Đây là phiên chứng kiến mức tăng mạnh hiếm thấy của tỷ giá USD/VND kể từ đầu năm đến nay. Giá vàng SJC cũng có diễn biến “lạ” khi ngược dòng với thế giới, bật tăng khá mạnh.
Cuối giờ chiều ngày 15/8, giá bán ra USD tại các ngân hàng thương mại phổ biến quanh mức 24.150 đồng, tăng khoảng 150 đồng so với ngày hôm qua. Đây là mức tăng mạnh hiếm thấy từ đầu năm đến nay.
Cụ thể tại Vietcombank, giá mua – bán USD đang được niêm yết ở mức 23.800-24.140 đồng. BIDV niêm yết 23.830-24.130 đồng/USD. Một số ngân hàng khác có giá bán USD cao hơn, chẳng hạn như Techcombank đã điều chỉnh lên 24.160 đồng, ACB áp dụng tỷ giá 24.200 đồng (với hình thức bán tiền mặt).
Theo đó, so với cuối năm 2022, tỷ giá tại các ngân hàng đã tăng khoảng 400 đồng, tương đương tăng 1,6%.
Giá USD “chợ đen” cũng tăng khoảng 70-100 đồng trong hôm nay, hiện phổ biến 23.800 đồng chiều mua và 23.900 đồng chiều bán.
Giá vàng SJC hôm nay cũng tăng khá mạnh, khoảng 200-250 nghìn đồng/lượng, trong khi giá vàng nhẫn trong nước cũng như giá vàng thế giới tiếp tục đi xuống. Tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng miếng SJC đã được điều chỉnh lên 67,0-67,6 triệu đồng/lượng. Vàng bạc đá quý Phú Nhuận cũng niêm yết 67,0-67,6 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng thế giới đứng ở mức 1902 USD/ounce, tương đương với khoảng 56 triệu đồng/lượng khi quy đổi theo tỷ giá VND/USD tại ngân hàng. Như vậy, giá vàng SJC đang đắt hơn vàng quốc tế tới 11,5 triệu đồng/lượng.
Theo Chứng khoán MBS, tỷ giá VND/USD tăng mạnh thời gian gần đây trong bối cảnh Việt Nam duy trì mức thặng dư thương mại lớn là 16,2 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm; mức FDI giải ngân ổn định đạt 11,58 tỷ USD và dự trữ ngoại hối gia tăng lên mức 93 tỷ USD cho thấy yếu tố cung cầu USD không hẳn là nguyên nhân khiến tỷ giá gia tăng so với đầu năm.
Nếu xét các yếu tố áp lực từ thị trường ngoại hối toàn cầu, USDindex đã tăng lại lên mức 103 điểm trong hai tuần đầu tháng 8 sau khi chạm ngưỡng thấp nhất năm là mức 99,7 điểm trong tháng 7. Các đồng tiền khác trong khu vực cũng có xu hướng mất giá so với USD trong 2 tuần đầu tháng 8. So với đầu năm đa phần các đồng tiền trong khu vực cũng mất giá so với USD với mức giao động từ 3-5%. Do đó, VND cũng chịu sức ép giảm giá một phần từ yếu tố này.
Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá Chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện tại đang là yếu tố chính khiến VND giảm giá so với USD. Trong thời gian qua NHNN đã có các động thái hạ lãi suất quyết liệt để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và để tỷ giá VND/USD biến động ở mức thấp.
Các động thái nới lỏng tiền tệ và thông điệp mạnh mẽ của NHNN đã khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD duy trì ở mức cao, khuyến khích nắm giữ USD qua đó gây sức ép lên VND. Hiện tại, Lãi suất cho vay qua đêm VND ở mức 0,2%. Trong khi đó, lãi suất cho vay qua đêm bằng USD giữa các ngân hàng ở mức trên 5%. Đây là mức chênh lệch lớn và khó có khả năng thu hẹp trong tương lai gần cộng thêm nhu cầu USD cũng thường gia tăng vào cuối năm theo yếu tố mùa vụ khiến cho tỷ giá VND/USD nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo MBS, mặc dù áp lực lên VND đã tăng nhưng không gây áp lực lên ổn định kinh tế vĩ mô và mức giảm giá của VND so với USD vẫn còn khá thấp so với các đồng tiền khác trong khu vực. Khó có khả năng NHNN đảo chiều chính sách. Tuy nhiên, diễn biến gần đây của tỷ giá VND/USD sẽ khiến NHNN thận trọng hơn với các thông điệp nới lỏng chính sách tiền tệ. Nhiều khả năng NHNN sẽ không tiếp tục hạ lãi suất điều hành trước khi NHTW Mỹ có động thái hạ lãi suất vào năm sau.