Nếu phát hiện mình có 9 dấu hiệu sau thì bạn nên tìm đến bác sĩ để thăm khám, sàng lọc ung thư đại tràng ngay!
Hôm 28/8, nam tài tử Chadwick Boseman, thủ vai chính trong bộ phim Black Panther đã qua đời ở tuổi 43, sau 4 năm kiên cường chiến đấu với căn bệnh ung thư đại tràng .
Bên cạnh niềm tiếc thương trước sự ra đi đột ngột của Chadwick Boseman, dư luận những ngày qua cũng quan tâm nhiều đến căn bệnh ung thư mà nam diễn viên tài năng này được chẩn đoán hồi năm 2016, đó là ung thư đại tràng.
Ung thư đại tràng gây tử vong nhiều thứ hai trong các bệnh ung thư (chỉ sau ung thư phổi). Tại Việt Nam, đây loại ung thư này thường gặp nhiều thứ 4 ở nam giới và thứ 3 ở nữ giới. Tuy nhiên, ung thư trực tràng có tỉ lệ chữa khỏi bệnh khá cao nếu bệnh nhân được phát hiện sớm.
Dưới đây là 9 dấu hiệu “thầm lặng” có thể báo hiệu ung thư trực tràng mà bạn không nên bỏ qua. Nhận biết sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời!
1. Tiêu chảy
Bác sĩ Beatriz Amendola từ Viện Ung thư Đổi mới thành phố Miami, bang Florida, Mỹ lí giải: “Các khối u ở đại tràng phải thường chảy máu và gây tiêu chảy”. Bác sĩ Beatriz lưu ý, những bệnh nhân trẻ tuổi có nhiều khả năng bị chẩn đoán nhầm sang hội chứng ruột kích thích (IBS).
Ảnh: Shutterstock
2. Táo bón
Bác sĩ phẫu thuật đại trực tràng Kristina Booth tại hệ thống y tế OU Medicine (Mỹ) giải thích: “Khi khối u phát triển, nó có thể khiến đường kính của trực tràng ngày càng nhỏ và khiến cho việc vận chuyển phân qua đây trở nên khó khăn hơn. Điều này có thể dẫn đến việc đi tiêu ít thường xuyên hơn và trong một số trường hợp, phân cũng hẹp hơn thường”.
3. Phân loãng, có máu
Bên cạnh táo bón và tiêu chảy, những thay đổi về phân cũng có thể là dấu hiệu của ung thư đại tràng. Bác sĩ Steven Reisman, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Tim mạch New York (Mỹ), cho biết phân hẹp hoặc mỏng, có máu (đỏ hay đen) là những dấu hiệu cần chú ý. Ông giải thích: “Những triệu chứng này có thể cho thấy có một khối u chặn ở đại tràng hoặc đang chảy máu vào đây”.
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ sự bất thường nào trong phân – đặc biệt là xuất hiện máu – bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa và tham vấn nội soi. Nếu được chẩn đoán bị IBS và nhu động ruột của bạn dường như không cải thiện sau khi điều trị, bạn nên nghi ngờ ung thư đại tràng.
4. Căng cứng quanh rốn
Tình trạng căng cứng xung quanh vùng rốn cũng là một dấu hiệu bạn không nên bỏ qua. Bác sĩ Booth giải thích: “Điểm cứng ở rốn có thể là nốt Sister Mary Joseph (hay hạch Sister Mary Joseph)”. Ngoài là dấu hiệu của ung thư đại tràng, nó cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh ung thư khác trong ổ bụng, đã lan ra bên ngoài đại tràng.
Vì triệu chứng này có thể ám chỉ nhiều loại ung thư nên bạn nên đến bác sĩ để thăm khám ngay khi bạn nhận thấy có tình trạng căng cứng ở rốn.
Ảnh: Shutterstock
5. Thiếu sắt và thiếu máu
Thiếu máu hoặc thiếu sắt có thể là một triệu chứng của ung thư đại tràng. Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa William Tierney tại trung tâm y tế OU Medicine (Mỹ) cho hay: “Điều này là do mất máu dần dần trong phân. Sự xuất huyết diễn ra rất chậm và không thể nhìn thấy khi đi tiêu nên nó là một dấu hiệu thầm lặng, nhưng điều này xảy ra liên tục trong nhiều tháng đến nhiều năm, dẫn đến cạn kiệt nguồn dự trữ chất sắt của cơ thể”.
Bạn nên luôn theo dõi về tình trạng máu của mình. Bác sĩ Tierney chia sẻ: “Thiếu sắt ở nam giới hay phụ nữ (không phải do kinh nguyệt) đều dẫn đến việc mất máu trong đường tiêu hóa và ung thư đại tràng là một nguyên nhân phổ biến”.
Ảnh: Shutterstock
6. Sụt cân không rõ nguyên nhân
Nếu bạn đang sụt cân không rõ nguyên do thì đó có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư đại tràng. Bác sĩ Reisman chia sẻ: Bạn không nên bỏ qua việc cân nặng giảm không rõ lí do và nên tham vấn bác sĩ về tình trạng này.
7. Đau bụng
Nếu bạn đang cảm thấy khó chịu, đau hoặc bị chuột rút ở vùng giữa bụng và dường như nó không giảm bớt thì đó cũng là một dấu hiệu không nên bỏ qua. Bác sĩ Reisman giải thích: “Nếu tình trạng này kéo dài trong một khoảng thời gian đáng kể (hơn một tuần) hoặc ngày càng trở nên tồi tệ hơn, nó có thể là dấu hiệu cho thấy có một khối u trong đại tràng của bạn.
Đau và chuột rút ở vùng bụng có thể là cảnh báo cho nhiều vấn đề sức khỏe. Bác sĩ Reisman khuyên bạn nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để thực hiện nội soi nhằm chẩn đoán ung thư đại tràng.
8. Chán ăn
Mặc dù tình trạng chán ăn không rõ lý do có thể là do các vấn đề sức khỏe hoặc ung thư, nhưng nếu nó xuất hiện cùng với các triệu chứng ung thư đại tràng khác – đặc biệt là thay đổi thói quen đi tiêu – thì đó cũng là một dấu hiệu không nên bỏ qua.
“Nên đến gặp bác sĩ để được xét nghiệm máu và xác định xem có cần nội soi hay không”, Bác sĩ Reisman cho biết.
Ảnh: Shutterstock
9. Suy nhược, mệt mỏi
Suy nhược và mệt mỏi có thể là điều bình thường trong ngày. Tuy nhiên, theo bác sĩ Reisman, chúng có thể là triệu chứng của thiếu máu do thiếu sắt – một triệu chứng của ung thư đại tràng.
Nếu luôn cảm thấy mệt mỏi và suy nhược, bạn nên đến bác sĩ để xét nghiệm, kiểm tra tình trạng máu.
Mặc dù bản thân thiếu máu không phải là một mối quan ngại lớn, nhưng nó có thể là một triệu chứng của vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như ung thư đại tràng.
Chẩn đoán sớm luôn cần thiết!
Cũng như hầu hết các bệnh ung thư khác, phát hiện, chẩn đoán sớm luôn là “chìa khoá” mở ra cơ hội điều trị thành công và kéo dài hy vọng sống của bệnh nhân.
Bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá tại trường Y – Đại học Yale (Mỹ) Amir Masoud cho biết: “Các xét nghiệm sàng lọc không xâm lấn và nội soi đại tràng đã giúp giảm đáng kể các ca ung thư và tử vong liên quan. Chúng ta bắt buộc phải tuân theo các khuyến nghị tầm soát và không nên bỏ qua các triệu chứng hoặc dấu hiệu nghi vấn”.
Bác sĩ Matthew Mintz chia sẻ: “Người từ 50 tuổi được khuyến nghị nên thực hiện nội soi đại tràng sàng lọc ung thư sau mỗi 10 năm”.
Nguồn: Eatthis