VDSC dự báo VND sẽ mất giá 3% trong năm nay, thậm chí nhiều hơn nếu USD index lên vùng 120 điểm

Theo VDSC, việc tăng giá bán USD mới đây đồng nghĩa NHNN chấp nhận cho VND mất giá thêm trong bối cảnh khó cân đối cung-cầu tiền trong hệ thống.

Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết sự lệch pha về cung-cầu tiền đã diễn ra trong thời điểm cuối tháng 8 và đầu tháng 9.

Theo đó, dù chênh lệch lãi suất VND-USD đã được kéo về mức dương tương đối an toàn hơn 2 điểm %, nhu cầu USD trong hệ thống vẫn không hạ nhiệt. Việc NHNN vẫn phải liên tục bán USD để ổn định tỷ giá khiến cho một lượng lớn tiền đồng bị rút ra khỏi hệ thống.

Trên thị trường mở, từ 01/08-26/08, NHNN vẫn liên tục phát hành tín phiếu để kéo lãi suất liên ngân hàng lên. Giữa tháng 8, lãi suất cho vay qua đêm tiền đồng giảm về mức thấp 1,99%/năm, sau đó tăng trở lại mức 4,42%/năm vào cuối tháng 8/2022.

Tuy nhiên, tuần trước và sau kỳ nghỉ lễ 2/9, NHNN buộc phải bơm tiền trở lại nhằm bổ sung thanh khoản cho hệ thống. Tình hình thanh khoản trong hệ thống NHTM khá căng thẳng khi ngày 7/9, lãi suất cho vay qua đêm ở mức cao kỷ lục 6,88%/năm, mức cao nhất kể từ năm 2012 đến nay.

Từ 5/9-13/9, NHNN đã bơm ròng khoảng 14.052 tỷ đồng qua nghiệp vụ mua kỳ hạn, cùng với lượng tín phiếu đáo hạn được bơm trở lại là 34.100 tỷ đồng thì tổng số tiền bơm ròng ước đạt 48.152 tỷ đồng.

Tính đến ngày 13/9, số dư trên thị trường OMO là 36,4 nghìn tỷ đồng, số dư tín phiếu NHNN phát hành còn khoảng 21 nghìn tỷ đồng. Đầu tuần này, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã hạ nhiệt còn 4,2%/năm, cho thấy vấn đề thiếu hụt thanh khoản đã tạm lắng.

Diễn biến trên kéo theo quyết định nâng giá bán ngoại tệ của NHNN vào ngày 7/9, từ mức 23.400 đồng/USD lên 23.700 đồng/USD, cao hơn 1,3% so với tỷ giá thay đổi lần gần nhất vào ngày 4/7.

”Mức điều chỉnh này cũng cao hơn so với lần điều chỉnh trước, đồng nghĩa với việc NHNN chấp nhận cho tiền đồng mất giá thêm trong bối cảnh khó cân đối cung-cầu tiền trong hệ thống”, nhóm phân tích nhận định.

Trong báo cáo trước đó, VDSC kỳ vọng việc nâng lãi suất vào tháng 9 của FED sẽ là một phép thử quan trọng đối với sức bền của các bộ đệm giúp ổn định tỷ giá trong nước. Thực tế diễn ra sớm hơn kỳ vọng của nhóm phân tích theo hướng NHNN buộc phải nâng tỷ giá để chuẩn bị trước cho biến động của kỳ họp diễn ra vào ngày 21/9 sắp tới của FED khi áp lực bên ngoài vẫn tăng cường và bộ đệm dự trữ ngoại hối và cán cân thanh toán đã yếu đi đáng kể.

Tỷ giá trên thị trường chính thức đã thiết lập mặt bằng mới, trong ngày 7/9, tỷ giá thị trường liên ngân hàng và tỷ giá bán tại Vietcombank tăng lên mức cao kỷ lục lần lượt là 23.586 đồng/USD và 23.740 đồng/USD, tương ứng với mức mất giá 3,3%-3,6% so với đầu năm.

VDSC cho rằng việc nâng mạnh tỷ giá bán của NHNN và ngừng hẳn giao dịch mua USD từ các NHTM vừa cho thấy áp lực lớn đối với mục tiêu ổn định tỷ giá nhưng cũng vừa là một động thái mang tính chuẩn bị.

”Ngưỡng mất giá mới 3,0% so với ngưỡng mất giá 2,5% vào tháng 7 đối với tiền đồng có thể coi là mục tiêu cân bằng mới mà NHNN đang hướng tới trong các tháng còn lại của năm 2022”, VDSC cho hay.

Sau ngày 7/9, tỷ giá trong hệ thống ngân hàng đã hạ nhiệt đôi chút nhưng vẫn ở mức cao, trong bối cảnh này, tỷ giá USD tự do tương đối bình ổn, duy trì ở vùng 24.090-24.140 đồng/USD cũng cho thấy nhu cầu đầu cơ không phải quá lớn sau đợt điều chỉnh tỷ giá của NHNN vừa qua.

VDSC vẫn bảo lưu quan điểm sau kỳ họp của FED vào tháng 9, các bước tăng lãi suất dễ thở hơn có thể phần nào kiềm hãm đà tăng của đồng USD. Điều này đặt trong bối cảnh ECB có thể nâng lãi suất nhanh hơn, hy sinh tăng trưởng, trong khi đó, Trung Quốc có nỗ lực kích thích kinh tế mạnh hơn sau đại hội Đảng.

Trên cơ sở này, nhóm phân tích cho rằng tiền đồng cả năm nay sẽ chỉ mất giá ở khoảng 3%. Rủi ro đối với kịch bản này là về cuối năm, khi chênh lệch trong tăng trưởng kinh tế giữa Mỹ và các quốc gia khác có sự khác biệt đáng kể để đẩy đồng USD index lên một mức mới, chẳng hạn như vùng 120 thì tiền đồng có thể mất giá hơn nữa ở mức 4-5% cho cả năm 2022.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin