Thị trường BĐS tại các địa phương: Nơi thiếu không làm, nơi thừa không bán được

Thị trường BĐS tại các địa phương: Nơi thiếu không làm, nơi thừa không bán được

“Cần đánh giá thực chất tình hình thị trường bất động sản tại các địa phương, nơi nào thiếu nhưng không làm, nơi nào thừa mà không bán được”, là một trong những yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, ngày 24/10.

20241024 pho thu tuong

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, chính sách nhà ở có ý nghĩa toàn diện về chính trị, kinh tế, xã hội, đã được hiến định. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách liên quan

Thời gian qua, các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo đã tham gia nhiều ban chỉ đạo, tổ công tác liên ngành, và tạo bước tiến rất lớn trong triển khai chính sách nhà ở, đặc biệt là thể chế hoá trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng…

Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Nội vụ để nghiên cứu, đề xuất, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về phương án sắp xếp, kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản với các tiểu ban, tổ công tác liên ngành trực thuộc.

Trước mắt, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ LĐTBXH, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính hoàn thiện đề án, chương trình nhà ở cho người có công cần sửa chữa hoặc xây mới, bố trí phân bổ kinh phí để thực hiện trong năm 2025. “Đối tượng người có công phải được quan tâm, ưu tiên khi điều tiết thực hiện các chương trình hỗ trợ nhà ở mục tiêu”, Phó Thủ tướng nói.

Bộ Xây dựng đề xuất Ban Chỉ đạo thành lập các đoàn công tác liên ngành kiểm tra việc thực hiện pháp luật liên quan đến chính sách nhà ở, thị trường bất động sản, nhà ở xã hội, hỗ trợ nhà ở mục tiêu tại một số địa phương trọng điểm, như Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh…

“Trong đó cần đánh giá thực chất tình hình thị trường bất động sản tại các địa phương, nơi nào thiếu nhưng không làm, nơi nào thừa mà không bán được, cũng như trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong dự báo cung cầu, điều tiết cơ cấu các phân khúc sản phẩm bất động sản”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng rà soát hồ sơ, thủ tục hành chính của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đồng thời các thủ tục trong một bộ hồ sơ duy nhất để giảm thời gian, chi phí.

Theo Phó Thủ tướng, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến cung cầu thị trường bất động sản là vướng mắc từ các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, bản án, vì vậy, các địa phương phải khẩn trương rà soát toàn bộ, phân loại và đề xuất nhóm giải pháp xử lý thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Trung ương, của địa phương.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thống kê, báo cáo tình hình tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, đánh giá tác động đối với nền kinh tế, đề xuất những quyết sách, biện pháp mới, đủ mạnh, mấu chốt để khơi thông thị trường bất động sản.

Trong năm 2025, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tổ chức quán triệt với các địa phương trong thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về nhà ở, thị trường bất động sản thống nhất, thông suốt, theo tinh thần “phân cấp mạnh cho địa phương, nhưng văn bản quy định, quy trình, thủ tục phải rõ”.

Tháo gỡ thị trường bất động sản tạo động lực cho 60 ngành, nghề

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Tâm chia sẻ, nếu tháo gỡ thị trường bất động sản thì có thể tạo động lực tăng trưởng cho khoảng 60 ngành, nghề liên quan. Hai nội dung địa phương cần triển khai sớm là phê duyệt quy hoạch, chương trình phát triển nhà ở để triển khai các dự án nhà ở trên địa bàn; chuẩn bị thực hiện nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án.

“Để hạ nhiệt thị trường bất động sản cần có giải pháp tổng thể để tăng cả cung và cầu về thủ tục hành chính xây dựng, tín dụng ưu đãi, giá nguyên vật liệu… chứ không chỉ có chính sách về giá đất”, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân nói và đề xuất một số giải pháp nhằm giải quyết hiện tượng “tạo giá ảo”, thổi giá, đấu giá đất cao gấp nhiều lần giá khởi điểm để trục lợi.

Trong khi đó, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, ngân hàng và các doanh nghiệp bất động sản phải gặp nhau theo nguyên tắc “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ” để khơi thông thị trường bất động sản.

Tùng Phong

FILI

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin