Theo chuyên gia, trong bối cảnh vĩ mô nhiều biến động, việc điều hành chính sách tiền tệ nói chung và tỷ giá nói riêng phải kết hợp nhiều loại công cụ khác nhau và là một nghệ thuật.
Tính từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ( FED ) đã có 5 lần tăng lãi suất. Tuy nhiên, giới phân tích đang nhìn nhận lạm phát tính đến thời điểm hiện tại có giảm nhưng chưa đúng kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách của Mỹ. Tốc độ hạ nhiệt của “bão giá” chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng lãi suất và việc đình trệ của nền sản xuất Mỹ. Các phát ngôn gần nhất của chủ tịch FED cũng cho thấy rằng cơ quan này vẫn tiếp tục kiên định với mục tiêu kiềm chế lạm phát. Từ giờ đến cuối năm, FED sẽ còn hai phiên họp và không ít ý kiến cho rằng lãi suất sẽ tiếp tục được nhà điều hành chính sách tiền tệ Mỹ nâng lên.
Giữa bối cảnh đó, chỉ số đồng USD tiếp tục được neo ở mức cao so với nhiều năm trở lại đây. Tính đến chiều ngày 20/10/2022, chỉ số này ở mức 112,77 điểm, cao hơn gần 20,27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngân hàng Nhà nước mới đây đã nâng biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và USD từ ±3% lên ±5%, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định thị trường.
Về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, khi đồng USD lên giá, ảnh hưởng lên lãi suất cũng như tỷ giá là rất lớn. Trong thời gian qua, NHNN cũng đã có những chính sách can thiệp như bán đô lăng, tăng lãi suất để ổn định tỷ giá trước biến động của đồng USD, gần đây nhất là nới biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và Đô la Mỹ từ ±3% lên ±5%.
Việc nâng biên độ sẽ làm những người có USD sẵn sàng bán ra và NHTM cũng có thể nâng giá bán cao hơn. Từ đó, giảm nhu cầu mua Đô La Mỹ, hạ áp lực tăng tỷ giá hối đoái. NHNN đang cố gắng để ít ảnh hưởng nhất đến lãi suất. Bên cạnh đó, nó cũng giảm tình trạng đầu cơ, tích trữ ngoại tệ.
“Vừa qua có tình trạng khi đồng USD lên giá có những người đi mượn hộ chiếu để mua đô la. Nâng biên độ lên sẽ khiến cho tỷ giá hối đoái theo sát những diễn biến thị trường hơn, làm giảm động lực của người đầu cơ”, ông Thịnh đánh giá.
Trong trường hợp lãi suất tiếp tục tăng, NHNN cũng sẽ có thêm những biện pháp hỗ trợ thanh khoản, trung hòa lượng vốn huy động giá cao, từ đó lãi suất đầu ra có thể nâng lên song mức tăng có thể là không đáng kể.
Dự báo thời gian tới, chuyên gia cho rằng, từ nay đến cuối năm tỷ giá hối đoái có thể biến động quanh mức 2-3%, Lãi suất có thể biến động từ 1-1,5%. NHNN cũng đã tăng lãi suất huy động 1% và kỳ vọng sẽ không có thêm một đợt tăng lãi suất nào nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc NHNN có tăng lãi suất nữa hay không còn phụ thuộc vào nhiều biến số. Như việc FED sẽ tăng lãi suất nữa hay không; đồng USD sẽ diễn biến thế nào và giá các hàng nguyên nhiên vật liệu diễn biến ra sao. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi và có các biện pháp phù hợp trong thời gian tới.
“Làm sao để cân đối chính sách tài chính tiền tệ ở mức phù hợp trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp là một nghệ thuật. Điều này đòi hỏi kết hợp linh hoạt giữa các chính sách để không tạo ra những đột biến lượng tiền hay những cú sốc trong nền kinh tế. Khi biết cách linh động các chính sách, kinh tế vĩ mô, giá cả đồng tiền mới ổn định và có thể chống được lạm phát”, ông Thịnh đánh giá.