Những mảng màu xám loang rất nhanh trong bức tranh toàn cảnh khu vực doanh nghiệp giữa bối cảnh dịch bệnh. Theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất để duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh là các biện pháp phòng, chống Covid-19 hợp lý, không quá cực đoan.
Sáng nay, Chủ nhật ngày 8/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc làm việc với đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
8 khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư khiến cho những mảng màu xám loang rất nhanh trong bức tranh toàn cảnh nền kinh tế.
Các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dự trữ của họ đang cạn dần. Sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp tiếp tục suy giảm.
Dịch Covid-19 đã xâm nhập các khu công nghiệp, khu chế xuất, ở các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động và sản xuất quy mô lớn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối diện thành 8 nhóm vấn đề và nêu ra tại Hội nghị.
Thứ nhất, tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm. Nhu cầu trong các ngành giảm từ 40-50%. Trong đó, nặng nề nhất là ngành hàng không, vận chuyển hành khách, du lịch, nhà hàng, khách sạn… nhu cầu bị giảm đến 70-80%.
Thứ hai, doanh thu giảm mạnh trên diện rộng. Ngành du lịch không có doanh thu còn ngành hàng không sụt giảm trung bình 61% so với 2019, đợt dịch cao điểm đầu năm 2021 giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020.
Doanh thu sụt giảm dẫn đến dòng tiền bị thiếu hụt nghiêm trọng, các doanh nghiệp rất khó khăn. Hầu hết các doanh nghiệp khó có thể xoay xở trả lãi vay ngân hàng đúng hạn, dẫn đến tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn, khó có thể tiếp cận các khoản vay mới.
Thứ ba, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao. Chi phí logistics tăng từ 2-4 lần, có thời điểm lên đến 5 lần so với trước khi có dịch, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu đầu vào, làm tăng giá thành sản xuất.
Nhiều khoản chi phí mới phát sinh liên quan đến phòng chống dịch như xét nghiệm, đầu tư trang thiết bị để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh tại doanh nghiệp, hỗ trợ giữ chân người lao động…
Thứ tư, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ. Nếu đợt dịch bùng phát kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng.
Thứ năm, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn do một số tỉnh, thành phố áp dụng các chính sách phòng, chống dịch bệnh chưa thống nhất và hợp lý. Hậu quả là chậm có hàng, sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, chi phí lưu kho, lưu bãi, cước vận chuyển tăng.
Thứ sáu, để cầm cự trước dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động. Doanh nghiệp đối diện với nguy cơ thiếu lao động nghiêm trọng khi sản xuất trở lại.
Thứ bảy, khó khăn về chuyên gia do vẫn phải áp dụng biện pháp hạn chế nhập cảnh để chống dịch.
Thứ tám, khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước do việc triển khai một số chính sách cứng nhắc, thiếu thống nhất, chưa bao quát hết các tình huống phát sinh trong thực tế.
4 giải pháp cấp thiết
Điểm đáng lưu ý là các kiến nghị của doanh nghiệp đều nhấn mạnh đến vấn đề đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong thực thi triển khai các quy định, chính sách phòng, chống dịch trên toàn quốc.
Các ý kiến từ các doanh nghiệp và các hiệp hội đều thống nhất ở một điểm chung: Trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp chính là các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hợp lý, không quá cực đoan, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành các đơn hàng.
Bên cạnh những chính sách để duy trì sản xuất trong khi dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp, khó lường thì cũng cần tính đến các nguồn lực cần thiết và những biện pháp, chính sách hỗ trợ dài hạn, bền vững, giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh và trở lại mạnh mẽ hơn sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Đồng thời, hạn chế tối đa việc để xảy ra phá sản doanh nghiệp và các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực quan trọng, nền tảng mà Việt Nam cần nắm giữ bị thâu tóm, sáp nhập.
Với quan điểm đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu lên 08 nhóm giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn, trong đó có 4 nhóm giải pháp chủ yếu và cấp thiết cần triển khai ngay.
Một là, thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ưu tiên tiêm vắc-xin ở những khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao, tập trung cho các chuỗi cung ứng, công nhân trong các khu, cụm công nghiệp, lao động trong một số lĩnh vực có tiếp xúc cao.
Cho doanh nghiệp tự mua dụng cụ tự xét nghiệm để chủ động hơn; đẩy mạnh việc công nhận hộ chiếu vắc-xin; áp dụng chứng chỉ tiêm vắc-xin.
Nghiên cứu chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp ngành y tế (vắc-xin, dược phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế), coi đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam để tăng năng lực nghiên cứu, sản xuất trong nước, làm chủ công nghệ, nâng cao sức chống chịu. Đây là chính sách mang tính chiến lược cho cả trước mắt và dài hạn.
Hai là, đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, không để chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn.
Thực hiện “luồng xanh” hàng hóa quốc gia, liên tỉnh, liên vùng, kiểm soát bằng công nghệ và áp dung quy tắc vận tải an toàn phòng chống dịch Covid-19 để lưu thông nhanh nhất, thuận lợi nhất.
Thống nhất các quy tắc phân loại chống dịch Covid-19 chung trên cả nước, tránh tình trạng địa phương hoá quá mức, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp; Nghiên cứu khung quy định về nhà máy an toàn để có thể linh hoạt áp dụng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và doanh nghiệp. Hạn chế tối đa đứt gãy chuỗi cung ứng.
Thứ ba, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp.
Thứ tư, tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia.
Và để tạo nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề xuất 4 nhóm giải pháp, chính sách dài hạn.
Thứ nhất, xây dựng chính sách phát triển doanh nghiệp có tính chiến lược, khai thác lợi thế ngành, lĩnh vực để đón bắt cơ hội nhằm phục hồi nền kinh tế, phát triển các doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn, đóng vai trò dẫn dắt; phát triển công nghiệp ngành y tế; phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các ngành công nghiệp ưu tiên; đảm bảo ổn định nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành sản xuất chế tạo; phát triển chuỗi giá trị trong ngành nông nghiệp, chế biến thực phẩm nhằm tạo giá trị gia tăng cao.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Thứ ba, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh phát triển kinh tế số.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả hoạt động và khai thác dư địa của khu vực doanh nghiệp Nhà nước, phát triển một số tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn hoạt động hiệu quả, có vai trò dẫn dắt trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.