Những động thái mang tính thắt chặt của NHNN diễn ra trong bối cảnh lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng liên tục giảm trong 2 tuần gần đây.
Tuần giao dịch vừa qua (13/2 – 17/2) tiếp tục chứng kiến xu hướng hút ròng thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trên thị trường liên ngân hàng. Cụ thể, NHNN tuần qua đã phát hành mới tổng cộng gần 107.000 tín phiếu, hút về lượng tiền tương ứng; trong khi chỉ có 85.000 tín phiếu phát hành trong tuần trước đáo hạn. Tính chung, Nhà điều hành đã hút ròng 22.000 tỷ qua kênh tín phiếu.
Trên kênh cầm cố giấy tờ (OMO), chỉ duy nhất 1 thành viên vay nóng NHNN hơn 229 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày vào phiên 16/2. Trong khi có 8.407 tỷ đồng các khoản vay cũ trong tuần trước đáo hạn. Tổng cộng, NHNN đã rút về 8.178 tỷ đồng qua kênh thị trường mở.
Tính chung trên cả hai kênh tín phiếu và OMO, Nhà điều hành đã hút khỏi hệ thống ngân hàng 30.178 tỷ đồng trong tuần qua. Trước đó, cơ quan này cũng đã rút về gần 142.413 tỷ đồng trong tuần 6/2 – 10/2 – mức hút ròng cao nhất nhiều tháng trở lại đây.
Đáng chú ý, dù giảm cường độ hút tiền so với tuần trước nhưng NHNN đã sử dụng thêm tín phiếu có kỳ hạn lên tới 91 ngày (tương đương 3 tháng), với quy mô gần 20.000 tỷ đồng bên cạnh 87.000 tỷ đồng tín phiếu 7 ngày. Với kỳ hạn 3 tháng, nhanh nhất phải tới trung tuần tháng 5, 20.000 tỷ đồng bị rút về kể trên mới có thể đáo hạn và quay lại hệ thống ngân hàng.
Việc phát hành thêm tín phiếu 91 ngày cho thấy định hướng “nhốt” tiền lâu hơn của cơ quan quản lý tiền tệ.
Những động thái mang tính thắt chặt của NHNN diễn ra trong bối cảnh lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng liên tục giảm trong 2 tuần gần đây, khi thanh khoản hệ thống dồi dào hơn nhiều so với giai đoạn trước.
Số liệu được NHNN công bố cho thấy, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 90 – 95% doanh số giao dịch) trong phiên 15/2 đã giảm về còn 3,64%/năm – mức thấp nhất kể từ cuối năm 2022. So với trung tuần tháng 1, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã giảm 2,8 điểm %. Lãi suất này chỉ bắt đầu tăng trở lại, lên 4,71% trong phiên 16/2 sau khi NHNN triển khai thêm công cụ tín phiếu 91 ngày
Ở các kỳ hạn ngắn 1 và 2 tuần, lãi suất VND cũng tiếp tục giảm đáng kể so với hồi trung tuần tháng 1, còn lần lượt quanh 4,87% và 5,34%. Các kỳ hạn còn lại ghi nhận xu hướng tương tự nhưng mức giảm không nhiều.
Với nhịp giảm trong gần 2 tuần qua, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng đã thu hẹp nhanh chóng, đặc biệt ở các kỳ hạn ngắn. Điểm hoán đổi lãi suất mỏng đi đã gây ảnh hưởng lên tỷ giá USD/VND. Đây có thể là một yếu tố thúc đẩy NHNN hút bớt tiền về để duy trì chênh lệch lãi suất.
Thực tế, tỷ giá đã liên tục tăng nóng trên cả thị trường ngân hàng và thị trường tự do trong những ngày gần đây.
Tại phiên cuối tuần qua (17/2), tỷ giá USD trong nước bất ngờ tăng tới 120 – 150 đồng, ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong hơn 1 tháng trở lại đây và trở lại vùng giá cách đây 2 tháng.
Kết tuần, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 23.610 – 23.980 đồng/USD, tăng 110 đồng chiều mua và 140 đồng chiều bán so với phiên trước. Tương tự, BIDV cũng điều chỉnh tỷ giá lên 23.675-23.975 đồng/USD, cao hơn hôm 16/2 khoảng 105 đồng.
Thậm chí, giá bán USD theo hình thức giao dịch tiền mặt tại một số ngân hàng thương mại còn vượt mốc 24.000 đồng. Cụ thể, ACB và Sacombank lần lượt niêm yết 23.400-24.000 đồng/USD và 23.645-24.035 đồng/USD. Hai ngân hàng này đều điều chỉnh tăng khoảng 100-120 đồng so với hôm qua.
Như vậy, trong tuần qua, giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 250 đồng, tương đương tăng hơn 1%.
Trên thị trường tự do, giá USD hiện phổ biến quanh 23.650-23.700 đồng/USD, tăng khoảng 70 đồng so với cuối tuần trước.
Tỷ giá trung tâm do NHNN công bố cũng ghi nhận chuỗi tăng 10 phiên liên tiếp, kết tuần ở mức 23.639 đồng/USD.
Giới phân tích cho rằng xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu vẫn tiếp diễn sẽ khiến NHNN khó có thể duy trì thanh khoản hệ thống ở trạng thái quá dồi dào và lãi suất liên ngân hàng khó giảm sâu.
Theo Chứng khoán Vietcombank, một trong những mục tiêu quan trọng của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2023 là đảm bảo tính hấp dẫn trong việc nắm giữ VND, hạn chế dòng vốn chảy khỏi Việt Nam khi lãi suất huy động USD vẫn luôn được duy trì ổn định ở mức 0%.
Do đó, đánh giá từ giả định mức lãi suất mục tiêu mà Fed hướng đến có thể dao động quanh 5% trong năm 2023, VCBS cho rằng để đảm bảo các cân đối kinh tế vĩ mô, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng nhiều khả năng tiếp tục cao hơn đáng kể so với năm ngoái, mặt bằng trung bình khả năng cao neo quanh 7% đối với các kỳ hạn 1 đến 3 tháng. Đối với các kỳ hạn ngắn có thể dao động ở mức thấp hơn trong điều kiện dòng vốn đầu tư có những diễn biến thuận lợi hơn so với kỳ vọng.