Đồng USD trải qua tuần giảm giá mạnh nhất kể từ giữa tháng 1 khi các nhà giao dịch chưa ngã ngũ dự đoán về lộ trình chính sách của Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed).
Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ 6 đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc phiên thứ Sáu (3/3) giảm 0,2% xuống 104,78, lùi xa khỏi mức 105,36 chạm tới vào đầu tuần – cao nhất kể từ ngày 6/1. Trong đó, USD giảm khỏi mức cao nhất trong vòng 2,5 tháng so với yen Nhật. Tính chung cả tuần, DXY giảm 0,4% – cũng là mức giảm nhiều nhất kể từ đầu năm.
Mặc dù vậy, về cuối phiên, đà giảm của đồng USD có dấu hiệu chững lại sau khi dữ liệu cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Mỹ tăng trưởng ổn định trong tháng 2, với số lượng đơn đặt hàng và việc làm mới tăng lên mức cao nhất trong hơn một năm. Viện Quản lý cung ứng Mỹ (ISM) hôm thứ Sáu cho biết chỉ số PMI của lĩnh vực phi sản xuất trong tháng 2 đã giảm xuống 55,1 từ mức 55,2 trong tháng 1/2023.
Sức mạnh của đồng USD giảm bớt và lợi tức trái phiếu Mỹ tăng chóng mặt sau những bình luận từ các nhà hoạch định chính sách của Fed, bao gồm cả Chủ tịch Fed Atlanta, Raphael Bostic, người đã nói rằng “chậm và ổn định sẽ là hướng hành động ( lãi suất ) thích hợp”, mặc dù các số liệu mới về thị trường lao động mạnh mẽ bổ sung vào những dữ liệu gần đây cho thấy kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh bất chấp thắt chặt tiền tệ.
“Báo cáo việc làm và bảng lương phi nông nghiệp vào tuần tới có thể khiến lợi suất trái phiếu và đồng USD tăng lên. Các nhà giao dịch có thể sẽ hành động một cách thận trọng, đặc biệt là đối với những tiền tệ có mối liên quan mật thiết với thái độ ôn hòa hơn của ngân hàng trung ương, cụ thể là đô la Úc, đô la Canada và đồng yên”, Karl Schamotta, chiến lược gia phụ trách mảng thị trường của công ty Corpay ở Toronto nhận định.
Đồng yên, vốn đặc biệt nhạy cảm với chênh lệch lãi suất dài hạn giữa Mỹ và Nhật Bản, đã kết thúc chuỗi giảm giá kéo dài 6 tuần so với USD khi tiền Nhật mạnh lên nhờ nhờ lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ mức gần 4,1% – cao nhất trong vòng gần 4 tháng.
Theo đó, USD kết thúc phiên 3/3 giảm 0,4% so với yen Nhật, xuống 136,26 JPY/USD, sau khi tăng lên 137,1 JPY vào thứ Năm (2/3), mức cao nhất kể từ ngày 20/12. Tính chung cả tuần, USD giảm 0,4% so với yên Nhật. Mặc dù vậy, các nhà phân tích nhận định đồng USD sẽ sớm hồi phục trở lại để duy trì chuỗi tăng giá kéo dài từ giữa tháng 1/2023.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) dự kiến sẽ bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp kích thích đặc biệt, một thời gian sau khi Thống đốc Haruhiko Kuroda nghỉ hưu vào tháng tới.
Dữ liệu lạm phát của Tokyo trong tháng 2 đã vượt quá mục tiêu của BOJ, là tháng thứ 9 liên tiếp cao hơn nhiều so với mục tiêu. Tuy nhiên, lạm phát lõi đã giảm khỏi mức cao nhất trong vòng 42 năm.
Kết quả cuộc thăm dò của Reuters cho thấy sức mạnh của đồng USD gần đây có thể chỉ là tạm thời, và đồng tiền này sẽ suy yếu trở lại, kéo dài đà giảm cho đến cuối năm nay trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang cải thiện và kỳ vọng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất, sau đó đến lượt Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ hành động tương tự.
Đồng euro kết thúc tuần ở mức gần như không thay đổi so với phiên liền trước, là 1,0605 USD, song cũng đã hồi phục từ mức thấp nhất 2 tuần là 1,0533 USD chạm với vào đầu tuần.
Đồng bảng Anh tăng 0,2% lên 1,1987 USD, tính chung cả tuần tăng 0,2%, sau khi Anh đạt được thỏa thuận thương mại Bắc Ireland thời hậu Brexit với Liên minh châu Âu, trong khi một cuộc khảo sát cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Anh tháng 2 tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 8 tháng.
Trong tháng 2, bảng Anh đã giảm 2,4% so với USD, là tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 9.
Hầu hết các tiền tệ châu Á đều tăng trong phiên cuối tuần do USD yếu đi trong bối cảnh lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc củng cố kỳ vọng rằng Bắc Kinh sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng vào năm 2023 tại cuộc họp quốc hội thường niên vào cuối tuần này.
Dữ liệu gần đây từ Trung Quốc cho thấy sự phục hồi kinh tế ổn định ở đối tác thương mại lớn nhất của Đông Nam Á sau khi nước này nới lỏng các hạn chế nghiêm ngặt về COVID-19 vào tháng 12, thúc đẩy các nhà đầu tư tập trung vào những tài sản rủi ro hơn.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng so với USD trong phiên thứ Sáu, tính chung cả tuần tăng lần đầu tiên kể từ giữa tháng 1.
Các nhà giao dịch tiền tệ cho biết thị trường đang kỳ vọng Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng 5% -6%, và khả năng cao là sẽ đạt 6%. Dữ liệu gần đây cho thấy hoạt động đang phục hồi trở lại với tốc độ tốt hơn mong đợi.
Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ trong nước kết thúc tuần ở mức 6,9060 CNY/USD, cao hơn 133 pip so với mức đóng cửa cuối phiên trước đó.
Đồng won Hàn Quốc tăng 1% trong phiên này, trong khi đồng rupee của Ấn Độ tăng 0,4%. Đồng đô la Singapore và đồng baht của Thái Lan đêu tăng 0,1% mỗi loại. Đồng peso của Philippine tăng giá 0,5% sau khi thống đốc ngân hàng trung ương của nước này cho biết lãi suất có thể tăng 50 điểm cơ bản (bps) trong “trường hợp xấu nhất” là lạm phát tăng trên 9%.
Thị trường tiền điện tử bị ảnh hưởng khi cuộc khủng hoảng khiến cho các công ty kinh doanh tiền điện tử trở nên khó khăn.
Đồng Bitcoin phiên cuối tuần giảm 4,6% xuống còn 22.387 đô la và trước đó đã chạm mức thấp nhất 2,5 tuần, là 22.000 USD; Ether giảm 4,6% xuống còn 1.572 USD sau khi chạm 1.543,60 USD, mức thấp nhất kể từ giữa tháng Hai.
Tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.
Tham khảo: Refinitiv