TS. Trương Văn Phước: Ngân hàng Nhà nước nên tăng lãi suất

Theo vị chuyên gia này, khi FED tăng lãi suất 0,75 điểm % trong cuộc họp tới đây và cuối năm nay sẽ đạt mức 4 – 4,25%, mà NHNN vẫn để trần lãi suất huy động 6 tháng ở mức 4% là không ổn.

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2022, TS.Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam khẳng định tăng lãi suất là công cụ để chống lạm phát.

Có nhiều nhận định, đánh giá khác nhau về vấn đề tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương nhưng theo TS.Trương Văn Phước có ba mục tiêu chính: Thông thường khi lãi suất tăng lên, thì cầu giảm, đó là điều mong muốn để hạ bớt cầu về tín dụng ở các quốc gia đang có lạm phát cao. Bên cạnh đó, tăng lãi suất sẽ làm dịu bớt thị trường lao động nóng. Ngoài ra, tăng lãi suất suy cho cùng là làm cho đồng nội tệ tăng lên, hễ lãi suất tăng lên thì tỷ giá sẽ giảm xuống. Việt Nam cũng như vậy, muốn cho VND tăng giá, NHNN chỉ cần tăng lãi suất lên là VND sẽ tăng giá, USD sẽ giảm giá.

”Việc sử dụng lãi suất là rất quan trọng. Tôi khuyến nghị lãi suất Việt Nam cố gắng ổn định là tốt nhất”. Ông Phước nói thêm: “Ngày trước khi lạm phát thấp, chính sách tiền tệ của Việt Nam là phải hạ lãi suất nhưng không hạ được. Bây giờ lạm phát tăng cao thì không thể hạ lãi suất được. Nếu tăng lãi suất, sau khi trừ lạm phát kỳ vọng sẽ tạo ra lãi suất thực dương cao”.

Theo vị chuyên gia này, khi FED tăng lãi suất 0,75 điểm % trong cuộc họp tới đây và cuối năm nay sẽ đạt mức 4 – 4,25% mà NHNN vẫn để trần lãi suất huy động 6 tháng ở mức 4% là không ổn.

”Chính vì vậy, NHNN nên tăng lãi suất để tạo ra ”swap point” giữa đồng VND và USD”, ông Phước khuyến nghị.

Về vấn đề tỷ giá, TS.Trương Văn Phước nhấn mạnh, Việt Nam phải giữ cho bằng được ổn định tỷ giá. ”Đây là ”phòng tuyến sông Cầu”, nếu vỡ phòng tuyến này thì lạm phát sẽ tràn vào”, vị chuyên gia ví von.

Ông Phước cho rằng, thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã làm tốt việc này giữ tỷ giá trung tâm khoảng 0,6% và cho thị trường dao động trong biên độ cộng trừ 3%. Như vậy là sự lan truyền của lạm phát và Việt Nam sẽ bị ngưng lại bởi phòng tuyến tỷ giá.

Tuy nhiên, theo chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước hiện đứng trước 2 khó khăn, nếu ổn định tỷ giá thì phải can thiệp (bán ngoại tệ – pv), mà can thiệp trong bối cảnh xuất khẩu cũng không dễ dàng.

“Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu để mở rộng đối tượng cho vay ngoại tệ xem như là cầu về ngoại hối hiện nay sẽ di chuyển vào trong tương lai. Đây là vấn đề cân nhắc và sự đánh đổi đó là hết sức cần thiết cho Việt Nam”, ông Phước gợi ý.

Góp ý với cơ quan quản lý tiền tệ, GS Andreas Hauskrecht, Đại học Indiana (Mỹ) cũng nói, Việt Nam không nên giảm giá tiền đồng bởi nếu không sẽ gây rủi ro tài chính.

Theo GS Andreas Hauskrecht, với động thái dự kiến tăng lãi suất trong tháng cuối năm 2022 và 2023 của FED, nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ sẽ ngày càng rõ rệt hơn. Điều này sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam, nhất là tỷ giá VND/USD.

Ông dự báo đồng Việt Nam sẽ tăng mạnh so với euro và các đồng tiền khác. Khi đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề thanh toán, ảnh hưởng nhất đến giá trị xuất nhập khẩu.

“Nhưng Việt Nam không nên giảm giá tiền đồng, cũng không tăng lãi suất bởi có thể gây bất ổn tài chính. Thay vào đó Việt Nam nên dùng các công cụ tài chính thận trọng, an toàn”, GS Hauskrecht khuyên.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin