85% thành công của người lãnh đạo được quyết định bởi khả năng giao tiếp hiệu quả với người khác.
Năng lực giao tiếp là phẩm chất cốt lõi của một người làm lãnh đạo. 85% thành công của người lãnh đạo được quyết định bởi khả năng giao tiếp hiệu quả với người khác. Suy cho cùng, người lãnh đạo là người phải làm việc với tất cả mọi người trong tổ chức – thành công của họ chính là thành công của bạn. Nếu thiếu kỹ năng giao tiếp, bạn sẽ không thể trở thành nhà lãnh đạo.
Giao tiếp là một kỹ năng có thể học được. Nhưng trước hết, bạn phải hiểu 4 điều sau:
Hãy rõ ràng
Người lãnh đạo cần nói rõ quan điểm, chiến lược và ước mơ của mình. Bất cứ khi nào thấy một tổ chức hoạt động một cách vô định, bạn sẽ thấy các nhân viên trong tổ chức hiểu biết rất mơ hồ về mục đích của tổ chức. Trái lại, ở một tổ chức thành công, nhân viên ở mọi cấp độ sẽ hiểu rõ tổ chức đang nỗ lực vì điều gì, đang hướng đến đâu và tương lai của tổ chức sẽ như thế nào.
Họ cũng biết rõ điểm mạnh và điểm yếu của tổ chức.Nếu muốn trở thành một nhà lãnh đạo giỏi, hãy học cách bày tỏ quan điểm, ý kiến và mục tiêu của bạn thật rõ ràng với người khác. Và hãy đảm bảo rằng những người mà bạn mong được họ giúp sức phải biết rõ bạn mong đợi họ đóng góp điều gì.
Xác lập kỳ vọng
Các nhân viên ngày nay thường phàn nàn rằng họ không biết công ty kỳ vọng điều gì ở họ. Thật đáng ngạc nhiên trước khối lượng nhân viên được kỳ vọng đóng góp thực hiện các mục tiêu của tổ chức, nhưng lại không biết chắc mình nên làm gì. Những người không hiểu rõ công việc mà họ cần làm thường trở nên tiêu cực và hoài nghi, họ dần mất đi động lực và không còn khả năng đóng góp hết mình cho tổ chức.
Ngoài việc nêu rõ những việc cần làm, nhà lãnh đạo cũng phải truyền đạt lý do “tại sao”. Nhà lãnh đạo phải đảm bảo mọi người đều biết lý do họ đang làm công việc hiện tại. Mỗi lao động ngày nay cần biết tại sao họ lại đang làm một công việc cụ thể. Nói với một người rằng họ phải hoàn thành công việc hoặc nhiệm vụ này thôi không đủ; bạn cần phải cho họ biết cả lý do. Người đó cần biết công việc sẽ tác động đến bản thân họ như thế nào. Người đó cần biết nó sẽ tác động đến khách hàng và những người khác ra sao. Nietzsche từng nói: “Một người có thể chịu đựng được bất cứ điều gì nếu anh ta biết được đủ lý do.”
Khi bạn càng nói rõ cho mọi người biết lý do phải làm việc cần làm, họ càng có động lực, cam kết, trung thành, dốc lòng và tham gia nhiệt tình. Nếu không, khi họ sẽ mơ hồ về lý do thực hiện công việc, dẫn đến sự lãnh đạm và thờ ơ.
Luôn hiện diện
Cách tốt nhất để giao tiếp với người khác là đối mặt trực diện. Nếu để ý, bạn sẽ thấy các vị tướng kiệt xuất và các nhà lãnh đạo tài ba luôn sát cánh cùng binh lính hay nhân viên của họ. Rất hiếm khi bạn thấy họ ngồi một chỗ để chỉ đạo. Thực tế là, để bước lên những bậc cao hơn trong nấc thang quản lý, người lãnh đạo càng phải dành nhiều thời gian để trò chuyện với mọi người.
Phương thức quản trị MBWA (managenet by wandering around) — Quản trị dạo vòng quanh, đồng nghĩa với việc bước chân ra khỏi văn phòng, đi quanh và trò chuyện với mọi người về công việc của họ. Hãy luôn hiện diện và dễ tiếp cận, để mọi người có thể tìm đến và chia sẻ với bạn về các vấn đề cũng như những gì đang diễn ra ở phòng ban của họ. Bạn sẽ có được thông tin chuẩn xác và kịp thời hơn khi bước ra ngoài, giao tiếp với nhân viên và khách hàng, thay vì dành hàng giờ, hàng ngày thậm chí hàng tuần ngồi trong văn phòng. Các nhà lãnh đạo tài ba nhất thường dành 50% thời gian ở ngoài văn phòng, thường xuyên xuất hiện trong tầm mắt của nhân viên và trở nên dễ tiếp cận.
Sự hiện diện như vậy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giao tiếp và thu thập thông tin từ khách hàng. Các nhà lãnh đạo cần dành tối thiểu 25% thời gian với khách hàng – thay vì ngồi sau bàn làm việc hay tập trung vào các con số hoặc dữ liệu thống kê, hãy bước ra ngoài và chăm sóc khách hàng.
Cách đây không lâu, khi những đầu máy video là thiết bị rất được ưa chuộng, có một người đàn ông đã mua một chiếc đầu máy video tại một cửa hàng máy tính và đồ điện tử ở Santa Clara và gặp “nhân viên thu ngân” là một người đang ông Nhật Bản đứng tuổi. Tiếng Anh của ông ta rất tệ. Khi vị khách rời khỏi cửa hàng cùng món đồ mua được, một người bạn đã nói với ông ta: “Này, anh có biết đó là ai không?” “Không,” người đàn ông nọ trả lời. “Akio Moria, chủ tịch tập đoàn Sony đấy.” Khi đó, Morita đang ở Mỹ, ông đi thực tế tại các cửa hàng và đã đứng bán sản phẩm để thu nhận phản hồi từ khách hàng.
Luôn dùng chiêu thuyết phục bán hàng
Lãnh đạo là những chuyên gia thuyết phục xuất chúng. Họ luôn biết cách khéo léo thuyết phục khách hàng mua sản phẩm hoặc dịch vụ của họ. Họ “bán” tổ chức, ước mơ, mục tiêu và cả các lý do cho nhân viên. Họ cũng bán cho các nhân viên yêu cầu làm việc thêm giờ, làm việc chăm chỉ hơn, những đóng góp giá trị hơn, tham gia vào ban điều hành và nhận lãnh trách nhiệm cao hơn. Tất cả các nhà lãnh đạo xuất sắc đều có khả năng thuyết phục bán hàng.
Ngoài ra, lãnh đạo còn có khả năng thương thuyết và thỏa hiệp. Họ có năng lực tìm kiếm những giải pháp đôi bên cùng có lợi. Đây là điểm chính yếu trong năng lực lãnh đạo, giúp họ dẫn dắt những người có quan điểm, mong ước và thái độ khác nhau, đồng thời làm hài hòa những quan điểm khác biệt để khiến tất cả cùng nhau hợp tác vì mục tiêu chung của tổ chức.