Ngân hàng Nhà nước bơm ròng hơn 74.000 tỷ trong tuần qua

Trước đó, NHNN cũng đã bơm ròng tổng cộng hơn 46.000 tỷ đồng trong tuần cuối cùng của tháng 10.

Tuần giao dịch vừa qua chứng kiến diễn biến đáng chú ý trên thị trường tiền tệ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ròng lượng lớn thanh khoản vào hệ thống.

Cụ thể, Nhà điều hành đã tạm dừng hoạt động phát hành tín phiếu mới trong 3 phiên cuối tuần và chỉ phát hành mới 20.000 tỷ vào 2 phiên đầu tuần. Trong khi có tới 73.100 tỷ đồng tín phiếu phát hành trước đó đáo hạn. Tính chung, NHNN đã bơm trả hệ thống ngân hàng 53.100 tỷ đồng qua kênh tín phiếu đáo hạn. Lượng tín phiếu đang lưu hành vào cuối tuần giảm xuống còn 20.000 tỷ đồng.

Trên kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO), Nhà điều hành cho các ngân hàng vay mới 58.175 tỷ đồng kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 6%/năm. Trong khi có 37.175 tỷ đồng các khoản vay trước đó đáo hạn. Theo đó, NHNN đã bơm ròng 21.000 tỷ qua kênh repo giấy tờ có giá.

Tổng cộng trên 2 kênh tín phiếu và OMO, cơ quan quản lý tiền tệ đã bơm ròng vào hệ thống gần 74.100 tỷ đồng trong tuần qua, phần lớn đến từ tín phiếu đáo hạn. Trước đó, thông qua 2 kênh này, NHNN cũng đã bơm ròng tổng cộng hơn 46.000 tỷ đồng trong tuần cuối cùng của tháng 10.

Phản ứng sau hoạt động bơm thanh khoản, lãi suất bình quân VND trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng hạ nhiệt vào cuối tuần. Theo số liệu mới nhất của NHNN, lãi suất kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 80 – 90% giá trị giao dịch) đã giảm nhẹ từ mức 7,12% trong phiên 2/11 xuống 6,93% trong phiên 3/11. Kỳ hạn 1 tuần và 1 tháng cũng hạ nhiệt trong khi lãi suất vay kỳ hạn 2 tuần và 3 tháng tăng.

NHNN duy trì xu hướng bơm ròng sau khi cơ quan này tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động thêm 1 điểm % từ ngày 25/10. Đây là lần tăng lãi suất điều hành lần thứ hai chỉ trong vòng hơn 1 tháng.

Định hướng bơm thanh khoản của NHNN thể hiện qua số dư kênh mua kỳ hạn tăng mạnh chỉ từ hơn 4,7 nghìn tỷ đồng vào cuối tháng 9 lên xấp xỉ 90.000 tỷ đồng vào giữa tháng 10/2022, và suốt nửa tháng gần đây duy trì đều đặn ở quanh mức này, thấm chí vọt lên trên 100.000 tỷ trong những phiên gần đây. Đồng thời, số lượng thành viên tham gia vào các phiên đấu thầu ở kênh mua kỳ hạn duy trì ở mức cao, và chỉ có số ít thành viên tham gia nghiệp vụ mua tín phiếu NHNN cho thấy nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng vẫn còn. Và thực tế trong 3 phiên gần đây, NHNN đã bơm tiền với kỳ hạn dài hơn (14 ngày) đi cùng với việc tạm dừng phát hành tín phiếu hút tiền về; qua đó đưa mức chênh lệch giữa lượng OMO và tín phiếu lưu hành lên gần 86.900 tỷ đồng.

Dù vẫn đều đặn cung ứng thanh khoản cho các ngân hàng, nhưng kể từ khi tăng lãi suất điều hành, lãi suất trúng thầu OMO vẫn luôn được NHNN duy ở 6%/năm, so với mức 5%/năm trước đó. Điều này cho thấy sự nhất quán trong định hướng nâng mặt bằng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng của Nhà điều hành.

Theo giới phân tích, NHNN đang muốn duy trì lãi suất VND ở mức cao nhằm tạo chênh lệch chênh so với lãi suất USD trên thị trường Liên ngân hàng ở khoảng 2-3%, giảm bớt áp lực lên tỷ giá; đồng thời duy trì bơm thanh khoản thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn giấy tờ có giá, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.

Trong thời gian tới, Chứng khoán VietinBank dự báo NHNN sẽ tiếp tục sử dụng công cụ lãi suất, dự trữ ngoại hối để điều hành tỷ giá. Cụ thể, NHNN sẽ sẵn sàng bán ngoại tệ đáp ứng nhu cầu thị trường, trong đó có thể tiếp tục tăng giá bán khi tỷ giá có xu hướng tăng nóng. Đồng thời, tiếp tục phát hành tín phiếu nhằm điều hành lãi suất VND theo mục tiêu. Bên cạnh đó, NHNN có thể tiếp tục bơm thanh khoản trên thị trường mở và các công cụ bơm tiền khác để đáp ứng nhu cầu, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng. Và không loại trừ khả năng NHNN tiếp tục tăng lãi suất điều hành.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin