi 42% học sinh chia sẻ về mục tiêu sáng tạo, phát minh ra một thứ gì đó có thể góp phần thay đổi thế giới.
Những tham vọng lớn, dù là từ những đứa trẻ thì đều cần phải được nuôi dưỡng, và là cha mẹ, bạn có thể giúp chúng biến mục tiêu kinh doanh của mình thành hiện thực với 7 mẹo nuôi dạy các doanh nhân nhí dưới đây.
1. Khuyến khích sự tò mò
Hầu hết trẻ nhỏ thường tò mò về mọi thứ xung quanh chúng. Đây cũng là động lực thúc đẩy chúng khám phá, tìm hiểu và học hỏi. Nhiều người cho rằng một đứa trẻ dưới bảy tuổi sẽ dễ dàng học một ngôn ngữ thứ hai nào đó nhanh hơn so với người lớn. Vì sao? Bởi khác với người lớn với quá nhiều mối lo âu thường nhật, trong khi bộ não của trẻ nhỏ thường còn khá nhiều không gian để tiếp thu và học hỏi những điều mới lạ.
Theo một báo cáo từ trường Cao đẳng Sư phạm Đại học Columbia, điều này có liên quan nhiều tới thùy trán – vùng não bộ chuyên cấu tạo, hình thành những ý tưởng và ngôn ngữ. Nếu đứa trẻ của bạn đang rất tò mò về một điều gì đó tích cực, hãy khuyến khích chúng bằng cách sắp xếp thời gian cùng trò chuyện, tìm hiểu giải đáp mọi câu hỏi của chúng, hoặc giúp chúng đăng ký tham gia các hoạt động thực tế hay lớp học trực tuyến liên quan.
2. Nghiêm túc lắng nghe
Một trong những yếu tố cần thiết giúp bạn trở thành bố mẹ tốt trong việc nuôi dạy con cái là phải luôn cho chúng biết rằng bạn hiểu và sẵn sàng ủng hộ chúng. Suy nghĩ và ước mơ của các bạn nhỏ luôn thay đổi mỗi ngày. Có thể mới hôm trước còn muốn trở thành phi hành gia, hôm sau đã lại mơ ước trở thành bác sĩ thú y. Sự thay đổi quá nhanh này có thể khiến bạn phì cười và lắc đầu bất lực mỗi khi nghe những đứa trẻ bộc lộ mong muốn của mình, nhưng hãy nhớ, đừng nhanh chóng phủ định chúng.
Nếu con bạn muốn trở thành một thợ làm bánh ngọt và hỏi rằng liệu bé có thể bán bánh nướng trong khu phố không, tại sao không nói có? Đúng, mơ ước của một đứa trẻ có thể thay đổi từ phút này sang phút khác, nhưng cha mẹ vẫn có thể giúp con cái trưởng thành và khám phá những ý tưởng mới chỉ với một hành động nhỏ là nghiêm túc lắng nghe ý kiến của chúng.
3. Dạy trẻ giá trị của đồng tiền
“Tiền chỉ là một công cụ. Nó như một chiếc xe có thể đưa bạn đến bất cứ nơi nào mà bạn muốn, nhưng không thể thay thế được vị trí người cầm lái của bạn”.
Có một sự thật rằng, dù bạn là ai, bao nhiêu tuổi, làm chủ hay làm thuê, năng lực kiểm soát tình hình tài chính của bản thân luôn là một yếu tố vô cùng quan trọng. Và để vun đắp cho ước mơ của mình, lũ trẻ cũng cần được học cách quản lý tiền bạc sớm nhất khi có thể.
Bố mẹ có thể dạy con trách nhiệm và giá trị của đồng tiền bằng cách khuyến khích chúng tiêu tiền một cách khôn ngoan. Đặt ra những tình huống cụ thể và hướng dẫn chúng giải quyết những rắc rối phát sinh. Bố mẹ cũng cần dạy con tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền và đầu tư khôn ngoan vào các sản phẩm để theo đuổi mục tiêu của chúng.
4. Giúp con hiểu thất bại không phải là điều quá tồi tệ
Trong một khảo sát đã được tiến hành, có tới 91% người trẻ khởi nghiệp nói rằng họ không sợ mạo hiểm, ngay cả khi họ thất bại.
Khởi nghiệp kinh doanh luôn là một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, khôn khéo, chăm chỉ và trách nhiệm. Việc hăng hái nỗ lực hết mình để thực hiện một dự án nhưng lại thất bại có thể là một đả kích khá lớn đối với một đứa trẻ.
Do đó, việc trang bị cho con một tinh thần thép để đối mặt với thất bại vô cùng cần thiết. Hãy nhấn mạnh với chúng rằng, thay vì quá coi trọng danh tiếng và thành công thì vui chơi, học hỏi và đạt được nhiều bài học kinh nghiệm có ích nên là mục tiêu chính chúng cần theo đuổi.
5. Ở bên con trong “bước đi” đầu tiên
Việc định hướng khi bắt đầu khởi nghiệp là một việc vô cùng quan trọng, bởi nó sẽ ảnh hưởng tới quá trình và kết quả về sau. Vì thế, bố mẹ nên sắp xếp thời gian để giúp con một số việc ở giai đoạn đầu.
Cha mẹ nên ở bên, giúp định hướng bước đầu và tư vấn thêm cho con.
Giúp con nghiên cứu nhu cầu thị trường, dạy con cách quảng bá sản phẩm, hướng dẫn con cách phát triển ý tưởng thành những sản phẩm thực tế hay nếu quá bận, bố mẹ có thể tìm hiểu và đăng kí những lớp học kinh doanh trực tuyến cho con.
6. Giúp con tìm kiếm cơ hội
Nếu con bạn muốn ra mắt một sản phẩm hoặc dịch vụ, chúng sẽ cần cơ hội để quảng bá sản phẩm tới mọi người.
Do vậy, cha mẹ nên chú ý tìm hiểu và giúp con đăng ký một vài cuộc thi liên quan, đưa con đến một vài triển lãm thương mại để tạo cơ hội giúp chúng làm quen và học hỏi kinh nghiệm từ những doanh nhân thành công. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể liên hệ với một số phương tiện truyền thông để giúp con giới thiệu sản phẩm của mình
7. Dạy con coi việc kinh doanh là một niềm vui
Thời thơ ấu là thời gian để vô tư, không phải để quay cuồng với những lo lắng. Vì thế, cha mẹ hãy dạy con lấy niềm vui làm mục tiêu theo đuổi chính của mình, làm những gì mình thích thay vì quá đặt nặng việc lãi, lỗ hay nhiều vấn đề khác trong quá trình kinh doanh.
Giống như Orville Redenbacher vậy. Năm 12 tuổi, ông bắt đầu kinh doanh bỏng ngô. Mặc dù niềm đam mê với loại đồ ăn này đã giúp ông chi trả được toàn bộ học phí đại học, nhưng thực sự thì chưa bao giờ Redenbacher nghĩ rằng ông sẽ biến tình yêu bỏng ngô của mình thành một thị trường có giá tỷ đô. Rõ ràng, vào lúc ấy, ông chỉ làm vì yêu thích và sự vui vẻ mà thôi.
Người xưa có câu “dạy con từ thuở còn thơ”. Vậy nên, cha mẹ hãy thực hiện theo 7 lời khuyên trên để nuôi dưỡng mầm ước mơ và trao quyền cho con để chúng tự do theo đuổi các mục tiêu kinh doanh của mình.