Bà Lê Hoàng Diệp Thảo kể, để xây dựng thương hiệu khi các đối thủ đã rất lớn mạnh, Trung Nguyên quyết định mạo hiểm thử sức với một ý tưởng táo bạo: Khảo sát vị giác mù.
Mới đây, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, “vua cà phê” Trung Nguyên, đã gây chấn động dư luận khi tuyên bố rằng mục tiêu của ông là mang về 1.000 tỷ USD cho Việt Nam mỗi năm. Mặc dù nghe có vẻ viển vông, nhưng dưới lời giải thích của ông, dường như “không gì là không thể.”
Ông Vũ chia sẻ: “Phải có cái gì thì tôi mới nói vậy. 1.000 tỷ USD, chia cho 210 quốc gia, mỗi quốc gia chỉ cần kiếm 5 tỷ USD. Đó là mục tiêu tối thiểu.”
Trung Nguyên Legend, dưới sự lãnh đạo của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, đã vươn tầm thế giới, mang cà phê Việt Nam đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, mô hình không gian “Thế giới cà phê” đã mang lại cho người tiêu dùng những trải nghiệm độc đáo, không chỉ đơn thuần là thưởng thức hương vị cà phê.
>> ‘Vua cà phê’ Đặng Lê Nguyên Vũ: ‘Một đất nước muốn hùng mạnh phải thượng tôn tinh thần kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp’
Tuyệt chiêu khảo sát vị giác mù đưa Trung Nguyên lên số 1
Nhìn vào những thành quả của Trung Nguyên hiện tại, thật khó để tưởng tượng rằng gần 30 năm trước, thương hiệu này đang là số 0. Trong cuốn sách The King of Coffee, bà Lê Hoàng Diệp Thảo, nữ hoàng cà phê và là vợ cũ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, đã chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp của Trung Nguyên.
Bà Thảo kể lại rằng khi bắt đầu giai đoạn sản xuất cà phê hòa tan, ông Vũ đã cùng một số đối tác trong ngành tiếp thị bàn bạc về phương án xây dựng hình ảnh thương hiệu. G7 của Trung Nguyên ra đời khi thị trường cà phê đã có những tên tuổi lớn như Nescafé và Vinacafé, để G7 được nhận diện là điều không hề dễ dàng.
Dù nhận được nhiều cái lắc đầu từ các chuyên gia tiếp thị, những người sáng lập Trung Nguyên đã quyết định thử sức với một ý tưởng táo bạo: Khảo sát vị giác mù.
Biết rằng đây là một quyết định mạo hiểm: Một kết quả không như ý có thể khiến G7 bị xóa sổ hoàn toàn, nhưng Trung Nguyên vẫn quyết định thực hiện. Họ tổ chức một chiến dịch quy mô lớn để trưng bày và khảo sát vị giác bằng cách che nhãn hiệu (khảo sát vị giác mù). Một bên thứ ba được mời tổ chức để đảm bảo tính công bằng.
Vào ngày 23/11/2003, buổi khảo sát được tổ chức trước Dinh Độc Lập, thu hút 20.000 người tham gia thử nghiệm hai loại cà phê không dán nhãn. Kết quả bất ngờ khi 89% người tham gia chọn G7.
Thông tin này nhanh chóng lan truyền, giúp G7 của Trung Nguyên nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, được người tiêu dùng yêu thích và vươn lên vị trí số 1 trong ngành cà phê chỉ sau vài năm.
>> Bà Lê Hoàng Diệp Thảo kể chuyện Trung Nguyên: Từng suy nghĩ về việc đổi tên, tái định vị thương hiệu
Không ngừng vươn xa, Trung Nguyên liên tục khai trương
Ngày 14/9 vừa qua, mô hình cà phê nhượng quyền Trung Nguyên E-Coffee đã ra mắt phiên bản mới 2024 với thông điệp “Cộng đồng 3 nền văn minh cà phê – Tinh hoa hội tụ”.
Suốt 30 năm hình thành và phát triển, Trung Nguyên đã không ngừng đổi mới và sáng tạo, từ của hàng cà phê bình thường, tới không gian cà phê đến và giờ là các mô hình nhượng quyền E-Coffee.
Trung Nguyên E-Coffee không chỉ là mô hình quán cà phê thông thường mà còn là điểm kết nối văn hóa thưởng thức cà phê. Với việc mang đến cho khách hàng trải nghiệm về tinh hoa của ba nền văn minh cà phê Roman, Ottoman và Thiền, Trung Nguyên E-Coffee tạo ra không gian sáng tạo, phong phú, nâng tầm văn hóa cà phê.
Sau 5 năm phát triển, Trung Nguyên E-Coffee đã đạt được cột mốc quan trọng với 800 cửa hàng và 1.000 hợp đồng nhượng quyền thành công cả trong nước và quốc tế. Với tốc độ mở mới 20 cửa hàng mỗi tháng, chuỗi quán này khẳng định vị thế vững chắc trong bối cảnh ngành F&B đang đối mặt với nhiều thách thức.
>> Nữ hoàng cà phê Lê Hoàng Diệp Thảo: Doanh nghiệp muốn mở rộng, cần một người đại diện thương hiệu