Kinh tế trưởng của ADB cho rằng, diễn biến tỷ giá hiện vẫn nằm trong biên độ của Ngân hàng Nhà nước, nên chưa cần thiết phải sử dụng ngoại tệ để can thiệp.
Chưa cần thiết phải sử dụng ngoại tệ để can thiệp
Ngày 17/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tỷ giá trung tâm của đồng USD là 24.231 đồng, tăng 90 đồng so với hôm qua. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép mua bán USD trong vùng 23.019 – 25.442 VND.
Các nhà băng sáng nay tiếp tục nâng mạnh giá USD lên sát mức trần được phép. Tổng cộng, đôla Mỹ đắt thêm 260 đồng từ đầu tuần đến nay, tương đương 1%.
Cụ thể, tại Vietcombank, mua bán USD lên 25.070 – 25.440 đồng, thêm 92 đồng so với hôm qua. Eximbank cũng điều chỉnh giá USD lên 25.040 – 25.440 đồng. BIDV nâng tỷ giá lên sát trần, mua bán ở 25.130 – 25.440 đồng.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, mỗi USD trong ngân hàng tăng hơn 1.000 đồng, tương đương gần 4,2%.
Còn trên thị trường tự do, giá mua bán đồng bạc xanh neo quanh vùng 25.500 – 25.650 đồng.
Từ đầu năm đến nay, mỗi USD trong ngân hàng tăng hơn 1.000 đồng, tương đương gần 4,2%
Tỷ giá nóng lên từng ngày, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng Cơ quan đại diện thường trú tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), diễn biến tỷ giá hiện nay phù hợp với xu hướng chung và nằm trong biên độ của Ngân hàng Nhà nước, chưa cần thiết phải sử dụng ngoại tệ để can thiệp.
Chuyên gia ADB cho biết, trong điều hành tỷ giá, cần phải có cái nhìn dài hạn. Tại Việt Nam, tỷ giá có một giai đoạn biến động tương đối lớn là thời điểm cuối năm 2022, khi vượt biên độ cho phép của Ngân hàng Nhà nước là 3%. Tuy nhiên, sau đó Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nới rộng biên độ lên 5%, từ đó biến động tỷ giá của Việt Nam nằm trong biến động chung của đồng USD trên thị trường thế giới.
Theo ông Hùng, bản thân chỉ số USD Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) từ đầu năm đến nay đã tăng khoảng 3%, hiện dao động quanh mức 106 điểm, (thời điểm cao nhất cuối năm 2022 lên 107). Do vậy, “chưa tính đến các yếu tố khác, áp lực dẫn đến USD tăng so với VND trước tiên đến từ chính bản thân đồng USD”, chuyên gia ADB cho hay.
Đồng thời khẳng định, biến động tỷ giá trong thời gian qua vẫn nằm trong khung điều hành chính sách mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra. Ngoài ra, biến động tỷ giá vừa qua liên quan đến yếu tố lịch sử, mùa vụ của thị trường Việt Nam. “Thông thường vào quý đầu năm cầu ngoại tệ sẽ tăng, là hệ quả do kết thúc năm tài chính và những nhu cầu như đầu tư, cất trữ ngoại tệ của người dân. Đây là những động thái tự nhiên của thị trường”, ông Hùng nói.
Kinh tế trưởng của ADB nêu quan điểm, diễn biến tỷ giá hiện vẫn phù hợp với xu hướng chung và nằm trong biên độ của Ngân hàng Nhà nước, nên chưa cần thiết phải sử dụng ngoại tệ để can thiệp. “ Theo tôi, cần phải xác định rằng việc tỷ giá biến động là hết sức bình thường. Chính sách tỷ giá không thể đứng yên được, bởi không phụ thuộc hoàn toàn vào một nền kinh tế mà là diễn biến chung của kinh tế khu vực và thế giới”, chuyên gia ADB nêu quan điểm.
Cân đối các biện pháp quản lý vàng
Không chỉ có tỷ giá, mà cả giá vàng thời gian gần đây cũng tăng nóng. Hai yếu tố này đều có ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Phân tích về giá vàng và việc quản lý thị trường vàng , Kinh tế trưởng của ADB cho biết, trên thế giới, thông thường vàng được dùng là công cụ quản lý rủi ro khi có những biến động về chính trị. Thời gian qua, thế giới có nhiều biến động, nên các ngân hàng trung ương đã có động thái mua ròng vàng. Điều này cũng thể hiện phản ứng của các ngân hàng trung ương đối với những biến động chính trị đó. “Trên thực tế trong bối cảnh địa chính trị thuận lợi, nhu cầu vàng sẽ thấp. Ngược lại, khi địa chính trị căng thẳng, nhu cầu vàng sẽ cao”, ông Hùng cho hay.
Thị trường vàng trong nước biến động chủ yếu do cung cầu
Còn thị trường vàng trong nước, theo chuyên gia ADB, biến động chủ yếu do cung cầu, nhưng yếu tố tâm lý của thị trường cũng khá đặc thù.
Ông Hùng phân tích: Thứ nhất, ở góc độ quản lý cung cầu, hiện cung trong nước có những hạn chế nhất định. Do đó, khi có những biến động về tâm lý hay các công cụ đầu tư khác không hấp dẫn thì vàng trở thành công cụ đầu tư, nên giá vàng tăng.
Thứ hai, ở góc độ quản lý nhà nước đối với vàng, vàng cũng tương tự như ngoại tệ đồng thời cũng là hàng hoá cơ bản, nhưng cách tiếp cận thị trường vàng vẫn mang tính hành chính, nên khi có biến động cung cầu thì cách kiểm soát vẫn mang tính hành chính.
“ADB không tham gia vào quá trình sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, về nguyên tắc, nếu tiếp cận kết hợp, cân đối biện pháp quản lý nhà nước theo các góc độ thì thị trường vàng sẽ vận hành hiệu quả hơn. Cụ thể như kết hợp việc quản lý vàng tương tự như một công cụ tiền tệ và sản phẩm tài chính để đầu tư đồng thời cũng là hàng hóa có cung – cầu”, ông Hùng đồng thời kiến nghị.