Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, NHNN tiếp tục bơm thanh khoản

NHNN vừa có hai phiên liên tiếp bơm ròng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng trong bối cảnh lãi suất trên thị trường 2 tăng mạnh.

Ảnh minh họa

Số liệu mới nhất được NHNN công bố cho thấy, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính, chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) trong phiên 20/2 đã tăng lên 2,15% từ mức 1,41% vào phiên trước đó.

Đây là phiên tăng mạnh thứ hai liên tiếp của lãi suất qua đêm liên ngân hàng. So với mức ghi nhận vào cuối tuần trước, lãi suất qua đêm liên ngân hàng hiện đã tăng lên gấp đôi và tiệm cận mức cao nhất trong giai đoạn cao điểm thanh toán Cận Tết Nguyên đán (2,38% ghi nhận vào ngày 7/2).

Cùng với kỳ hạn qua đêm, lãi suất tại hai kỳ hạn chủ chốt khác cũng đều tăng khá mạnh: kỳ hạn 1 tuần tăng từ 1,27% lên 2,24%; kỳ hạn 2 tuần tăng từ 1,39% lên 1,94%; kỳ hạn 1 tháng tăng từ 1,85% lên 2,26%.

Lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại đi cùng doanh số giao dịch vẫn ở mức cao cho thấy nhu cầu vay mượn lẫn nhau giữa các nhà băng vẫn còn lớn dù giai đoạn cao điểm thanh toán Cận Tết Nguyên đán đã đi qua.

Ở một phương diện khác, phiên giao dịch hôm qua (21/2) tiếp tục ghi nhận hoạt động bơm ròng thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước qua kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO). Theo đó, 1 thành viên thị trường đã “vay nóng” Nhà điều hành hơn 946 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 4%.

Đây là phiên thứ hai liên tiếp hệ thống ngân hàng cần đến nguồn hỗ trợ từ NHNN. Trước đó, 1 thành viên thị trường cũng đã được NHNN bơm hỗ trợ hơn 5.091 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 4%/năm.

Trong suốt nửa cuối năm 2023, kênh cho vay OMO không phát sinh giao dịch mới dù NHNN vẫn duy trì hoạt động chào thầu nhằm hỗ trợ thanh khoản cho những ngân hàng có nhu cầu. Điều này xuất hiện trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dồi dào, thể hiện qua số dư CITAD (tiền gửi KKH các NHTM đặt tại NHNN) lên tới hơn 300.000 tỷ đồng và lãi suất liên ngân hàng giảm xuống vùng thấp lịch sử. Thậm chí, trong đầu quý 3/2023, Nhà điều hành còn phải khởi động lại kênh tín phiếu để hút bớt thanh khoản hệ thống nhằm giảm bớt áp lực lên tỷ giá.

Tuy nhiên, sau khi tăng trưởng tín dụng cao đột biến trong tháng 12/2023, lãi suất liên ngân có xu hướng tăng trở lại, đặc biệt là giai đoạn trước và sau Tết nguyên Đán.

Việc lãi suất liên ngân hàng tăng đi cùng với nhu cầu vay mượn qua kênh OMO xuất hiện trở lại sau nhiều tháng “đóng băng” cho thấy thanh khoản hệ thống đã không còn quá dư thừa như trong nửa cuối năm 2023.

Mặt khác, lãi suất qua đêm liên ngân hàng tăng mạnh cũng góp phần giảm áp lực lên tỷ giá – vốn chịu nhiều sức ép trong bối cảnh đồng bạc xanh hồi phục mạnh trên thị trường quốc tế và chênh lệch lãi suất VND – USD ở mức cao.

Theo ghi nhận tại Vietcombank, ngân hàng có doanh số giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống, giá USD hiện được mua – bán ở mức 24.330 – 24.700 VND/USD, tăng 130 đồng ở cả hai chiều giao dịch so với mức ghi nhận trước kỳ Nghỉ Tết.

Tại báo cáo vĩ mô mới công bố, VCBS nhận định, mặt bằng lãi suất tiếp tục phá sâu vùng đáy khiến áp lực tỷ giá luôn thường trực khi DXY vẫn duy trì ở mức cao. Theo đó, khả năng đồng VND giảm giá vẫn sẽ hiện hữu, và diễn biến tỷ giá sẽ phụ thuộc lớn vào cung ngoại tệ tại từng thời điểm với các yếu tố chi phối thuộc về dòng tiền đầu tư trực tiếp và gián tiếp, kiều hối,…

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, tỷ giá USD/VND vẫn chịu nhiều áp lực tăng trong những tháng đầu năm 2024 do sự phục hồi của đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế và chênh lệch dương của lãi suất USD – VND vẫn neo ở mức cao.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin