Giống như đợt điều chỉnh tháng 9, trước khi tăng lãi suất điều hành, NHNN đã áp dụng chính sách tiền tệ mang tính thắt chặt.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới đây đã quyết định điều chỉnh tăng một loạt lãi suất điều hành thêm 1 điểm % từ ngày 25/10.
Cụ thể, NHNN tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD từ 6,0%/năm lên 7,0%/năm. Ngoài ra, NHNN cũng tăng trần lãi suất huy động dưới 6 tháng, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên,…
Đáng chú ý, trước khi tăng lãi suất điều hành, NHNN đã áp dụng chính sách tiền tệ mang tính thắt chặt khi có 5 phiên hút ròng thanh khoản liên tục (18/10 – 24/10), rút khỏi hệ thống ngân hàng hơn 135.500 tỷ đồng.
Cụ thể, cơ quan này đã phát hành mới gần 132.300 tỷ tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, đồng thời rút ròng hơn 1.600 tỷ qua kênh đáo hạn OMO. Đây là là nhịp hút ròng mạnh nhất qua kênh tín phiếu và OMO của NHNN trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm qua.
Ngoài ra, NHNN cũng thay đổi phương thức đầu thầu tín phiếu, từ đấu thầu lãi suất sang đấu thầu khối lượng và cố định lãi suất trúng thầu ở 5%/năm trong suốt 4 phiên cuối tuần trước, rồi tăng lên 6% trong phiên 24/10. Bên cạnh đó, lãi suất trúng thầu OMO cũng được đẩy lên mức 6% vào ngày 24/10, trước khi nâng lãi suất điều hành. Những động thái điểu chỉnh này được coi như cách thức nhằm đẩy mặt bằng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng lên cao hơn.
Đây không phải là lần đầu tiên NHNN phát đi tín hiệu thặt chặt trước khi tăng lãi suất điều hành. Thực tế, trước đợt tăng lãi suất điều hành gần nhất vào ngày 23/9, NHNN rút về hơn 110.000 tỷ đồng khỏi thị trường thông qua hoạt động bán tín phiếu kỳ hạn 7 và 14 ngày.
Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, NHNN đã liên tục sử dụng đồng thời 2 công cụ là dự trữ ngoại hối và kết hợp phát hành tín phiếu và mua kỳ hạn trên hoạt động thị trường mở để ổn định tỷ giá, điều tiết và hỗ trợ thanh khoản hệ thống trước những cú sốc bên ngoài (lạm phát neo cao khiến các NHTW lớn tiếp tục nâng lãi suất, thu hẹp không gian chính sách nới lỏng tài khoá và tiền tệ, đặc biệt là FED).
Tuy nhiên, sau thời gian dài bán ngoại tệ bình ổn thị trường, dư địa để NHNN can thiệp bằng việc bán USD thông qua dự trữ ngoại hối đang hẹp dần (theo IMF quỹ dự trữ ngoại hối tối thiểu cần duy trì 8 – 12 tuần nhập khẩu). Vì vậy, hoạt động điều hành hiện đang phụ thuộc nhiều hơn vào hoạt động phát hành tín phiếu và OMO.