VDSC cho rằng, chênh lệch lãi suất USD – VND nới rộng hiển nhiên sẽ kích thích hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất, và tạo nên áp lực mất giá tiền đồng.
Trong báo cáo vĩ mô mới phát hành, các nhà phân tích của công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết tỷ giá tương đối ổn định trong nửa đầu năm với mức tăng giá nhẹ so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã nhích dần lên trong tháng 5/2023 (+0,13% so với tháng 4) và riêng trong tháng 6 tăng 0,4% so với cuối tháng 5.
Trên thị trường phi chính thức, tỷ giá tự do đã tăng 0,8% trong tháng 6. Tại thời điểm nhóm phân tích thực hiện báo cáo này, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank là 23.430-23.800 đồng/USD, cao hơn 0,2-0,3% so với cuối năm 2022.
Trong nửa đầu năm 2023, chỉ số đồng USD đã có hai nhịp hồi nhẹ nhưng mức đỉnh xác lập ở nhịp hồi thứ hai thấp hơn so với nhịp đầu tiên. So với đầu năm, chỉ số đồng USD giảm 0,6% so với cuối năm 2022. Như vậy, chỉ số đồng USD vẫn duy trì được sức mạnh khi Fed dần đi vào chặng cuối của chu kỳ nâng lãi suất. Đồng thời, quan điểm về chính sách tiền tệ đang định hình diễn biến của các đồng tiền còn lại. Việc ECB tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ đã giúp đồng EUR tăng nhẹ so với đồng USD trong nửa đầu năm, mặc dù khu vực Eurozone được xác nhận rơi vào suy thoái kỹ thuật trong hai quý liên tiếp là Q4/2022 và Q1/2023.
Hay ở khu vực châu Á, lập trường duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ của NHTW Trung Quốc và Nhật Bản khiến cho đồng tiền hai nước này tiếp tục mất giá thêm khoảng 5,0% và 9,3% so với đồng USD trong nửa đầu năm nay.
“Tại Việt Nam, đồng tiền ổn định trong bối cảnh NHNN liên tục cắt giảm lãi suất điều hành, liệu đây có phải là ngoại lệ?”, VDSC đặt vấn đề.
Theo nhóm phân tích, hiện tại, chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức cao kỷ lục, cao nhất là 4,4 điểm % đối với lãi suất qua đêm và thấp nhất là 0,6 điểm % đối với lãi suất kỳ hạn 3 tháng. Tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, lãi suất VND cao hơn khoảng 0,3-1,4 điểm % so với lãi suất USD.
VDSC cho rằng, chênh lệch lãi suất nới rộng hiển nhiên sẽ kích thích hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade), và tạo nên áp lực mất giá tiền đồng. Trong 3-6 tháng tới, nhóm phân tích nhận thấy có một số tiền đề có thể tăng thêm áp lực mất giá tiền đồng.
Thứ nhất, báo cáo triển vọng nửa cuối năm của đa số các tổ chức tài chính đều cho rằng triển vọng đồng USD nửa cuối năm 2023 là tích cực. Kỳ vọng chung là đồng tiền này sẽ neo ở mức cao nhờ lãi suất hấp dẫn và vai trò nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh kinh tế thế giới lao đao.
Thứ hai, đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đã mất giá khoảng 5,2% trong nửa đầu năm 2023, là đáng kể so với mức mất giá khoảng 8,5% trong năm 2022. Sự phục hồi tăng trưởng sau mở cửa của Trung Quốc gây thất vọng và chính sách nới lỏng tiền tệ tiếp diễn trong nửa sau của năm nay đưa đến kỳ vọng đồng NDT sẽ còn mất giá thêm trong năm 2023.
“Với mức tương quan mạnh giữa đồng VND và đồng NDT, chúng tôi cho rằng diễn biến “đứng yên” nửa đầu năm khó có thể duy trì được lâu”, VDSC nhận định.
Cuối cùng, NHNN đã giảm lãi suất điều hành khá quyết liệt trong nửa đầu năm 2023, đứng về mục tiêu tăng trưởng và hạ bớt tấm khiên về ổn định tỷ giá. Tăng trưởng kinh tế chưa cải thiện nhiều trong quý 3 cũng là cơ sở để NHNN cân đối giảm tiếp lãi suất điều hành.
Với những yếu tố trên, VDSC cho rằng mức xem xét tiếp theo đối với tỷ giá USD/VND là 24.500. Tỷ giá USD/VND có thể tăng vượt mức này nếu đồng USD tăng tốc mạnh nhưng áp lực có thể không mạnh bằng năm trước do năm nay Việt Nam sẽ ghi nhận thặng dư thương mại cao kỷ lục, lạm phát trong xu hướng giảm và dự trữ ngoại hối đang được tích luỹ trở lại.