Lựa chọn khó khăn của chính sách tiền tệ

Theo TS. Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế, để đảm bảo dòng vốn vào Việt Nam không bị ảnh hưởng, kể cả vốn đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp, Ngân hàng Nhà nước chỉ có thể chọn hoặc ổn định lãi suất, hoặc ổn định tỷ giá, mà không thể cùng một lúc thực hiện cả 2 nhiệm vụ.

Theo TS. Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế, để đảm bảo dòng vốn vào Việt Nam không bị ảnh hưởng, kể cả vốn đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp, Ngân hàng Nhà nước chỉ có thể chọn hoặc ổn định lãi suất, hoặc ổn định tỷ giá, mà không thể cùng một lúc thực hiện cả 2 nhiệm vụ.

Lạm phát trong tháng 8/2022 của Mỹ đã tăng cao hơn dự kiến ngay cả khi giá năng lượng giảm trở lại, củng cố kỳ vọng về đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này. Theo ông, nếu Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất sẽ tác động thế nào đến chính sách tiền tệ trong nước?

Liên quan tới lạm phát toàn cầu và các biện pháp chống lạm phát của các ngân hàng trung ương trên thế giới, chúng ta đều thấy các nước phát triển chủ yếu sử dụng công cụ chính sách lãi suất, chẳng hạn Mỹ, châu Âu và một số quốc gia khác đã thực hiện tăng lãi suất cơ bản. Việc các nước tăng lãi suất sẽ tác động đến chính sách tiền tệ của Việt Nam theo các hướng:

Thứ nhất, lãi suất đồng Việt Nam (VND) cũng cần phải tăng lên để tránh việc chênh lệch lãi suất khiến dòng vốn chảy ra khỏi Việt Nam, cũng như không hấp dẫn dòng tiền từ nước ngoài vào.

Thứ hai, tác động lên chính sách tỷ giá hối đoái. Khi Mỹ tăng lãi suất, đồng USD lên giá và đến nay đã tăng lên mức kỷ lục. Hiện tại, gần như tất cả các đồng tiền khác trên thế giới đều giảm giá so với USD, từ đó tạo ra áp lực giảm giá rất lớn đối với VND. Trong trường hợp VND không mất giá, khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Điều này tác động rất lớn tới nền kinh tế bởi xuất khẩu là mũi nhọn tăng trưởng chính.

Bên cạnh đó, để duy trì ổn định tỷ giá, chắc chắn Ngân hàng Nhà nước sẽ phải hao tổn một lượng dự trữ ngoại tệ không nhỏ. Trên thực tế, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, cơ quan này đã phải bán ra ngoại tệ để can thiệp, ổn định thị trường.

Trường hợp này rất giống với Thái Lan vào năm 1997, khi đó cũng kìm giữ tỷ giá hối đoái cố định ở mức 27 bath/USD và bán hết dự trữ ngoại hối. Khi không giữ được nữa, Thái Lan đã phải phá giá đồng nội tệ, dẫn tới xảy ra khủng hoảng khu vực.

Hiện tại, chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng đang đối mặt với “tam giác bất khả thi” – mối quan hệ giữa chính sách lãi suất – chính sách tỷ giá hối đoái – dòng vốn nước ngoài. Để đảm bảo dòng vốn vào Việt Nam không bị ảnh hưởng, kể cả vốn đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp, chỉ có 1 trong 2 lựa chọn: Hoặc ổn định lãi suất, hoặc ổn định tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước không thể cùng một lúc thực hiện cả 2 nhiệm vụ. Đây đang là lựa chọn khó khăn nhất của chính sách tiền tệ.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phải bán ra ngoại tệ để ổn định thị trường. Ảnh: Dũng Minh

Kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới để ứng phó với tình huống này là gì?

Thông thường, các nước phát triển sẽ lựa chọn chính sách lãi suất để dành thế chủ động cho chính sách tiền tệ. Ở những nước có nền kinh tế quá mở, khả năng quản lý dòng tiền, kiểm soát dòng vốn cũng như điều hành lãi suất cao thì sẽ lựa chọn thả nổi tỷ giá hối đoái, không can thiệp.

Còn ở Việt Nam, quan trọng nhất là phải lựa chọn thả nổi lãi suất hay thả nổi tỷ giá hối đoái. Cần phải đánh giá tác động của mỗi phương án này đến nền kinh tế để lựa chọn chính sách phù hợp.

Hiện tại, từ thực tế điều hành chính sách tiền tệ cho thấy, Ngân hàng Nhà nước chưa đưa ra lựa chọn nào cả. Chính sách lãi suất thì không tăng được vì Chính phủ yêu cầu tối thiểu phải giữ ổn định, thậm chí là giảm xuống để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Còn về tỷ giá hối đoái, vừa rồi cũng có chủ trương làm sao để VND không mất giá quá nhiều so với USD. Chính vì thế, sau 2 năm 2020-2021 có lên giá một chút thì sang năm 2022, VND đã mất giá so với USD nhưng chưa nhiều, chỉ khoảng 2%.

Vậy theo ông, Ngân hàng Nhà nước nên lựa chọn chính sách nào?

Để đưa ra lựa chọn trong bối cảnh hiện nay thì cần phân tích thấu đáo, với mỗi lựa chọn chúng ta được gì và mất gì. Làm sao để tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu thiệt hại đến tổng thể cũng như từng bộ phận của nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 200% GDP, trong đó 70-75% xuất khẩu là do khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cung cấp; còn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hiện nay chiếm khoảng 23-25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm trên dưới 20% GDP, chưa kể dòng vốn gián tiếp đi qua thị trường chứng khoán hay hoạt động M&A (mua bán, sáp nhập).

Sự tham gia của yếu tố nước ngoài trong nền kinh tế Việt Nam là rất lớn nên không có công cụ kiểm soát dòng vốn, kể cả dòng vốn vào và dòng vốn ra. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tiến tới bước khá cao trong tự do hóa tài khoản vốn, chưa kể chính sách lãi suất và tỷ giá có tác động đến hơn chục tỷ USD kiều hối hàng năm, nếu xử lý không khéo có thể gây nghẽn dòng tiền lớn này.

Sự sụp đổ của Thái Lan năm 1997 là bài học điển hình cho việc không xử lý tốt khi đối mặt với “tam giác bất khả thi”. Việt Nam hiện chưa rơi vào tình trạng căng thẳng như vậy, song cần phải đưa ra lựa chọn càng sớm càng tốt, bởi càng kéo dài thì càng tiêu tốn nhiều dự trữ ngoại hối vốn được chắt chiu từ nhiều năm trước.

Có ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan” khi vừa phải kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, vừa phải hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau dịch?

Ở các nước có thị trường tài chính phát triển, họ có nhiều lựa chọn về nguồn cung vốn, khi thắt chặt tín dụng có thể xoay sang các thị trường tài chính, thậm chí có mối liên hệ giữa thị trường tài chính và thị trường tín dụng.

Còn tại Việt Nam, hệ thống các tổ chức tín dụng đang đóng vai trò kênh cung ứng vốn chính cho nền kinh tế. Vì thế, việc Ngân hàng Nhà nước được giao trọng trách kiểm soát lạm phát nhưng vẫn phải tăng trưởng kinh tế là phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam.

Song, đây đúng là bài toán khó trong bối cảnh hiện tại. Bởi nếu kiểm soát lạm phát bằng cách hạn chế tín dụng và tăng lãi suất thì lập tức sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Ngay cả những nước có thị trường tài chính phát triển như Mỹ, việc tăng lãi suất như thời gian vừa qua cũng chính là để hạn chế vay nợ và lập tức đã đưa ra cảnh báo suy thoái kinh tế, thậm chí tuyên bố chấp nhận suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, Việt Nam đã vượt qua nguy cơ lạm phát cao trong năm 2022 sau nửa đầu năm, dù giá xăng dầu tăng mạnh. Sang quý III, nguy cơ này gần như không còn, trong đó lạm phát cơ bản (loại trừ các nguyên nhân trực tiếp từ tiền tệ) vẫn rất thấp. Do đó, nhiệm vụ chống lạm phát hiện dễ hơn, nhưng vẫn là nhiệm vụ ưu tiên hơn là hỗ trợ tăng trưởng trong điều kiện có thể. Bởi câu chuyện chống lạm phát năm nay về cơ bản đã ổn, nhưng vẫn còn “rình rập” mối lo ngại trong năm tới.

Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh thêm room tín dụng cho một số ngân hàng, bình quân khoảng 2%. Theo ông, NHNN có nên sớm phân bổ nốt phần còn lại và nâng hạn mức tổng thể cao hơn mức 14%?

Hạn mức tín dụng Ngân hàng Nhà nước phân bổ dựa trên tiêu chí khả năng hoạt động, thực tế quản trị rủi ro tín dụng nhằm khuyến khích hay hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng có uy tín, khả năng hoạt động tốt, đảm bảo an toàn, đồng thời hạn chế những ngân hàng yếu kém hoặc quản lý rủi ro không tốt. Quan trọng nhất, việc phân bổ tín dụng không đều giữa các ngân hàng là nhằm cơ cấu lại hệ thống ngân hàng vốn được tiến hành từ năm 2011 đến nay.

Việc phân bổ hạn mức tín dụng buộc các ngân hàng phải chọn lọc khách hàng, chọn lọc dự án để cho vay chứ không thể cho vay ồ ạt, bừa bãi và không có chuyện tăng khả năng tín dụng mà không bị kiểm soát. Việc phải tái cơ cấu lại hệ thống cũng là hệ quả của giai đoạn bùng nổ tín dụng và cho vay quá dễ dãi trước đó, dẫn tới nợ xấu tăng cao.

Bởi vậy, tôi cho rằng, việc phân bổ này không có vấn đề gì cả, đặc biệt trong năm 2022 với dự báo tăng trưởng kinh tế có thể lên đến 7,5%, lạm phát chắc chắn dưới 4%, cho nên việc tăng hạn mức tín dụng vượt quá mục tiêu đầu năm 14% để hỗ trợ tăng trưởng và kiềm chế lạm phát là không cần thiết.

Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước vẫn nên giữ hạn mức tín dụng chung là 14%, nếu trong trường hợp dùng hết thì có thể điều chỉnh thêm một chút tổng hạn mức tín dụng. Quan trọng nhất, đây là công cụ giúp cơ cấu lại hệ thống để phát triển ngân hàng lành mạnh, đồng thời hạn chế, thậm chí cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém ngoài 3 ngân hàng đã mua 0 đồng.

Bên cạnh đó, độ trễ của tín dụng, của chính sách tiền tệ phải đặt ra trong bối cảnh mục tiêu năm tới. Theo đó, cần tính toán hạn mức cho tín dụng của năm 2023, hoặc trong điều kiện cần có thể cho vay gối đầu, nếu cuối năm 2022 nhu cầu tín dụng chính đáng vẫn tăng thì hoàn toàn có thể sử dụng hạn mức tín dụng của năm 2023. Điều hành linh hoạt được, chứ không cần phải nới room tín dụng thêm.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin